Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Văn học nghệ thuật
Thú ăn chơi người Hà Nội (Tập 1)

 Sinh ra ở Cẩm Giàng, Hải Dương nhưng nhà văn Băng Sơn sống và gắn bó cuộc đời mình với Hà Nội. Ông từng viết “Hà Nội có cái gì thì con người tôi có cái ấy, dù tôi không phải là Bách khoa thư lưu trữ toàn bộ những thứ gì liên quan đến Hà Nội, nhưng gần như một đời thâm nhập vào Hà Nội, tôi tự thấy mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi", “Nếu còn sống, tôi còn tiếp tục viết, và viết về Hà nội, nơi tôi sống, nơi tôi yêu và nơi mà từ lâu tôi đã xem là máu thịt của mình”. Tình yêu ấy được ông gửi trong những trang bút ký viết về mảnh đất Thủ đô yêu dấu trong đó có “Thú ăn chơi người Hà Nội” - tập 1. 

Tác giả: Băng Sơn
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2017
Tổng số trang: 300 trang
Kích thước: 13,5 x 20,5 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 2 - Trung bình: 4.00)
Giới thiệu về sách:

 

Với 34 bài tản văn, đi từ “Tản mạn về ăn”, “Tản mạn về uống”, tác giả đã tái hiện bức tranh ẩm thực muôn màu của mảnh đất Thủ đô. Lật giở từng trang viết, người đọc bắt gặp sự phong phú, đa dạng của một nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Ở đó có những món ăn gần gũi, quen thuộc được nhiều người biết đến, chứng minh được sức sống qua sự chọn lọc của thời gian. Đó là món phở, món bún nhiều hương vị hấp dẫn (“Phở”, “Bún chả”, “Bún thang”), là món tết cũng món ngày thường nhiều sắc màu khơi gợi đầy đủ giác quan, ngũ vị, là bao thức quà sáng, trưa, chiều đầy quyến rũ, mê đắm lòng người (“Cốm vòng”, “Mứt sen trần)… Nhưng đó cũng có thể đơn giản là một bắp ngô rang, một bát gia vị khéo pha, một loại rau thơm như đôi nhánh gừng, dăm lá húng làm dậy lên hương vị món ăn; hoặc những sản vật bốn phương đổ về nhờ bàn tay người phụ nữ Hà thành thanh lịch mà thành đặc sản như chả rươi, sứa tươi… Hay cũng có thể chỉ là những thứ bánh trái theo mùa, quà vặt theo tiết… đơn sơ mà để lại niềm thương, nỗi nhớ trong mỗi người Hà Nội, đặc biệt với những ai phải xa mảnh đất ngàn năm tuổi này. Thậm chí, Băng Sơn còn viết rất kỹ về “Món không khí” , dù vô hình, không vị mà thiếu nó nhiều bữa cỗ cao lương mĩ vị, nhiều bữa tiệc mâm cao cỗ đầy cũng trở nên nhạt nhẽo, không tròn vị. Gắn với món đặc biệt ấy là vài ba giai thoại về những văn nhân tao nhã, cầu kỳ trong thưởng thức từng món ăn.

Cũng như thế, trong dàn hợp âm của văn hóa ẩm thực, có nhiều món ăn chỉ rộ lên một thời và rồi chìm khuất đi trong nhịp chảy trôi của thời gian mà phở “ngẩu pín” là một ví dụ, nhiều người từng biết, từng ăn đôi khi cũng chạnh lòng nhớ khi đã vắng bóng từ lâu. Cùng với đó, Băng Sơn giới thiệu những người đã làm nên “thương hiệu” riêng cho từng món ăn. Cốm là của làng Vòng, nhưng bánh cốm nhất định phải đến hiệu Nguyên Ninh phố Hàng Than, phở Đông Mỹ ở Cầu Gỗ,… Cái ăn tưởng “quá khẩu thành tàn” mà trong trang văn của ông bỗng hội vào đó biết bao điều lý thú, biết bao những xoay vần của thời thế, cuộc đời.

Và với bất kỳ món ăn nào, người Hà Nội đều thưởng với sự ung dung và tấm lòng trân trọng, biến việc ăn uống thành một nét văn hóa tinh tế: “Suy rộng ra cái ăn cái uống quả là hàm nghĩa chứa yếu tố văn hóa cao vậy. Tùy nhận thức và con mắt nhìn mà đánh giá nó, thực hiện nó, chứ đâu phải giàu sang hay nghèo khó mà nói rằng không thể… Cũng không phải là một kiểu “đài các” đáng chê như có người lên án. Giàu mà trọc phú thì cũng không biết cách ăn uống. Sang mà bần tiện thì cũng chỉ là học đòi”. Bởi vậy, viết về mỗi món ăn ấy, Băng Sơn không chỉ dừng ở việc miêu tả đồ ăn, cách ăn, từng nguyên liệu được chọn lựa ra sao mà đã tái hiện bằng sự sống động của con chữ, sự tinh nhạy của giác quan, bằng khả năng thưởng thức ẩm thực với tất cả niềm say mê, trân trọng. Qua đó, người đọc hình dung được những nét hào hoa, thanh lịch, tinh tế của người Hà Nội, cũng như những đổi thay, sự biến chuyển của những thức ăn vừa quen vừa lạ của đất Thủ đô.

