Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 13/09/2013 09:10
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Đừng để thông qua rồi mà vẫn phải nhận đơn khiếu nại
Chiều qua (12-9), thảo luận tại phiên họp của UB TVQH về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến tập trung phân tích về hạn mức đất thu hồi, giá đất cũng như việc quy định cấp nào có thẩm quyền trong thu hồi đất. Tất cả đều nhằm mục đích phải sửa luật cho thật "chắc tay”. Cũng vì lý do này mà Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra trình tại 3 kỳ họp QH.


Đất đai là tư liệu sản xuất của người dân
Ảnh: Minh Khang

Thu hồi đất nhưng đừng tràn lan

Đề xuất đó được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đưa ra. Ông Hiển khẳng định hết sức đồng tình với chủ trương thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội; nhưng vấn đề là thu hồi đất đến mức nào và QH quyết định thu hồi đất đến mức nào, Chính phủ đến mức nào còn HĐND được quyết định đến mức nào? Ông Hiển dẫn chứng: Đã có thời gian chúng ta có những quy định khá lỏng lẻo chẳng hạn như thu hồi đất rừng hạn chế ở 230 ha thế nhưng đất lúa thì lại đến 1500ha. Đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách là: Diện tích đất bình thường nhưng sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng, giá trị tăng lên; đến lúc thu hồi, nếu có chênh lệch thì Nhà nước định đoạt giá. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, có thể tính điều tiết cho cả người dân, tức là trừ đi một phần giá trị đầu tư, còn phần chênh lệch nhà nước điều tiết, tính đến một phần tỉ lệ hỗ trợ cho người dân. Như thế dễ chấp nhận hơn là thu hết cả về cho ngân sách. Dù chúng ta có những hỗ trợ cho dân chuyển đổi nghề, đền bù nhưng nên rõ ràng mức chênh lệch thì dân thoải mái hơn. Cần có sự điều tiết phân chia nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Như thế sẽ giải quyết ổn thỏa khúc mắc về đất đai.

Cùng bàn chuyện thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khi bàn cụ thể đến các Điều từ 61-63 đã đề nghị cần làm rõ hơn các trường hợp thu hồi đất. Dẫn chứng, ông Lý chỉ rõ hơn: Có khái niệm mục đích phát triển vì lợi ích công cộng, quốc gia. Vậy phân biệt dự án phát triển kinh tế-xã hội với thu hồi phục vụ dự án lợi ích quốc gia như thế nào, điều này không rõ trong luật. Đồng tình với cách đặt vấn đề của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nêu: Điều 61 của Dự thảo sửa đổi thì quy định về mục đích; trong khi Điều 63 quy định về thẩm quyền. Bà Mai đặt câu hỏi:  Có thể lồng ghép hai điều? Bởi nếu đề như hiện nay sẽ rất khó phân định vì cùng là thu hồi đất cả. Vậy thì, tôi đề nghị "khoanh” lại, chỉ còn thu hồi đất vì phát triển kinh tế -xã hội cho cụ thể.

Lộ quy hoạch và "hớt tay trên” của dân?

Đưa ra dẫn chứng vụ việc ở tỉnh Quảng Ngãi và cho rằng đó là hình ảnh rất phản cảm, ông Phùng Quốc Hiển nói: Có người biết trước quy hoạch nên đến mua đất của dân. "Tôi rất sốc khi xem truyền hình an ninh. Khi người dân được đền bù nhiều người đến cướp tiền và đánh nhau trước mặt công an. Có người biết trước quy hoạch nên mua đất của dân, khi đền bù "áp” luôn người dân, người dân nhận tiền đền bù thì thu luôn của dân”. Lý do chính, theo ông Hiển là chuyện lợi dụng quy hoạch. Vì thế, ông đề nghị: Phải nghiêm cấm mua bán khi đất trong diện quy hoạch và Luật phải giải quyết được những vấn đề này. 

Như để củng cố thêm cho quan điểm của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng dẫn lại câu chuyện xảy ra tại Thái Bình mới đây để làm rõ hơn tình hình phức tạp liên quan đến đất đai. Từ đó, ông Phúc đề nghị: Phải tính toán hạn mức ra sao? công lao của người ta từ đời ông cha thế nào? Chứ để giờ lại mất hết thì không ổn. Ông Phúc cũng đặt vấn đề phải tính kỹ: Giá đất chuẩn có biên độ lớn là thế nào? bao nhiêu là lớn chứ mù mờ thế này thì khó!

Phải làm kỹ, đảm bảo tính khả thi 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Dự thảo sửa đổi của Luật đã đưa ra 3 kỳ họp. Điều đó chứng tỏ: Đảng, Nhà nước, QH nhận thức rõ tầm quan trọng của nó. Bởi, đất đai là tư liệu sản xuất của người dân. Không chỉ để ở mà nó còn là tư liệu sản xuất giúp dân  sinh sống. Đất đai không sinh ra từ thế hệ này đến thế hệ khác. Luật điều chỉnh lần này hàm ý cả những vấn đề mang tính chính trị, cũng có cả ý nghĩa kinh tế. Vì thế "Nếu giải quyết tốt thì sau này không khiếu kiện, khiếu nại. Lâu nay khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo, tiêu cực, tham nhũng cũng là từ đất đai. Vậy nên, cần tiếp tục suy nghĩ dù chuẩn bị đưa trình QH thông qua” - Chủ tịch QH nhấn mạnh. 

Chủ tịch QH cũng đề nghị: Cơ quan soạn thảo cùng với Ủy ban kiểm tra tiếp thu thêm ý kiến, rà lại, làm sao đảm bảo tính khả thi của Luật, khắc phục những tồn tại của Luật, như chuyện: Khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo, quản lý lãng phí, thất thoát đất đai.  

Góp ý cho nội dung, Chủ tịch QH nhấn mạnh nhiều đến giá đất. Theo ông, giá đất đai là giá thanh toán tiền đền bù. Nhà nước thu hồi, Nhà nước thanh toán. Thu hồi thời điểm nào trả tiền cho dân giáp thời điểm đó - giải quyết thế nào? Nếu không giải quyết tốt thì Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục là nơi nhận đơn. Phải giải quyết đúng một nguyên tắc là giá thị trường. Điều này rất quan trọng- Chủ tịch QH khẳng định. Mặc dù vậy, Chủ tịch QH cũng đánh giá: Dự thảo sửa đổi này được chuẩn bị công phu, có quá trình. Bây giờ nó như là một bộ luật lớn, từ 130 điều lên tới hơn 200 điều - 213 điều. Lần này lại bổ sung thêm 3 điều. "Bản trình lần này, tôi đồng tình trình ra QH kỳ tới nhưng cần điều chỉnh lại cho hoàn chỉnh để thấy QH, thấy chúng ta làm thận trọng.”- Chủ tịch QH nói.


(Theo daidoanket.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)