Nhân dịp tủ sách “Cánh cửa mở rộng” ra
mắt tại Hà Nội, phóng viên VOV phỏng vấn GS.TSKH Ngô Bảo Châu - một
trong hai người đóng vai trò giới thiệu và xuất bản sách.
PV: Thưa Giáo sư Ngô Bảo Châu, đối với Giáo sư thì sách dường như là một cái duyên rất lớn?
GS Ngô Bảo Châu: Năm 18
tuổi, tôi từ Việt Nam sang Pháp. Đối với tôi đó là sự bỡ ngỡ rất lớn.
Hệ quy chiếu trong xã hội Việt Nam và xã hội Châu Âu cách đây 20-30 năm
khác nhau, tôi mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và khám phá cách
sống, con người Châu Âu.
Tôi khám phá nhưng cũng có nhiều điều không hiểu hết, không diễn đạt
được thành lời. Những điều tôi suy nghĩ đến được diễn đạt thấu đáo, sâu
sắc, hài hước qua giọng văn thiên tài của Thomas Mann khiến tôi thích
thú. Đây cũng là cuốn sách hiếm hoi mà tôi đọc đi đọc lại mấy lần, đã mở
sách ra là không đóng lại được, có thể đọc liền tù tì hai ngày liền.
PV: Những cuốn sách trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng” được chọn dựa trên tiêu chí nào, thưa Giáo sư?
GS Ngô Bảo Châu: Về
tiêu chí chọn sách thì rất đơn giản. Với tư cách là người giới thiệu
sách, tôi chỉ giới thiệu những cuốn sách nào bản thân mình tâm đắc. Tâm
đắc cũng có nhiều lý do, có thể là cuốn sách mình thích đọc vào một thời
điểm nhất định trong cuộc đời mình. Thường thì tôi giới thiệu những
cuốn sách phổ quát hơn, đồng thời để lại dấu ấn lớn trong cuộc sống, vừa
mang giá trị nhân bản lớn. Điều đó phản ánh rõ trong tên tủ sách là
“Cánh cửa mở rộng” - thể hiện tinh thần khai sáng của những cuốn sách.
Tôi và Phan Việt đều rất tâm đắc với 17 cuốn sách đầu tiên trong tủ
sách.
|
Giáo sư Ngô Bảo Châu trong buổi giới thiệu tủ sách "Cánh cửa mở rộng" tại Hà Nội
|
PV: Được biết 20%
sách trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng” là sách khoa học tự nhiên. Con số
đó quả không nhỏ và không dễ dàng tiếp cận đến số đông độc giả?
GS Ngô Bảo Châu: Đó là
điều tôi trăn trở. Ban đầu tôi cũng muốn một số cuốn trong tủ sách là
sách khoa học tự nhiên, sách phổ biến khoa học, chủ yếu là để khơi gợi,
thêm yêu khoa học. Có quyển “Thợ cơ khí toán học” chẳng hạn, hay đợt này
có quyển “Tất cả chúng ta đều là cá”. Tôi cũng không rõ là mình đã
thành công chưa nhưng có lẽ cuốn “Thợ cơ khí toán học” hơi kĩ thuật quá.
Tôi hi vọng nhiều hơn ở quyển “Tất cả chúng ta đều là cá”. Chúng tôi vẫn
đang tìm tòi những quyển sách có kiến thức khoa học chính xác. Những
quyển sách này không được dễ dãi nhưng cũng phải có giọng văn đủ cuốn
hút người nghe, không quá khô khan.
PV: Giáo sư có chia
sẻ gì về 3 cuốn sách mới được xuất bản và có mặt trong tủ sách “Cánh
cửa mở rộng” là “Núi thần”, “Khởi sinh của cô độc” và “Tất cả chúng ta
đều là cá”?
GS Ngô Bảo Châu: Cả 3
cuốn này tôi đều tâm đắc. Cuốn “Núi thần” tôi phải mất khá nhiều thời
gian để thuyết phục Nhà xuất bản Trẻ bỏ tiền ra để đầu tư làm cuốn sách
này. Tập 1 của nó đã rất dày rồi nên số tiền bỏ ra đầu tư cho việc dịch
và in sách tương đối lớn. Sách cũng đắt, chưa chắc tìm được số lượng độc
giả tương xứng. Nhưng đó là sự rủi ro mà nhà xuất bản sẵn sàng chịu.
Tôi vui vì điều đó. Tôi nghĩ thực sự đó là cuốn sách có giá trị.
PV: Hẳn khi trở
thành người giới thiệu, tức là định hướng cho việc ra đời những cuốn
sách trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng”, Giáo sư cũng muốn gửi gắm một
thông điệp gì đó?
GS Ngô Bảo Châu: Mỗi
quyển sách có một thông điệp riêng của nó. Chúng tôi không phải là nhà
văn nên không thể có vai trò chuyển tải thông điệp. Chúng tôi chỉ có vai
trò khiêm tốn là mang đầu sách đến cho bạn đọc. Tinh thần chung của tủ
sách là tinh thần khai sáng. Tôi rất muốn sự lựa chọn của các bạn không
dễ dãi.
PV: Hiện nay, sách
điện tử đang bắt đầu hướng đến đông đảo bạn đọc, mở ra một cách đọc hoàn
toàn khác, gắn liền với sự phát triển internet. Liệu đó có phải là một
thách thức của tủ sách “Cánh cửa mở rộng”?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi
nghĩ rằng những cuốn sách trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng” không bị ảnh
hưởng nhiều. Đó không phải là những cuốn sách dễ đọc nhưng khi đọc xong
thì thực sự để lại một cái gì đó cho mình, chứ không phải mặt hàng sau
khi tiêu thụ rồi vứt đi. Vì thế tôi nghĩ những người đã đủ tâm đắc để
mua cuốn sách này và đọc nó thì sẽ đủ tâm đắc để giữ lại nó.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư Ngô Bảo Châu!/.