Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 2, ngày 30/12/1981 và tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1994, 2005 (sau đây gọi tắt là Luật cũ), là cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc; nhờ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân được bảo đảm và không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quy định của Luật cũ về đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ; độ tuổi gọi nhập ngũ; đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; chế độ, chính sách về thực hiện nghĩa vụ quân sự,... đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, thậm chí có một số quy định còn gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội nhân dân.
Từ thực trạng đó, kỳ họp thứ 9 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, ngày 19/6/2015 đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Đây là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc - nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
So với Luật cũ, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (gọi tắt là Luật mới) đã được sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Cụ thể, về kết cấu, Luật mới gồm 09 chương, 62 điều; so với Luật cũ, giảm 02 chương, 09 điều do bỏ chương “Việc phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp” gồm 04 điều (sẽ có luật riêng), 10 chương còn lại viết gọn thành 09 chương, không có điều nào được giữ nguyên. Về nội dung, Luật mới cơ bản kế thừa có chọn lọc Luật cũ, sắp xếp, trình bày một cách chặt chẽ, khoa học hơn.
Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 gồm 09 chương, 62 điều, quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; về phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; nhập ngũ và xuất ngũ trong thời bình; nhập ngũ theo lệnh động viên, xuất ngũ khi bãi bỏ tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; chế độ, chính sách và ngân sách bảo đảm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự...
Nhằm tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, giúp mọi người nâng cao nhận thức về pháp luật nghĩa vụ quân sự, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn “Tìm hiểu pháp luật về nghĩa vụ quân sự”.
Cuốn sách được biên soạn dưới dạng hỏi - đáp quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự và một số tình huống cụ thể. Nội dung giải đáp, ngoài các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 còn có một số nội dung của các văn bản có liên quan, như: Nghị định số 14/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016, Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/2/2016, Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ; Thông tư số 140/2015/TT-BQP ngày 16/12/2015 của Bộ Quốc phòng...
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!