Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, hiện nay BHYT
đã đạt độ bao phủ 67%, đối tượng tham gia tăng nhanh, quyền lợi của
người tham gia được bảo đảm hơn… Tuy nhiên, trong lĩnh vực BHYT vẫn còn
nhiều vấn đề chưa hợp lý cần bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện.
 |
Hình minh họa |
Bà Xuyên cho hay, hiện Bộ Y tế và các
Bộ, ngành liên quan đang tiến hành xây dựng, bổ sung và sửa đổi Luật
BHYT cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ
tham gia BHYT.
Cụ thể, đến năm 2015 đạt khoảng trên
70%; 2020 trên 80% người dân tham gia BHYT; chất lượng KCB tại các cơ sở
y tế nâng cao; cơ chế tài chính phù hợp bảo đảm quyền lợi của người
tham gia.
Dự kiến, sẽ chia làm 5 nhóm đóng BHYT;
nêu rõ trách nhiệm của UBND các xã, phường (lập danh sách các đối tượng
và đóng theo hộ gia đình, tránh trình trạng cấp trùng lặp thẻ BHYT); có
trách nhiệm hơn trong việc quản lý BHYT trên địa bàn. Quyền lợi của
người tham gia cũng được nâng lên (hiện người nghèo, dân tộc thiểu số
cùng chi trả 5%, nhiều ý kiến đề nghị chi trả 100% cho đối tượng này).
Theo bà Xuyên, cùng chi trả rất có giá
trị, người bệnh có trách nhiệm hơn, giám sát chi tiêu, các kỹ thuật…
Nếu, BHYT hoàn toàn chi trả họ sẽ không biết điều đó. Tuy nhiên, với
trường hợp quá khó khăn, dân tộc, miền núi… cơ quan quản lý sẽ nghiên
cứu, xem xét và trình Chính phủ, Quốc hội.
Ngoài ra, Luật cũng nên sửa đổi theo
hướng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan tránh tình trạng
“cha chung không ai khóc”.
Tham gia buổi Tọa đàm, ông Phạm Lương
Sơn, Trưởng Ban Chính sách BHYT, BHXH VN cũng nhận xét, hiện chúng ta
đang có một hành lang pháp lý rất tốt để thực hiện, tuy nhiên BHXH VN
vẫn phải đưa chỉ tiêu tham gia BHYT vào chỉ tiêu của từng địa phương để
đẩy nhanh tốc độ tham gia BHYT.
Theo ông Sơn cho biết, các Sở, ban ngành
địa phương cũng rất quyết tâm chỉ đạo và ra các văn bản thực hiện. Thực
tế, quan niệm của người dân về BHYT đã thay đổi khảo sát của BHXH VN
cho thấy, tuyến huyện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT đạt 90%, 80% ở tuyến
tỉnh và 70% ở tuyến T.Ư. Nhưng, trong thời gian tới BHYT, BHXH vẫn phải
khắc phục điểm hạn chế để đảm bảo tốt hơn nhu cầu của người tham gia
BHYT.
Bà Nguyễn Thị Xuyên cho biết thêm, Chính
phủ đã cho phép điều chỉnh giá dịch vụ y tế, theo hướng tính đúng,
tính đủ (hiện chúng ta mới tính 3/6 yếu tố). Tuy nhiên, việc điều chỉnh
này sẽ có hướng dẫn rất cụ thể và rõ ràng và có Hội đồng thẩm định xem
xét, thẩm định chặt chẽ, nếu giá dịch vụ nào bất hợp lý sẽ bị loại bỏ.
Cải thiện một số khâu khám chữa bệnh…
Ông Lê Thanh Hải, GĐ BV Nhi T.Ư cho
biết, mỗi năm BV khám và điều trị cho khoảng 1 triệu trẻ, trong đó 80%
là trẻ dưới 6 tuổi. Thực tế, tại BV vẫn còn trường hợp bệnh nhân trên 6
tuổi phải thanh toán BHYT với chi phí cao do các em đã quá 6 tuổi nhưng
chưa được cấp thẻ BHYT học sinh; một số trường hợp vượt tuyến do không
tin tưởng tuyến dưới… Vì thế, theo ông Hải, phải nâng cao hơn chất lượng
hệ thống y tế tuyến dưới.
Cũng theo ông Hải, quá tải ở các BV
tuyến trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chi trả BHYT cho các
đối tượng vượt tuyến, do đó quy định này phải được xem xét lại…
Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn lý
giải, quy định như vậy nhằm khuyến khích các đối tượng tham gia, tuy
nhiên hạn chế của nó là góp phần gây quá tải, vì thế trong thời gian tới
Luật BHYT sẽ sửa đổi theo hướng đưa BHYT vào đúng quỹ đạo để tránh hạn
chế nêu trên.
Đã đành là tăng giá viện phí, nhưng chất
lượng dịch vụ y tế cũng phải tăng theo là quy luật, thực tế và cũng là
mong mỏi của nhiều người dân. Tuy nhiên, hiện nay, lợi dụng chính sách
xã hội hóa để thu lợi, phân biệt BN có và không có thẻ BHYT; BN phải
chầu chực chờ đợi để KCB… lại tồn tại khá phổ biến.
Thừa nhận tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y
tế khẳng định, xã hội hóa đã đem lại rất nhiều quyền lợi cho người
bệnh, giúp họ được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, nhiều nơi
thực hiện chưa phù hợp, dư luận đã nêu, thanh kiểm tra phát hiện và xử
lý các trường hợp, Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng
này.
Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở cải
cách thủ tục hành chính, tăng giờ làm, bố trí phòng khám hợp lý, áp
dụng công nghệ, thông tin… góp phần cải thiện bộ mặt của các BV.
Cùng với đó, Bộ cũng đã ban hành Quy tắc
ứng xử đối với cán bộ, nhân viên y tế, đồng thời tổ chức tập huấn cho
đội ngũ này. Tới đây, các BV sẽ tổ chức tập huấn cho các cán bộ, công
chức của mình với hy vọng thay đổi và cải thiện được tình trạng trên.