Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam với mục tiêu là tạo được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự là một bộ phận quan trọng của pháp luật Việt Nam. Bởi vậy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cần chú trọng đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự. Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự sẽ góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự đang có những hạn chế nhất định; nhiều quy định pháp luật chưa đầy đủ, nhiều vướng mắc trong cơ chế thực thi chưa được tháo gỡ; nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đặc biệt, thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự đang bộc lộ những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của đời sống xã hội, vì vậy, hiệu quả đạt được chưa cao, tính nghiêm minh của pháp luật chưa được thực thi một cách nghiêm túc.
Có thể nói, pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự ở nước ta chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn mang tính chất tình thế, chắp vá và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự nhằm tạo ra sự tương thích, phù hợp giữa pháp luật và thực tế xử lý vi phạm pháp luật; đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, khoa học, khả thi và nghiêm minh của pháp luật; đảm bảo các quy định của pháp luật được thực hiện hiệu quả trong thực tế, tránh sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật và gây oan sai trong thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật.
Vấn đề xử lý vi phạm pháp luật nói chung và xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự nói riêng hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội. Việc xử lý vi phạm pháp luật không nghiêm, kém hiệu quả sẽ gây dư luận xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với tính nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương phép nước bị coi nhẹ.
Do vậy, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao hiệu quả trong thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật là yêu cầu cấp bách đặt ra trong hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, hiện nay, công tác thi hành án dân sự đang ngày càng được chú trọng, đang dần được xã hội hóa, trong đó, số lượng các vụ việc thi hành án dân sự cần giải quyết ngày càng tăng, mức độ phức tạp ngày càng cao; phạm vi công tác thi hành án dân sự lúc đầu chỉ giới hạn ở việc tổ chức thi hành các bản án dân sự, hôn nhân và gia đình, phần dân sự trong bản án hình sự thì đến nay đã mở rộng đối với các loại việc mới như thi hành các bản án, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, lao động, hành chính, các bản án, quyết định của Tòa án và Trọng tài nước ngoài... Cùng với đó, các vụ việc vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự xảy ra ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp hơn.
Bởi vậy, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự ngày càng trở nên cấp thiết. Theo đó, pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ, khả thi và dự liệu được các loại vi phạm pháp luật trong thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt là những loại vi phạm pháp luật mới có thể xảy ra. Pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự hoàn thiện sẽ góp phần xử lý nghiêm cũng như hạn chế các vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận thấy, việc nghiên cứu, tổng kết, đánh giá pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự cả về lý luận và thực tiễn, từ đó đề ra những quan điểm và giải pháp hoàn thiện là rất cần thiết.
Cuốn sách “Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay” của TS. Nguyễn Tuấn An đã nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự ở Việt Nam, là tài liệu giúp cho bạn đọc hiểu sâu hơn về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự để áp dụng vào thực tiễn hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!