“Con đường mà tôi tìm đến với thơ ấy là sau khi được nghỉ công tác, về hưu. Có nhiều thời gian rảnh rỗi nên cái sợ nhất là chẳng biết làm gì, bạn bè cũng có khi ít đến chơi hoặc đôi khi muốn đi chơi nhưng chẳng có ai để mà chơi... Sống mà như thế thì thật tẻ nhạt và vô vị. Bởi vậy:
Vần thơ là sợi vô tình,
Tự nhiên quấn quýt chúng mình với nhau.
Với tôi, làm thơ còn rất thú vị bởi đây là cách động não để chống sự lão hóa của thần kinh.
Ngẩn ngơ sớm sớm chiều chiều
Tìm từ, tìm chữ cho nhiều ý thơ.
Thơ còn là phương tiện để tôi biểu lộ những xúc cảm, những tâm tình của mình với người thân, bạn bè, với quê hương đất nước.
Thơ cũng là nốt điệu tâm hồn để tôi diễn tả niềm vinh dự tự hào với nghề “trồng người” mà mình suốt đời đã gắn bó.
Tự hào với nghề làm thầy
Ươm bao giống tốt thành cây cho đời.
Vốn là người yêu thơ lại thừa hưởng cái gen thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, biết sáng tác thơ ca, hò vè của cha nên tôi cũng có chút năng khiếu về thơ. Nhưng cũng mãi tới tháng 7 năm 2010 do bị đau chân không đi lại được, chỉ nằm trên võng, để quên đi cái đau thường xuyên hành hạ, tôi bắt đầu sáng tác.
Trưa hè lộng gió nồm nam
Đu đưa cánh võng tập làm thơ chơi.
Và năm ấy tôi vừa ở tuổi bảy mươi nên tức cảnh:
Bảy mươi mới vội làm thơ
Chắc là trước nợ, bây giờ trả chăng.
Trải qua gần 5 năm, đến nay tôi đã có được gần 500 bài thơ với đủ các thể loại: lục bát, Đường luật, bốn chữ, năm chữ, ba chữ, thơ tự do... viết cho mọi lứa tuổi khác nhau.
Quả tình từ ngày tôi đi vào con đường thơ, tôi thấy mình như trẻ lại, tâm hồn được thăng hoa và những lúc ấy quên đi tất cả những lo âu, bức xúc của cuộc sống thường nhật, bạn bè ngày càng nhiều và mở rộng. Đây là cái được lớn nhất mà tôi cảm nhận khi đến với thơ, làm cho tôi ngày càng say mê sáng tác và mỗi ngày thấy sung sức với con đường thơ và say thơ”.
Mỗi người đến với thơ đều có một con đường riêng của mình, với tác giả Trần Nhật Thăng cũng vậy. “Con đường đến với thơ” của ông không vì mưu cầu gì ngoài thoả sức với lòng yêu thơ ca khi tuổi đã già. Chính lẽ đó mà mỗi vần thơ người đọc thấy sự dung dị, mộc mạc, thấy được hồn quê chân chất. Không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp lại mới học làm thơ nên ngôn từ có thể chưa thật trau chuốt, nghệ thuật thể hiện còn vụng về, niêm luật chưa thật chuẩn chỉnh, nhưng người đọc dễ có được sự cảm thông bởi ở mỗi vần thơ thấy được cái lớn nhất mà tác giả đã tỏ bày khi đến với con đường thơ đó là sự trẻ lại của tâm hồn, có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống, mối giao lưu bạn bè được rộng mở… Để từ đó, tác giả mỗi ngày thấy sung sức trên con đường thơ và rồi say thơ.
Tình quê hương sắc là tập hợp những bài thơ của tác giả Trần Nhật Thăng, một người cả đời gắn bó với mảnh đất quê hương ý Yên - Nam Định. ý Yên - một miền quê mà trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã lừng danh với các chiến công vang dội như: trận Đê Đáy, Cao Bồ, Vũ Dương, An Cừ, La Ngạn, Vọng Doanh, Đông Duy… đồng thời là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với những thành tích đó, năm 2000 huyện ý Yên được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Từ quê hương giàu truyền thống đó đã bồi đắp tâm hồn thơ ca ở ông.
Với 228 bài thơ, với nhiều chủ đề nhưng tập trung là về quê hương, những người nông dân chân chất của nơi đồng chiêm đất trũng, nơi ông đã gắn bó cả đời. Ngoài chủ đề chính còn có nhiều bài thơ được cảm tác về cảnh sắc của đất nước - những nơi mà tác giả đã từng đặt chân. Ngoài chủ đề lớn về quê hương, đất nước, tập thơ còn có những chủ đề nhỏ đó là những vần thơ đầy tình cảm, sự trân trọng kính mến, cảm phục với Bác Hồ, với những người con ưu tú của Tổ quốc Việt Nam kiên cường và một mảng đề tài chiếm một số lượng không nhỏ là về gia đình, bè bạn và tình yêu đôi lứa.
Dẫu ở tuổi ngoại thất thập, nhưng những vần thơ tình của tác giả Trần Nhật Thăng vẫn đầy thổn thức, nồng ấm, mãnh liệt và căng tràn sức trẻ.
Tập thơ đa dạng về thể loại, nhiều chủ đề, nhưng không quá ôm đồm và dễ dãi với thơ. Vậy nên, mỗi vần thơ người đọc thấy rung ngân lên một tấm lòng yêu thơ tha thiết, cháy bỏng.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu!