Chiều 13/8, thảo luận cho ý kiến về
Luật hộ tịch, có hàng tá những thắc mắc của các thành viên trong UBTVQH
dành cho ban soạn thảo. Thấy nhiều nội dung còn vướng mắc, chưa được
sáng tỏ, TVQH đã “bác” Luật hộ tịch, không trình QH vào cuối năm nay như
dự kiến.
 |
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng |
Chủ nhiệm UB TCNS của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu
chất vấn ban soạn thảo: Nếu Luật này thực hiện thì sẽ tác động đến ngân
sách cũng như số lượng biên chế như thế nào, có phình to ra không?
Không tin số lượng biên chế không thay đổi, theo ông Hiển với 11 nghìn
xã trong cả nước sẽ phải có 11 nghìn hộ tịch viên. Hiện đã có 5 nghìn
rồi, sau này sẽ tăng thêm 6 nghìn người nữa, như vậy nghĩa là biên chế
lại tăng lên.
Một vấn đề được đa số đại biểu quan tâm
là khi có Luật hộ tịch thì có giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tạo thuận lợi
cho người dân không. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi ban soạn
thảo: “Liệu khi Luật này ra đời có thay thế được CMTND, hộ khẩu không?
Nghiên cứu tôi chỉ thấy phát sinh thêm nhiều thủ tục, giấy tờ cho người
dân và phát sinh thêm chi phí”.
Với sự ra đời của Luật hộ tịch, nhiều ý
kiến cho rằng có nhiều loại giấy tờ quá và gây rắc rối phiền hà thêm cho
người dân. Chủ nhiệm UBTP QH Nguyễn Văn Hiện phân tích: Luật hộ tịch
liên quan đến hộ khẩu, CMTND, hộ chiếu, rồi lại mã số định danh sau này,
như vậy sẽ không thay thế được gì cả, Luật ra đời không giảm thủ tục
giấy tờ cho người dân. "Tại sao lại không gom lại, như thế mỗi người chỉ
cần một loại giấy tờ thôi. Nếu cứ thế này cũng chỉ phát sinh thêm chi
phí mà chẳng giúp được gì" - ông Hiện nói.
Thủ tục rườm rà, đi lại mất thời giờ gây
phiền hà cho người dân cũng là vấn đề được các ĐB đặc biệt quan tâm.
Với rất nhiều công đoạn, thủ tục rườm rà, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng, để làm việc này thì người dân sẽ phải về quê khai. “Tôi là
dân, nghe cái này tôi đã thấy sợ ông rồi đấy ông Cường (Bộ trưởng Bộ Tư
pháp Hà Hùng Cường - PV) ạ”.
Theo Chủ tịch QH, luật triển khai phải
đảm bảo sự hài hòa giữa nhà nước với người dân. Luật ban hành trước hết
phải vì lợi ích của người dân, làm sao chỉ cần một loại giấy tờ là đủ.
“Phải có hộ khẩu người ta mới cho học
đúng tuyến, tại sao lại phải vậy? Nhà tôi cạnh trường này, muốn đi học
tại đó cho gần nhưng không được vì trường đó thuộc phường khác. Như vậy
thì rất khó cho dân.
Công an đủ loại giấy, Tư pháp cũng đủ
loại…Nhiều thế dân không làm đâu, rồi lúc đó Luật lại không khả thi. Cái
này không khác gì CMTND khai cả bố mẹ vào. Mất bao nhiêu tiền làm thử
rồi, giờ lại thôi không làm nữa. Phải rút kinh nghiệm từ việc này chứ!” -
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lập luận.
Yêu cầu ban soạn thảo cần chuẩn bị lại
cho hoàn chỉnh, Chủ tịch QH cũng gợi ý có thể triển khai thí điểm tại
một vài thành phố xem sao trước khi đưa vào áp dụng trên toàn quốc.
“Thấm nhuần” quan điểm cái gì hại cho
dân thì quyết tránh, đại diện ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà
Hùng Cường khẳng định Luật hộ tịch ra đời với mục đích tạo thuận lợi cho
người dân. Đến năm 2016 khi Luật này bắt đầu có hiệu lực thì mỗi người
dân sẽ được cấp mã số định danh, lúc đó chỉ còn lại một loại thẻ công
dân điện tử thay thế cho tất cả các loại thẻ khác. Bộ trưởng Cường cũng
khẳng định Luật hộ tịch không làm tăng thêm biên chế nhà nước…
Với rất nhiều điểm cần phải được làm rõ,
cuối buổi chiều 13/8, TVQH đã thống nhất không trình Luật hộ tịch ra QH
vào cuối năm nay như dự kiến, mà sẽ lùi lại một bước để ban soạn thảo
rà soát, chuẩn bị lại và sẽ trình QH vào đầu năm 2014. Khi quyết định
được đưa ra, TVQH nói vui, Luật hộ tịch “hẹn mùa xuân năm sau”.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Hà
Hùng Cường một mình chậm rãi ra về. Một vài phóng viên lại gần động
viên. Bộ trưởng cười thư thái nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn đang
mang.