Thứ bảy, 14/09/2013 09:51
Thu hút học sinh vào trường nghề: Nâng chất lượng gắn với nhu cầu thực tế
Sáng 13/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về dạỵ nghề.
Tại
cuộc giám sát, lãnh đạo nhiều trường dạy nghề tại Hà Nội đã nêu ra một
thực trạng, do tâm lý coi trọng bằng cấp, trong khi công tác tuyên
truyền, tư vấn và hướng nghiệp của hệ thống dạy nghề chưa đủ làm, khiến
các trường lúc nào cũng ở trong tình trạng khó tuyển sinh. Hiệu trưởng
trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội Hoàng Đức Công Vinh cho biết: "Tuy là
một trong những trường dạy nghề lớn và uy tín, nhưng những năm gần đây
trường cũng rất khó trong tuyển sinh, thậm chí có nghề miễn học phí học
sinh cũng không học. Đây cũng là thực trạng được nhiều trường đưa ra khi
chính sách cho dạy nghề trên văn bản nhiều, nhưng thực thi trong thực
tế lại ít hiệu quả. Do đó, nên có sự rà soát để có được các chính sách
khuyến khích hợp lý hơn và hiệu quả hơn.
Giờ thực hành của sinh viên trường Trung cấp nghề cơ khí Hà Nội. Ảnh Mạnh Dũng
|
Phó
Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thế Hùng cho rằng: Thực tế tại Hà Nội
cho thấy, nếu chỉ giảm hay miễn học phí sẽ không có hiệu quả. Vấn đề
quan trọng lại ở khâu tuyên truyền, dự báo và cam kết của của doanh
nghiệp về sử dụng lao động sau đào tạo. Do đó, ngoài việc các trường
phải có sự liên kết với các doanh nghiệp, đưa ra được câu trả lời cho
học sinh về tương lai sau đào tạo, Quốc hội và Chính phủ cũng nên quan
tâm đến bài toán phân luồng học sinh, hiện vẫn chưa và khi tiến hành sửa
đổi Luật Dạy nghề, nên luật hóa quy định này. Đồng thời, sửa đổi các
quy định để các đơn vị là trường ĐH, CĐ, TCCN không được phép tuyển sinh
dạy nghề…
Theo
thống kê, hiện Hà Nội có 298 cơ sở dạy nghề với nhiều loại hình đào tạo
(trong đó, 94 trường công lập, 204 trường ngoài công lập). Tuy nhiên,
lại phân bố không đồng đều, số cơ sở dạy nghề tập trung nhiều ở một số
địa bàn như Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Từ Liêm… Mặc dù Hà Nội đã có nhiều
quy định, chính sách để phát triển hệ thống dạy nghề có trọng điểm, thu
hút học sinh đến với trường nghề, nhưng việc tuyển sinh vẫn gặp nhiều
khó khăn. |
Phó
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt nhận định: Để phát triển hệ
thống dạy nghề, vấn đề chất lượng cần đặt lên hàng đầu. Do đó, các chính
sách pháp luật phải lưu ý để tạo cơ chế khuyến khích các trường nâng
chất lượng, gắn với nhu cầu. Thể chế hóa bảo đảm công bằng giữa trường
dân lập và công lập trong đầu tư, ưu đãi. Cùng với đó, Luật chỉ nên quy
định khung đào tạo, tạo điều kiện tự chủ cho các trường học quyết định
lựa chọn ngành nghề để bắt kịp với yêu cầu thực tế.
Đánh giá cao những ý kiến Hà Nội đề xuất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa
giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học cho
rằng: Đấy chính là những điểm vướng trong hệ thống dạy nghề toàn quốc
đang rất cần tháo gỡ từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành. Tuy
nhiên, cùng với thực hiện quy hoạch mạng lưới dạy nghề đến năm 2020. Hà
Nội nên chủ động để có các cơ chế hỗ trợ hợp lý cho từng loại hình
trường, đặc biệt sau khi TP đã có danh mục các nghề trọng điểm, khai
thác được lợi thế trường nghề đa dạng trên địa bàn.
(Theo ktdt.vn)
|