Theo nhà văn Lý Lan
kể trên blog: những tác phẩm của Beatrix ban đầu được tác giả vẽ cho một
đứa bé 5 tuổi đang mắc bệnh xem. Beatrix vẽ hình ảnh những con thỏ y
như thật, đi đứng trên hai chân và mặc quần áo cho người ta. Sau đó, từ
hình vẽ, bà phát triển thành câu chuyện và xuất bản Cuộc đào thoát của Bít - tơ, quyển truyện tranh thiếu nhi được yêu thích nhất, tái bản liên tục suốt từ khi in lần đầu năm 1902 đến tận bây giờ.
Trẻ con VN khá may mắn vì
được nhà văn Lý Lan kể lại cho nghe những câu chuyện kinh điển của các
chú thỏ mà cả thế giới mê say từ trăm năm nay bằng tên gọi rất VN Lăn -
tăn, Múp - míp, Ðuôi - bông và Bít - tơ, sau đó là Ben Bân - ny, Sóc Lấc
Xấc rồi ông Câu Dèm.
Chuyện kinh điển mà
sống động y như thật, thành ra những câu chuyện này cứ truyền đời, mỗi
lần đứa bé nào nghe đọc, lại thấy hình như là kể về mình. Dù đây là
những bé thỏ, nhưng là những bé thỏ khoái mạo hiểm, như Bít - tơ và Ben
Bân - ny. Bít - tơ là một đứa rất siêu quậy, chẳng nghe lời mẹ, dám chui
vào vườn ông bà Mặt - rỉ để tìm thức ăn. Nó ăn xà lách, nó ăn đậu tây,
nó ăn củ cải. Tuy nhiên, cuộc trốn chạy khỏi khu vườn ông Mặt - rỉ thì
thật khủng khiếp, nó trải qua nhiều biến cố đến nỗi khi về tới nhà của
mình là "cái bộng cát dưới gốc cây tùng rất to", nó phát bệnh (Cuộc đào thoát của Bít - tơ).
Vì mải chạy trốn nên Bít - tơ đã bỏ lại áo khoác và giày trong vườn ông
Mặt - rỉ, vậy là có cơ hội để thằng em họ Ben Bân - ny rủ nó làm một
cuộc mạo hiểm khác, chui tiếp vô khu vườn để lấy áo và giày (Cuộc mạo hiểm của Ben Bân - ny).
Với chuyện ông Câu Dèm, là
tên của con nhái sống trong căn nhà ẩm thấp dưới đám bông bơ vàng ven
một cái ao. Nhân một bữa trời mưa, ông Câu Dèm quyết định đi câu cá lòng
tong để làm một bữa tiệc đãi hai ông bạn Rùa Ấm và Tắc kè Niu - Tơn.
Vậy đó, lại những sự cố ngoài dự tính xảy ra cho ông Câu Dèm, đến nỗi
cuối cuộc đi câu, ông te tua trở về nhà và đành đãi bạn bằng món cào cào
quay...
Còn Sóc Lấc Xấc, nghe tên
bạn đã biết rồi đấy, chú ta "loi choi lấc xấc" tới cỡ nào. Câu chuyện
này lại kể về cái đuôi của Sóc Lấc Xấc, diễn biến của việc đi đến câu
chuyện liên quan tới cái đuôi, thiệt bất ngờ hết sức!
Qua giọng kể hào hứng và
hài hước, những câu chuyện khiến cả bạn cũng "mê tít", còn con bạn thì
có thêm một "kho" ngôn ngữ phong phú.
Kinh nghiệm của nhiều
ba mẹ khi đọc cho con những câu chuyện tranh minh họa hơi dài là: bạn
nên đọc theo tư duy của bé. Bạn đọc cuốn sách bé muốn, hoặc chỉ đọc
những trang bé thích, dù việc chỉ đọc một vài trang này được lặp đi lặp
lại nhiều lần. Dần dần, bé sẽ yêu thích việc đọc sách giống như bạn mong
muốn.