Theo Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ,
hồi 04 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450
km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp
13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây
Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến
04 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng
110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14
(tức là từ 150 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di
chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 04 giờ ngày
15/8, vị trí tâm bão ở trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung
Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89
đến 102km một giờ), giật cấp 11 cấp 12.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp
11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17.
Biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh
dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.
Biển động dữ dội.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực
giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng
biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có
mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc
xoáy.
 |
Ảnh mây vệ tinh của bão Utor. |
Ngày 12/8, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp khẩn bàn
phương án ứng phó siêu bão Utor, cơn bão thứ 7 trên biển Đông. Theo Phó
giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương ông Lê Thanh
Hải, các mô hình dự báo đều đánh giá, cơn bão có xác suất đổ bộ lớn vào
đất liền Trung Quốc nhưng vẫn có 30% khả năng đi vào phía bắc vịnh Bắc
Bộ. Vùng gió mạnh cấp 10 của bão có thể bao trùm vùng núi phía bắc và
Quảng Ninh còn vùng gió cấp 6 bao trùm vùng đông bắc. Vào chiều ngày
15/8, bão Utor bắt đầu gây ảnh hưởng tới vịnh Bắc Bộ, với gió cấp 9 -
10. Lượng mưa lớn xuất phát từ cơn bão này có thể tiếp tục gây ra một
đợt lũ ở miền Bắc. Khả năng này được đánh giá rất nguy hiểm trong hoàn
cảnh miền Bắc vừa hứng chịu liên tiếp hai đợt mưa lũ.
Trong khi đó, các trung tâm khí tượng
của Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam vẫn chưa có sự đồng nhất khi dự
báo đường đi siêu bão Utor sau khi tiến vào biển Đông. Tuy nhiên, cũng
đã có dự báo nếu bão Utor đổ bộ vào Việt Nam có thể sẽ gây ra tình trạng
mưa lớn và ngập lụt nặng cho Hà Nội.
Nhìn lại tình trạng ngập lụt cục bộ ở
nhiều đường phố, khu dân cư ở Hà Nội sau khi cơn bão số 5 (bão Jebi) và
số 6 (bão Mangkhut) đổ bộ vào, thì nguy cơ ngập lụt lớn từ một cơn bão
mạnh như siêu bão Utor là hoàn toàn có thể xảy ra. Đồng thời, mưa lớn
cũng có thể sẽ gây nguy cơ lũ trở lại trên hệ thống sông Hồng, sông Thái
Bình.
Đại diện cơ quan khí tượng cũng cho
hay, nguy cơ đáng lo ngại nhất là khả năng mưa lớn sau bão. Theo đó,
ngày 15 đến hết 17/8, một đợt mưa lớn sẽ xuất hiện, tập trung ở vùng núi
phía Bắc, khu đông bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng). Riêng mưa ở
đồng bằng Bắc Bộ còn phụ thuộc vào đới gió đông nam. Vì thế, cần tiếp
tục theo dõi sát tình hình trong các bản tin sắp tới.
(Theo phunutoday.vn)