Để phục vụ việc sửa đổi Hiến pháp
1992, UBTVQH sẽ nghe Chính phủ và đoàn giám sát của QH báo cáo việc thí
điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Các báo cáo về kết quả lấy
phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp; báo cáo giám sát việc thực
hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm
đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện chính
sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 cũng là những nội
dung được cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét, thảo luận.
Ngay trước phiên họp thứ 21 của
UBTVQH, Chính phủ đã hoàn thiện báo cáo về công tác phòng chống tham
nhũng năm 2013 gửi đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra. Theo báo
cáo của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thực
hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng và đạt hiệu quả
nhất định. Kết quả đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu
trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, Chính phủ nhận định việc xử
lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu
cầu. Còn có tình trạng chưa rõ ràng trong xử lý trách nhiệm người đứng
đầu khi để xảy ra tham nhũng và hành vi trực tiếp tham nhũng.
Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, từ
đầu năm tới nay đã có 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng, với
tổng giá trị 178 triệu đồng. Về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập,
trong quá trình xác minh đã phát hiện 3 trường hợp kê khai không trung
thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Gần 60 trường hợp
(trong đó đa phần ở TPHCM) bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp
báo cáo. Việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng từ cơ quan thanh
tra, kiểm toán sang cơ quan điều tra còn bị kéo dài, nhất là những vụ
việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Số tiền, tài sản
kiến nghị thu hồi rất lớn nhưng chưa thu hồi được bao nhiêu.
Đáng lưu ý, theo báo cáo của Chính
phủ, rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng, mà một nguyên nhân
quan trọng là việc giải quyết đơn thư còn để kéo dài và người dân có tâm
lý lo sợ bị trả thù. Ngoài ra, hầu hết án tham nhũng đều là vụ án lớn,
hành vi tội phạm phức tạp, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải
trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, công tác
giám định về kinh tế, đất đai hiện nay lại rất phức tạp, thời gian kéo
dài. Để xảy ra tình trạng trên một phần do người đứng đầu chưa quyết
liệt, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi
còn bị buông lỏng…
Trong số các giải pháp được đề ra
trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Chính
phủ nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vô cảm, chấn
chỉnh kỷ cương hành chính, thu hồi triệt để tài sản thất thoát. Đặc
biệt, phải giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm
trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Chính phủ đề nghị
Quốc hội xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng làm rõ hơn hành vi
tham nhũng, sửa đổi quy định về thời hạn điều tra cho phù hợp với những
vụ án có tình tiết phức tạp. Đồng thời, các cơ quan tư pháp phải thống
nhất xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo với tội tham nhũng.
(Theo sggp.org.vn)