Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 09/09/2013 08:41
Kỷ niệm 68 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2-9: Phải biết tôn trọng lịch sử
Vừa rồi, nhân có việc cần tìm kiếm một số tư liệu liên quan đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, tôi đã đọc được từ blog của nhạc sĩ Tô Hải một thông tin có thể nói là hết sức…bất ngờ. Vâng, nói bất ngờ vì ở tuổi của ông nhạc sĩ sinh năm 1926 này, những chuyện đó hoàn toàn có thể là những điều "mắt thấy tai nghe" (bản thân nhạc sĩ Tô Hải cũng kể lại điều đó với tư cách một nhân chứng), vậy sao những điều ấy nó khác với những gì mà các nhân chứng khác đã kể quá.

Thật ra, bài viết này đã được nhạc sĩ Tô Hải đưa lên blog của mình từ hồi tháng 8/2009, song năm nay, nhân 68 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã đưa dẫn lại trên blog của mình, với lời vào đề: "Mình biết sức mình: Có viết mới, chắc cũng không thể hay và nhớ được nhiều những sự kiện bằng cách đây 4-5 năm đâu! Cho nên mời các bạn cùng đọc lại: Tuần ký số 16: Cách mạng Mùa Thu bắt đầu từ bao giờ?".

Trong cái gọi là "Tuần ký số 16" mà ông Tô Hải nhắc tới, ông viết (xin trích một đoạn liên quan đến việc cướp chính quyền ở Hà Nội năm ấy): "Cho tới một ngày (17/8/1945) Đoàn Thanh Niên của chúng tớ tay cầm cờ quẻ ly, miệng hát "Này thanh niên ơi…" đi mít tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim thì mới trắng mắt ra rằng mình đã được huy động đi… cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, do Việt Minh tổ chức mà không biết. Tất cả đều diễn biến rất nhanh chóng. Cờ quẻ li hạ xuống! Cờ đỏ sao vàng kéo lên và một người, "quần nâu áo vải" đầu đội béret, tay cầm súng pặc họoc, thắt lưng đeo một, hai quả lựu đạn OF (lựu đạn khói) ra tuyên bố vài câu gì đó mà tớ đứng xa quá nên nghe chẳng rõ, chỉ nhớ lõm bõm có mấy câu... "Chính quyền đã về tay nhân dân" và sau đó thì… hàng ngàn người như có gài sẵn kim hỏa trong lòng đã nổ tung ra thành những khẩu hiệu "Muôn năm! muôn năm!" long trời lở đất.... Hàng chục lá cờ đỏ sao vàng được tung ra, kéo theo cả hàng ngàn người chạy ùa sang phủ thống sứ cũ (ở xế nhà hát lớn) phá cửa, leo hàng rào vào chiếm phủ Khâm sai đại thần. Mọi việc diễn ra nhanh chóng…".

Quần chúng nhân dân Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai vào ngày 19/8/1945 chứ không phải ngày 17/8/1945 như nhạc sĩ Tô Hải đã viết.

Cứ theo đoạn hồi ức trên của nhạc sĩ Tô Hải thì cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội năm ấy đã kết thúc vào ngày 17/8/1945 (chứ không phải ngày 19/8/1945 như lịch sử từ trước tới giờ vẫn ghi). Và những người tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất năm ấy đã bị… nhầm lẫn, dẫn tới việc đang tham gia mít tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim bỗng quay sang cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim (mà không biết!). Đúng là khôi hài hết mức, như thể việc tham gia cướp chính quyền của người dân thủ đô năm ấy là một cuộc dạo mát, vui chơi giải trí vậy! Hãy xem những nhân chứng từng có mặt trong buổi mít tinh mà ông Tô Hải nhắc tới đã kể về sự kiện này như thế nào. Xin trích một đoạn trong bài viết "Hà Nội khởi nghĩa" của đồng chí Nguyễn Khang, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội hồi tháng 8/1945 (hiện ở Hà Nội có một đường phố mang tên ông). Bài viết đã được in trong cuốn "Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 - Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu" (NXB Lao động, 1999). Bài viết này đã kể lại khá chi tiết các diễn biến phía ta tham gia phá cuộc mít tinh do Tổng hội công chức tổ chức ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim trong ngày 17/8/1945 như sau (xin trích một đoạn): "Khi đội Tuyên truyền xung phong của ta chiếm diễn đàn và nói chuyện, rất có thể xảy ra khả năng bên địch phản ứng và cuộc đấu tranh thành gay go. Vậy mà hầu hết số quần chúng không ngần ngại, xao xuyến chút nào, tham gia ngay vào cuộc đấu tranh, hô to những khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh" và tự đứng xếp thành hàng ngũ theo những ngọn cờ đỏ sao vàng. Sau đó, cuộc mít tinh được biến thành tuần hành thị uy...".

Cũng trong cuốn sách nói trên, nhiều nhân chứng khác, như các đồng chí Trần Huy Quang, Lê Phan, Nguyễn Thành Lê cũng đã nhắc tới sự kiện trên với tinh thần "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" và thành công của chúng ta là đã khơi dậy được lòng yêu nước của nhân dân, huy động được sức mạnh tiền ẩn trong họ, chứ đâu như ông Tô Hải nói họ tham gia cướp chính quyền một cách ngẫu hứng, thậm chí bị lừa mị như thế.

Còn về việc cuộc đánh chiếm Phủ Khâm sai, kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội có phải vào ngày 17/8 như ông Tô Hải nói không thì điều này không cần trao đổi. Nó rõ như ban ngày và chúng ta có quá nhiều tài liệu để khẳng định việc này. Tất nhiên, ở tuổi ngoại bát tuần, như ông Tô Hải nói, trí nhớ của ông có thể có vẫn đề. Điều nguy hại là, với những thông tin này, đã có những bạn trẻ hiểu sai về bản chất của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Chẳng hạn, sau khi đọc bài viết của nhạc sĩ Tô Hải, đã có bạn trẻ comment như sau: "Cháu không bao giờ quên ngày mà cháu đọc trên Blog của Chú những thông tin về CMT8, những điều mà cháu chưa bao giờ được biết và có lẽ sẽ không bao giờ biết nếu không có Blog của Chú".

Ôi trời, điều "chưa bao giờ được biết" mà sai lạc đến thế thì thật thương cho lớp trẻ biết bao!



(Theo vnca.cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)