An toàn thực phẩm: Muốn sạch phải làm từ gốc

Người tiêu dùng vẫn hoang mang về chất lượng thực phẩm
Lo từ rau củ quả đến thịt cá
Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, tất cả mẫu lấy để kiểm tra thịt ở các cơ
sở giết mổ đều nhiễm vi sinh. Không riêng Đồng Nai, theo Cục Quản lý
chất lượng Nông lâm thủy sản, kiểm tra giám sát các loại thực phẩm trong
7 tháng qua của ngành nông nghiệp cho thấy, hiện tượng vi phạm vẫn xảy
ra ở nhiều loại mặt hàng. Chương trình giám sát các chất độc hại trong
thủy sản, phát hiện 11/1.528 mẫu (chiếm 0,7%) nhiễm hóa chất, kháng sinh
vượt giới hạn tối đa cho phép.
Phân tích 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước thì, nhóm rau ăn lá
có nguy cơ cao hơn rau ăn quả và trong các loại quả nho tươi là loại quả
có nguy cơ cao nhất sau đó đến các loại: dưa lê, chuối và thấp nhất là
xoài và cam. Có 4 hoạt chất (Cypermethrin, Fipronil, Chlorpyrifos,
Permethrin) trên các mẫu rau và 4 hoạt chất (Fipronil, Chlorpyrifos,
Cypermethrin, Carbendazim) trên các mẫu quả có tần suất phát hiện cao.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm
thủy sản, nóng nhất thời gian qua là chất lượng, an toàn vệ sinh đối với
các sản phẩm như thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, không chỉ có chất cấm
mà ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm cũng là vấn đề nan giải. Theo Bộ
NN&PTNT, chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và
hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm đợt 1 đã phát hiện 3/39 mẫu thịt gà
nhiễm vi sinh vật gây bệnh Campylobacter (chiếm 7,7%); 2/40 mẫu nhiễm
kháng sinh bị cấm Chloramphenicol và 4/40 mẫu nhiễm Furazolidon (chiếm
10%). Ngoài ra, 4/40 mẫu phát hiện Tetracycline vượt giới hạn dư lượng
tối đa cho phép (chiếm 10%).
Sẽ rút giấy phép kinh doanh
Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đánh giá, sự vào cuộc của các
địa phương còn chưa cao. Mặc dù Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT về kiểm
tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy
sản, vật tư nông nghiệp ra đời đã lâu. Song, đến nay, mới chỉ có từ
20-30 địa phương thực hiện. Đứng đầu về vi phạm vẫn là lĩnh vực giết mổ
gia súc, gia cầm. Kết quả kiểm tra từ 31 địa phương cho thấy, số cơ sở
xếp loại C vẫn chiếm tới gần 45%. Hiện mới chỉ có 41 tỉnh, thành được
phê duyệt đề án giết mổ gia súc, gia cầm, nhiều nơi bị rơi vào quy hoạch
treo. Trong khi đó, hầu hết các địa phương đều cho rằng, công tác quản
lý ATTP và chất lượng vật tư nông nghiệp hiện nay đều rất khó. Đại diện
Sở NN&PTNT Hà Nội lấy dẫn chứng, trung bình một huyện có tới 800 cơ
sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, hầu hết đều thuộc đối tượng do địa
phương quản lý. Vì vậy, nếu chính quyền địa phương không vào cuộc mà chỉ
ngành kiểm tra thì không xuể.
Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng,
ATVSTP đang là yêu cầu bức thiết, được người dân và xã hội quan tâm.
Ngành nông nghiệp cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số một. Dù
thời gian qua nhiều địa phương đã vào cuộc, một số điểm nóng về ATVSTP
như Đồng Nai cũng đã giảm nhiệt, song nhiều nơi vẫn còn buông lỏng, xảy
ra nhiều vi phạm mà không xử lý.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, người dân vẫn còn kêu ca nhiều về tình
trạng phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, thậm chí
hàng giả vẫn lưu hành, ảnh hưởng tới sản xuất. Người tiêu dùng chưa yên
tâm, thậm chí còn hoang mang về nguy cơ mất ATVSTP. Tuy nhiên, lãnh đạo
Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, cách làm phải căn cơ, hệ thống, làm từ gốc
không thể chạy theo tình huống, sự vụ. Ngoài ra, phải kiên quyết xử lý
đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại yếu
kém, không chuyển biến. “Đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở KH-ĐT rút
giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo, xếp loại C. Vì đây
là đầu nguồn của thực phẩm bẩn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.
(Theo anninhthudo.vn)