Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Sau 15 năm nhìn lại, ngành văn hóa
thẳng thắn chỉ ra: Một trong những hạn chế và yếu kém của lĩnh vực phát
triển sự nghiệp văn học – nghệ thuật là vấn đề chưa có nhiều tác phẩm
đạt đỉnh cao, tương xứng với thành tựu của công cuộc đổi mới. Còn thiếu
vắng những tác phẩm sáng tạo mới mẻ, có giá trị cách tân đích thực phản
ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây đó vẫn còn những tác phẩm có
nội dung tư tưởng lệch lạc, chưa phản ánh đúng bản chất của cuộc sống,
nhìn cuộc sống ở mặt đen tối, tiêu cực, thậm chí một số tác phẩm phủ
nhận quá khứ, xuyên tạc sự thật lịch sử, cách mạng của dân tộc…
Nhà văn Chu Lai ngạc nhiên cho rằng:
Xã hội càng khó khăn, cuộc sống càng ngổn ngang, số phận con người càng
chìm nổi lẽ ra sức sáng tạo càng có điều kiện để nảy nở. Ví dụ những tác
phẩm từ các cuộc chiến tranh, hay như là thời của các cụ Ngô Tất Tố,
Văn Cao…Vậy nên không thể đổ tại hoàn cảnh được. Và như vậy, chất liệu
hôm nay là nồng nàn mùi tiểu thuyết, mùi điện ảnh, sân khấu, hội họa và
nhiếp ảnh. Nhưng hãy tìm xem có những tác phẩm nào để đời, tác phẩm nào
chói sáng, nhìn vào đó ta cảm thấy niềm tự hào về nền văn học - nghệ
thuật nước nhà hay chưa? Đúng là chưa có. Vì sao?
Nền văn học - nghệ thuật của chúng ta
còn mỏng, ngoài những "trái núi” xưa như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… thì
văn học - nghệ thuật vẫn chưa có cái nền vạm vỡ để thế hệ sau đứng lên,
tiếp tục thể hiện tài năng. Trong khi đó ở Nhật, Nga, Pháp, Nam Mỹ… có
nhiều tài năng luôn luôn lập đỉnh, tạo mặt bằng sáng tạo rất ghê gớm.
Nhưng ở ta thì sao, nhà văn Chu Lai so sánh: Riêng về thi pháp sáng tạo,
chúng ta thường chê phim Hàn Quốc, nhưng phim Hàn Quốc cho dù nội dung
đã nhàm chán, nhưng số lượng khán giả vẫn không giảm đi…
Và còn nữa, việc sân khấu luôn sáng
đèn là mơ ước của người làm sân khấu…Thực tế thì nhiều năm nay, sân khấu
phía Bắc vẫn trong cơn khủng hoảng, còn sân khấu phía Nam dù sáng đèn,
nhưng đó lại là những vở kịch mang màu sắc kinh dị, thậm chí có những vở
diễn 1 ngày 3 ca. Có thể thấy rõ sân chơi của sân khấu phía Nam bỏ
trống đề tài truyền thống, vậy thì làm sao đề tài chính thống, nhân văn,
những mạch đập của dân tộc có chỗ đứng và gần với công chúng được?
Trái tim nghệ sĩ không thôi rung động
Sự hội nhập toàn cầu về văn hóa, hội
nhập kinh tế WTO không phải không có sức công phá mạnh vào thế giới tâm
hồn của người sáng tạo. Sự hội nhập có cả ngọn gió lành, nhưng cũng có
cả những làn gió độc, cho nên nó tác động nhiều chiều. Rất nhiều tài
năng văn chương bây giờ đi viết báo kiếm sống. Có những nhà văn viết
sừng sững như tượng đài ở phía Nam bây giờ cũng bỏ bút. Nhiều tài năng
bị lợi nhuận chi phối.
Dẫu vậy, trong sâu thẳm của người
nghệ sĩ cách mạng họ vẫn miệt mài sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm
nghệ thuật trong suốt 15 năm qua. Nó không thành dàn đồng ca, nhưng thi
thoảng vẫn có những tác phẩm ở vị trí lĩnh xướng. Nó không được vươn tầm
thời đại, ngang tầm thời đại, nhưng không thể không đến nỗi thua thiệt
lắm, có thể ứng dụng được. Như điện ảnh, trong "giông gió” thị trường
vẫn cho ra được "Đừng đốt”, "Mùi cỏ cháy” chạm đến trái tim khán giả.
Tuy "Mùi cỏ cháy” đạt giải vàng, khiến hàng triệu người xúc động, nhưng
vào tới TP. HCM, trong một buổi chiếu chỉ có 4 người xem! Một câu hỏi
đặt ra, đề tài chính thống, một đề tài chủ đạo của dân tộc mà vẫn không
có người xem, đó có phải là văn hóa hay không?
Và sân khấu vẫn có những vở rung động
lòng người trong những vở diễn, như: Mặt người thấp thoáng, Đường đua
bóng tối. Với văn học, tuy chưa có người bỏ thời gian từ 5 - 10 năm cho
việc sáng tác, nhưng vẫn có những cá nhân lầm lũi sáng tạo, như nhà văn
Hoàng Quốc Hải ra được 6 cuốn về bão táp Vương triều Trần; nhà văn
Nguyễn Xuân Khánh ra bộ 3 tiểu thuyết về sử thi rất hay, vẫn có những
nhân cách "tử vì đạo”, gồng mình nên để tạo cho chính mình những niềm
vui. Điều đó chứng tỏ tiền bạc không làm nên cảm hứng sáng tạo. "Ta hay
kêu gào về tài chính, tôi xin khẳng định, tiền bạc không làm nên tài
năng. Nhưng khi những người đã làm được những tác phẩm chói sáng, cũng
rất cần những phần thưởng xứng đáng với người nghệ sĩ đó” - nhà văn Chu
Lai nhấn mạnh.
(Theo daidoanket.vn)