Bây giờ, khi cái thú ăn và thú chơi thanh lịch một thời của người Hà Nội đang bị "xê dịch, biến thiên" ở mức báo động thì người ta phải tìm lại những giá trị hào hoa vốn có là điều đương nhiên. Những thú ăn, thú chơi ấy đã không chỉ “vang bóng một thời” mà có sức sống lâu bền trong dòng chảy văn hóa đất Kinh kỳ. Để khi tìm về những nét giá trị bền vững bến rễ trong đời sống bình dị, ta nhận ra, ẩn sâu trong những trang viết là tình yêu của Băng Sơn dành cho Hà Nội mà ông gắn bó, mến yêu, nơi ông thân thuộc đến từng hàng cây, góc phố, những con người tài hoa, cả những món ăn vừa cầu kỳ, kiểu cách, vừa dân dã thân quen.

“Thú ăn chơi người Hà Nội” - tập 1 được viết bằng sự khảo cứu công phu, tỉ mỉ, bằng sự am tường sâu sắc về ẩm thực Hà thành. Miếng ăn quen thuộc, cái ăn thường ngày qua những câu chữ của Băng Sơn bỗng trở thành đáng quý, một thứ văn hóa sống động, gần gũi, ai cũng nên biết và nên gìn giữ.

Nếu như độc giả đã gặp hình ảnh một Hà Nội hào hoa, tinh tế những năm bốn mươi thế kỷ trước trong bút ký của Thạch Lam, hay từng say lòng trước vẻ đẹp của vùng Bắc Hà thời những năm 1960 qua nỗi nhớ của Vũ Bằng thì tùy bút Thú ăn chơi người Hà Nội - tập 1 của nhà văn Băng Sơn một lần nữa mở ra những trải nghiệm thú vị về con người Hà Nội trong thập niên 90.

Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu.

Sách cùng chuyên mục

Anh đã từng yêu em, nghĩ lại thấy đau lòng

 "Anh đã từng yêu em, nghĩ lại thấy đau lòng" là cuốn tiểu thuyết Trung Quốc của tác giả Tự Do Cực Quang, viết về tình yêu của thời hiện đại giữa Hứa Chí An - một người đàn ông thành đạt giàu có đã hơn 30 tuổi và Lợi Hương - cô sinh viên học viện điện ảnh hoạt bát vui vẻ, tốt bụng đang ở độ tuổi 20. Đây là một câu chuyện vừa hài hước vừa cảm động về tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2017.

Tự Do Cực Quang
Nhà xuất bản Hà Nội
2017
540
14.5x20.5cm

Dù sợ vẫn cứ yêu

 "Dù sợ vẫn cứ yêu" là cuốn tiểu thuyết với nhân vật nữ chính - một cô gái đẹp có tâm hồn trong sáng nhưng hoàn cảnh gia đình thật éo le - bố mẹ bỏ nhau, 5 tuổi đã phải đi ở thuê để nuôi sống bản thân vì người cha cờ bạc, còn người mẹ theo người đàn ông khác. 

Nguyễn Thị Ngọc Anh - bút danh NA
Nhà xuất bản Hà Nội
2017
376 trang
13.5 x 20.5

Người đàn bà sợ mưa

Là tập truyện ngắn viết về những vấn đề xã hội phổ biến của cuộc sống hiện đại nhưng lại không rập khuôn, sáo rỗng hay nhàm chán bởi qua cách xây dựng cốt truyện, mở đầu và kết truyện với ngôn từ chau chuốt, nhưng lại rất tự nhiên, giản dị… Tất cả những yếu tố đó làm cho tập truyện ngắn Người đàn bà sợ mưa trở nên hấp dẫn đối với người đọc. Đây là tập truyện ngắn của tác giả Lê Văn Thê được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2014.

Lê Văn Thê
Nhà xuất bản Hà Nội
2014
240 trang
13.5 x 20.5 cm

2013 - Tập 2 - Bình minh rực rỡ

 Năm 2013, bệnh dịch thây ma bùng nổ trên khắp trái đất. Trong cơn đại dịch đó, các quốc gia, các cá nhân phải lựa chọn con đường để chiến đấu với bệnh dịch, bảo vệ sự sống và bảo vệ đất mẹ. Truyện kể về quá trình trưởng thành dần dần cả về tư tưởng và ý chí của nhóm bạn Lưu Nghiễn trong cơn đại dịch đó: từ chỗ đơn thuần chốn chạy tử thần đến lúc chủ động đương đầu với hiểm nguy để tìm ra một con đường bảo vệ tất cả mọi người và giải quyết bệnh dịch. 2013 là câu truyện về ý chí và tình yêu: tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, giữa cá nhân với cộng đồng, với Tổ Quốc...

Phi Thiên Dạ Trường - Dịch giả: Oải Hương Tím
Nhà xuất bản Hà Nội
2017
668 trang
14.5 x 20.5 cm

Khi Hikaru còn trên thế gian này

 Khi Hikaru còn trên thế gian này là câu chuyện của một đôi bạn thân là học sinh cấp 3 Hikaru - Keramitsu. Khi Hikaru bị tai nạn qua đời đã gửi gắm bạn thăm chăm sóc, dạy dỗ một cô bé lớp 4 để cô bé trở thành người tốt, thành một “quý cô chân chính”. 

Nomura Mizuki, Người dịch: Nguyễn Dương Quỳnh
Nhà xuất bản Hà Nội
2018
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)