Hai bên đã có các cuộc trao đổi đoàn cấp
cao, cụ thể như chuyến thăm chính thức cấp cao đến Nga của Đại tướng
Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (năm 2008); Đại tướng Lê Văn
Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (năm 2008); Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ,
Tổng tham mưu trưởng (năm 2012); Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng kiêm
Tư lệnh Quân chủng Hải quân (năm 2012). Phía bạn cũng có nhiều đoàn
thăm chính thức tới Việt Nam như chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
LB Nga A. Xéc-diu-cốp (A. Serdiukov) năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga
Xéc-gây Sôi-gu (S. Shoigu) tháng 3-2013; Tổng tư lệnh Không quân Nga
tháng 12-2012.
 |
Bộ
trưởng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga Xéc-gây Sôi-gu
duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam nhân chuyến thăm Việt Nam
của Bộ trưởng Xéc-gây Sôi-gu tháng 3-2013. Ảnh: Vũ Hùng
|
Từ năm 2009 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt
Nam đã mời 6 đoàn cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam sang
tham quan, gặp gỡ bạn bè chiến đấu cũ tại Việt Nam. Đây là tình nghĩa
tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn của của ta đối với các cựu chiến binh
Xô-viết (gồm Nga, U-crai-na, Bê-la-rút) cũng như với tất cả các cựu
chiến binh và nhân dân nước bạn.
Bên cạnh các chuyến thăm cấp cao, hợp
tác trong các lĩnh vực đào tạo, hải quân, kỹ thuật quân sự… cũng là động
lực củng cố quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, hợp tác đào tạo là lĩnh
vực được thúc đẩy đáng kể trong thời gian qua. Hằng năm bạn cấp trung
bình cho ta hơn 100 suất học bổng ưu đãi, trong đó năm học 2012-2013 là
129 suất. Bạn cũng đồng ý sẽ tiếp nhận và tăng số lượng học bổng ưu đãi
và mở rộng chuyên ngành đào tạo cho Việt Nam. Để việc đào tạo quân nhân
Việt Nam mang tính chất đồng bộ, dài hạn, hai bên dự kiến sẽ xây dựng và
ký “Kế hoạch 5 năm về hợp tác đào tạo giữa hai Bộ Quốc phòng”, trên cơ
sở đó sẽ chủ động triển khai tốt kế hoạch đào tạo hằng năm.
Về hợp tác hải quân, hai bên đã ký “Bản
ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước về hợp tác trong lĩnh vực hải
quân”. Đây là cơ sở pháp lý để Lực lượng hải quân hai nước tăng cường
hợp tác. Hai bên cũng đã thành lập nhóm công tác chung và tiến hành
phiên họp lần thứ nhất của nhóm để triển khai thực hiện các thỏa thuận
hợp tác năm 2013.
Bên cạnh đó, Nga tiếp tục là đối tác
chiến lược, đối tác ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong hợp tác kỹ thuật
quân sự. Hợp tác kỹ thuật quân sự được điều hành, quản lý thông qua Ủy
ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự. Hai bên đã ký
“Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ LB Nga về chiến lược
hợp tác kỹ thuật quân sự đến năm 2020”. Tháng 10-2012, hai bên đã tiến
hành Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kỹ
thuật quân sự nhằm đánh giá kết quả hợp tác năm 2012 và thống nhất kế
hoạch hợp tác năm 2013, cũng như trao đổi và thống nhất triển khai nhiều
đề tài hợp tác ưu tiên quan trọng.
Nhìn chung, trong thời gian qua, hợp tác
trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước có những bước phát triển tích
cực, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo quân nhân Việt Nam tại các cơ sở
đào tạo và trung tâm huấn luyện của Bộ Quốc phòng Nga. Sau chuyến thăm
Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Xéc-gây Sôi-gu tháng 3 vừa qua,
hai bên khẳng định sẽ tăng cường hợp tác quân sự lên tầm cao mới bằng
các hình thức hợp tác cụ thể giữa các cơ quan chức năng của hai bên đã
được hai Bộ trưởng Quốc phòng giao nhiệm vụ.
Để củng cố quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện LB Nga-Việt Nam, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục trao
đổi các đoàn quân sự ở tất cả các cấp, đặt biệt ở cấp cao, nhằm tăng
cường và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, củng
cố sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau; tăng cường trao đổi học tập kinh
nghiệm về xây dựng, quản lý và sử dụng lực lượng giữa các quân chủng,
binh chủng, các tổng cục của quân đội hai nước bằng các hình thức giao
lưu, kết nghĩa; xây dựng và ký “Kế hoạch 5 năm về hợp tác đào tạo quân
sự”, ưu tiên đào tạo nhân lực cho Việt Nam về nghiên cứu, thiết kế, chế
tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; thiết lập kênh đối thoại giữa các
cơ quan nghiên cứu chiến lược quốc phòng hai bên, tiến tới Đối thoại
chiến lược quốc phòng-an ninh cấp thứ trưởng quốc phòng thường niên,
luân phiên tại mỗi nước về các vấn đề quốc phòng-an ninh khu vực và thế
giới. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, thúc đẩy hợp tác song phương
nhằm cập nhật, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quân sự và kỹ thuật
quân sự Việt-Nga….