Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô: Để văn hóa nâng tầm Thủ đô
Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao và chợ Đồng Xuân những năm đầu thế kỷ XX.
60 năm trôi qua, gần một đời con người. Những người con của Thủ đô, đất nước trong đoàn quân bừng bừng khí thế về tiếp quản Thủ đô nay ai còn ai mất? Hình ảnh các anh vệ quốc quân, trang nghiêm bình dị trở về và những khuôn mặt rạng rỡ, tươi vui chào đón các anh sẽ mãi mãi in sâu vào tâm trí mọi người ở mọi nơi, mọi lúc cho dù thời gian lùi xa dần ngày đó. Hình ảnh những nụ cười và nét mặt hân hoan chào đón những người con trở về trong ngày vui chiến thắng là khoảnh khắc đẹp về văn hóa trong chiều sâu tâm hồn người dân Hà Nội, mà mỗi chúng ta khi nhớ lại hình ảnh này đều thấy lâng lâng, hạnh phúc...
Đại đoàn 308 Quân tiên phong tại lễ chào cờ chiều ngày 10/10/1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, Hà Nội (chiều ngày 9/10/1954).
Phố Hàng Đào sáng ngày 10/10/1954.
Thăng Long - Hà Nội văn minh thanh lịch, đó là câu cửa miệng của mỗi người Hà Nội. Trở lại lịch sử, chúng ta có quyền tự hào bởi lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, vùng đất địa linh nhân kiệt đã nhiều đời làm rạng danh lịch sử hào hùng của cha ông, đất nước...
Sau 60 năm giải phóng, đã có một Hà Nội khác. Hà Nội đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, có nhiều nhà văn hóa mọc lên.
Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô.
Thư viện Quốc gia Việt Nam trên đường Tràng Thi.
Đáng buồn là đầu tư xây dựng thì nhiều nhưng văn hóa từ các nhà văn hóa đó tỏa ra chưa ai dám chắc là bao nhiêu? Chính quyền các cấp từ xã phường, quận huyện, Thành phố đều quan tâm xây dựng nhà văn hóa nhưng những con người quản lý văn hóa, làm công tác văn hóa đã được quan tâm đúng mực chưa, đó chính là câu hỏi cho các nhà lãnh đạo đương thời và cả nhiều thế hệ sau.
Nói về văn hóa người Hà Nội, khỏi cần bàn, chúng ta có nền tảng văn hóa của cha ông để lại. Trong mỗi gia đình Hà Nội xưa: tộc ước, gia quy, gia lễ, ai ai cũng được học và trở thành nề nếp không thể khác. Sự lịch lãm, ôn hòa trong ứng xử đã tạo ra xã hội Hà Nội thời xưa một không gian trầm lặng mà hào hoa, phong nhã. Có những thứ mà người Hà Nội vẫn hoài niệm nghĩ về những ngày xưa và mong như thế mãi.
Bây giời thì sao? Hà Nội với tầm Thủ đô lớn trong các Thủ đô lớn của Thế giới phải khác chứ. Hà Nội phát triển, sôi động, ồn ào và còn nhiều điều phải làm, phải bàn. Chắc chắn ban lãnh đạo Thành phố phải hàng ngày tập trung suy nghĩ, đầu tư cho sự phát triển của Hà Nội trong đó không thể không nghĩ về văn hóa Người Hà Nội. “Văn hóa quyết định sự phát triển của cả một dân tộc”, Đảng có những nghị quyết về phát triển văn hóa, con người văn hóa. Có điều người Hà Nội có văn hóa đang ở đâu? Văn hóa Hà Nội bây giờ đa dạng, pha tạp, có đúng không? Các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa phải trả lời được câu hỏi này thì thanh lịch - văn minh người Hà Nội sẽ được khôi phục. Người ta cứ phàn nàn về dân thiếu văn hóa, thiếu ý thức. Dân là ai? Ai là dân? Cán bộ trong mỗi cơ quan Nhà nước, công quyền có là dân? Nên chăng, cần giáo dục cho công dân trong các cơ quan về văn hóa, trong đó văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp để bộ máy công quyền, công bộc cho dân cần có văn hóa trước hết.
Trước dư luận, cảnh báo xã hội xuống cấp văn hóa trong một bộ phận cán bộ nhân dân nhất là giới trẻ, lãnh đạo Hà Nội đã cho đầu tư xây dựng một bộ sách giáo dục “Nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Thủ đô”. Đây là một bộ sách tốt, giản đơn bằng các hình ảnh dạy lại cho lớp trẻ cách ứng xử văn minh để lấy lại nét văn minh thanh lịch của người Tràng An. Đây là sách dạy cách ứng xử văn hóa cho thế hệ trẻ hôm nay, để mai sau xã hội có kỷ cương, nề nếp, trật tự, được nhiều người đồng tình, ủng hộ, bộ sách có tính thực tế cao đi vào thực tế cuộc sống người Hà Nội.
Bộ tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp thực hiện.
Nên chăng Hà Nội nên có một bộ sách dạy cho cán bộ công chức viên chức về “Thanh lịch văn minh của người Thủ đô” với mong muốn bộ sách được phát đến tận tay từng cán bộ công chức và nhân dân đang sống và làm việc tại Hà Nội để Hà Nội đỡ bị phiền hà, đỡ tệ nạn và mọi người sống với nhau chan hòa, yêu thương nhau hơn; để cán bộ công chức Hà Nội nhận thức được việc học là cần thiết với cuộc đời và để nhận thức được nếu có văn hóa thì phải có những cuốn sách và có những người đang hàng ngày, hàng giờ trăn trở để có những cuốn sách có ích với cuộc đời, xã hội, góp phần nâng cao văn hóa trong xã hội.
Thủ đô Hà Nội muốn phát triển như mong muốn, cán bộ và nhân dân cần phải được hưởng thụ văn hóa từ chính truyền thống văn hóa được truyền qua sách với hàng ngàn năm lịch sử.
Hà Nội, ngày 10/10/2014.
Nguyễn Kim Sơn
Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội