Thứ bảy, 03/08/2013 09:34
Góp ý về “Chính quyền địa phương” theo dự thảo Hiến pháp sửa đổi: Vẫn băn khoăn việc tổ chức HĐND “song hành” với UBND
Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ đã tổ chức tham vấn ý kiến về đề xuất của Chính phủ trong chương “Chính quyền địa phương” trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Xác định mô
hình chính quyền địa phương là vấn đề quan trọng, mô hình phù hợp sẽ tạo
điều kiện thuận lợi cho quản lý Nhà nước và ngược lại. Thứ trưởng Bộ Tư
pháp Hoàng Thế Liên cho biết, nhiều nhà khoa học và đại biểu Quốc hội
vẫn muốn duy trì mô hình cũ, ở đâu có UBND ở đó phải có HĐND, chính
quyền địa phương vẫn tổ chức như hiện nay và có tăng cường chức năng cho
HĐND và UBND. Còn nếu không tổ chức HĐND ở một số cấp thì “phải tổng
kết khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, bảo đảm dân chủ, đồng thuận
trong đánh giá kết quả thí điểm”.
Mô hình tổ chức HĐND và UBND
theo Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành, theo
nhiều đại biểu Quốc hội cũng như nhiều Bộ, ngành, địa phương cho là
không phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý hiện nay, vì chỉ có một
khung pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương trong khi địa bàn và
dân cư nông thôn và đô thị có nhiều điểm khác biệt. Việc đô thị và nông
thôn cùng một mô hình tổ chức chính quyền khiến cơ cấu nhân sự của các
cơ quan chuyên môn tại các tỉnh, thành gần như được thống nhất, trong
khi yêu cầu quản lý lại khác nhau, và hầu hết chính quyền các đô thị
“kêu khó”.
Thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã cho thấy kết quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương được ổn định.
Việc
thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cho kết quả nhìn chung
hoạt động bộ máy chính quyền địa phương được ổn định, hiệu lực, hiệu quả
quản lý được duy trì, quyền đại diện của người dân được bảo đảm, tình
hình KT-XH, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Từ thí điểm này, Chính phủ dự kiến đề xuất “khẳng định mô hình chính
quyền địa phương bao gồm hai cơ quan HĐND và UBND (hoặc Ủy ban hành
chính), theo mô hình chính quyền một cấp ở đô thị và chính quyền hai cấp
ở nông thôn”. Ở những địa bàn không có HĐND thì thành lập cơ quan hành
chính, là cơ quan cấp trên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý hành
chính và cung cấp dịch vụ công cho nhân dân trên địa bàn, bảo đảm tính
thông suốt, gần dân, phục vụ dân của nền hành chính quốc gia.
Bên
cạnh nhiều quan điểm đồng tình với mô hình tổ chức chính quyền địa
phương theo hướng không tổ chức “đầy đủ” HĐND ở các cấp, cũng có không
ít ý kiến cho rằng việc tổ chức HĐND “đi kèm” UBND như hiện nay cần duy
trì. Theo ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội thì HĐND
không chỉ giám sát chính quyền mà còn thực hiện nhiều chức năng khác,
nhất là đại diện cho nhân dân địa phương. Vì vậy, cần đưa ra các giải
pháp để khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND để HĐND làm tròn
chức năng được giao, thay vì không tổ chức HĐND.
Việc phân biệt
chính quyền đô thị và nông thôn cũng là vấn đề nhiều tranh cãi. Bà Hoàng
Thị Ngân, Vụ Tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ cho
rằng, chính quyền đô thị và nông thôn không khác biệt đến mức “cường
điệu hóa”, mà chỉ nên khác về số lượng cơ quan chuyên môn, nên cần cân
nhắc khi qui định sự khác biệt này trong Hiến pháp. Tuy nhiên, Phó Chủ
tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh lại cho rằng, yếu tố “quản lý đô thị”
là sự khác biệt giữa mô hình chính quyền ở quận, phường (đô thị) với
huyện, xã (nông thôn). Vì vậy, nên phân biệt, và có thể qui định chính
quyền đô thị được tổ chức không hoàn chỉnh như chính quyền nông thôn hay
chính quyền cấp tỉnh. Còn theo đại diện Sở Nội vụ TP HCM thì chính
quyền địa phương không nhất thiết phải 2 hay 3 cấp… Liên quan đến tên
gọi UBND hay Ủy ban hành chính, một số ý kiến cho rằng, không nên “đổi
lại” tên gọi UBND thành Ủy ban hành chính, bởi vì trước đây, Nhà nước
từng đổi tên Ủy ban hành chính thành UBND…
Nhìn chung, những đề
xuất của Chính phủ về chính quyền địa phương trong dự thảo Hiến pháp sửa
đổi vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Qui định trong Hiến pháp không
thể sửa “một sớm, một chiều”, nên việc nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở
tổng kết các mô hình thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và
mô hình chính quyền đô thị, để đưa ra một mô hình phù hợp trong Hiến
pháp là cần thiết. Bên cạnh đó, để những qui định này thực sự hợp lý,
cần sự quan tâm, đóng góp không chỉ của các chuyên gia pháp lý, các nhà
khoa học, mà còn của mọi người dân, để Ủy ban soạn thảo Hiến pháp có cái
nhìn “đa chiều”, hợp lý.
(Theo phapluatxahoi.vn)
|