Sách văn học được bày bán trong cửa hàng
PV: Thưa PGS.TS Ngô Văn Giá, là người luôn tâm huyết với vấn đề phê bình văn học, ông có thể cho biết những đánh giá của mình về thực trạng phê bình văn học Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Phê bình văn học là một bộ phận của đời sống văn học. Hình dung về đời sống văn học thì có mấy thứ: sáng tác văn học (quan trọng nhất), nghiên cứu và lí luận văn học, phê bình văn học. Cả 3 đều quan trọng như nhau, nhưng sáng tác là cái khởi đầu. Giữa phê bình và sáng tác cực kì gắn bó. Sáng tác hay mới là yếu tố kích thích, tăng cảm hứng thúc đẩy cho phê bình. Nếu không có sáng tác hay thì phê bình dậm chân tại chỗ. Thời kì 1930 - 1945, giờ mọi người cứ nói là tại sao có Hoài Thanh? Phải có Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… thì mới có Hoài Thanh. Sáng tác có tầm thì phê bình mới có tầm!
Đời sống văn học hiện nay chỉ có hai thế hệ cùng xuất hiện thôi, thế hệ chúng tôi (trưởng thành sau năm 75) và thế hệ trưởng thành sau năm 86. Mỗi thế hệ có một thế mạnh riêng, có hạn chế riêng. Thế hệ của chúng tôi vẫn luôn có tiếng nói, vai trò quan trọng trong đời sống văn học. Thậm chí, có những người nắm giữ vai trò "cầm trịch”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học. Thế hệ này vẫn là thế hệ có tiếng nói quan trọng, uy tín. Tuy nhiên, thế hệ tiếp theo, chính là thế hệ trẻ như vừa nói, cũng được học hành bài bản, có ngoại ngữ, có điều kiện tiếp xúc phần lớn với tư liệu đầu nguồn trực tiếp… Nhất là trong đời sống, họ có sự tự tin. Và họ cũng trình bày những nghiên cứu, phê bình của họ một cách bài bản, chững chạc. Hai thế hệ này đang góp sức làm nên một nền phê bình văn học.
Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng phê bình văn học hiện nay?
- Ngày hôm nay người ta có một cách hình dung để cho dễ nhận diện, chứ không có ý phân biệt cao thấp. Có mấy loại phê bình: Phê bình hàn lâm (chuyên nghiệp) - loại phê bình được đào tạo, viết một cách bài bản, qui củ, chuyên nghiệp, để lại dấu ấn của mình trong đời sống văn học nói chung. Loại thứ 2 là phê bình nghệ sỹ, phê bình của những người vừa sáng tác vừa phê bình: Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo… Loại thứ 3 là phê bình truyền thông, chủ yếu trên báo chí, của các phóng viên chuyên viết văn hóa, văn nghệ.
Nhưng những người viết phê bình, có khi vừa ở loại này vừa ở loại kia. Lúc này viết hàn lâm, lúc khác lại viết truyền thông. Người nghệ sỹ chẳng hạn, có khi người ta không thích phê bình nghệ sỹ nhưng người ta thích phê bình truyền thông… Cả 3 loại này làm cho đời sống phê bình văn học rất sôi động. Mỗi loại có ưu thế và hạn chế riêng.
Nhìn vào đời sống phê bình, người ta nhìn vào tất cả. Nhưng đại diện thì phải là tiếng nói của loại phê bình hàn lâm, chứ không căn cứ vào kiểu phê bình nghệ sỹ mang tính cảm tính, thậm chí bốc đồng. Cũng không thể trông vào loại phê bình truyền thông chủ yếu là giới thiệu sách, điểm sách…
Phê bình ngày hôm nay cũng cực kì đa dạng, phong phú, sôi nổi ở tất cả các loại phê bình. Có thể người ta vừa viết loại này vừa viết loại kia. Ví dụ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết gắn bó với một số tờ báo như báo Tuổi trẻ, Thể thao văn hóa… Khi một số sách mới ra, anh viết điểm sách. Điểm sách xong, giới thiệu, quảng bá xong, có một số trường hợp trôi đi, nhưng có trường hợp gây ấn tượng với anh chẳng hạn, anh lại hí húi viết thành những bài phê bình cực kì chuyên nghiệp, hàn lâm, có nghiên cứu đối sánh, có tra cứu, trích dẫn… Ta thấy rằng, một người vừa làm truyền thông báo chí vừa làm phê bình hàn lâm. Ngày hôm nay, phê bình là khá sôi động. Có những câu hỏi được đặt ra, một nhà phê bình có nên ôm đồm? Theo tôi, tùy tạng từng người và tùy công việc của mỗi người.
Thưa ông, nhưng thực tế là đang còn rất nhiều khoảng trống, sự tụt hậu trong phê bình văn học, nghệ thuật nói chung?
- Tôi cho rằng không bi quan đến mức như vậy. Không phải chậm, lạc hậu hoặc loạn chuẩn hoặc là khác… tôi nghĩ là không phải. Chủ yếu, những ý kiến nhận xét trên chỉ căn cứ theo những cái người ta đọc trên các báo chí công khai. Nhưng có một phần chìm của tảng băng trôi, đó là một bài phê bình nghiêm túc, có tính nghiên cứu cao, dài hơi, chuyên nghiệp thì không đăng ở đâu được, không bao giờ được đăng. Báo in, báo mạng không đăng, không có "đất” để đăng… thì chỗ ấy mới là sâu, là phần chìm của tảng băng trôi.
Tôi cho rằng, phê bình vẫn có sức sống, vẫn có tư thế và tầm vóc. Tôi trân trọng những người làm phê bình văn học, những người thế hệ tôi và thế hệ sau. Có những người rất trẻ như Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Tiến, Mai Anh Tuấn. Tuy thuộc thế hệ 8x, nhưng họ viết rất nghiêm túc, bài bản, đâu ra đấy, họ có ý thức lao động chuyên nghiệp, nghiêm túc.
Vậy thì yêu cầu đặt ra với phê bình văn học hôm nay như thế nào? Tôi cho rằng, những người làm phê bình ngày càng phải có ý thức về trách nhiệm với tính chuyên nghiệp của người cầm bút. Tiếp đến, các cơ quan truyền thông, báo chí phải thanh lọc, hướng vào, đặt bài, đăng bài của những người phê bình có lương tri, có tính chuyên nghiệp chứ không phải chạy theo vấn đề "hot” để đặt những bài "độc” gây sự… Đó là trách nhiệm của truyền thông. Thứ ba, đặc biệt phải trân trọng, hướng đến những người trẻ, tôn vinh, động viên họ, khích lệ họ. Người trẻ, ngoài sự giỏi giang, thông minh, nhưng đôi lúc sẽ có sự thoái quá, hoặc chưa chín, ta không nên thổi phồng lên, hoặc là vùi dập. Ngược lại hãy bao dung, khích lệ người ta.
Vậy, theo ông, làm cách nào để giúp bạn đọc tiếp cận được với những bài viết phê bình văn học nghiêm túc?
- Như tôi đã đề xuất bao lâu nay, rằng Hội Nhà văn Việt Nam cần có một tạp chí phê bình văn học. Hoặc nếu vì lí do gì đó không thể thành lập được 1 tạp chí dành riêng cho phê bình thì hãy mở rộng "đất” của các tạp chí đang có, chịu khó đăng dài hơi, dài kì cho họ, hoặc có chiến lược tổ chức phê bình bài bản.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(Theo daidoanket.vn) |