Ảnh: Hoàng Long
1. Theo
GS.TS Trần Văn Bính, năm 1943, 2 năm trước khi Cách mạng tháng Tám bùng
nổ, Đảng đã cho ra đời bản Đề cương Văn hóa. Đây là bản tuyên ngôn đầy
đủ nhất đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc xây dựng một nền
văn hóa mới trên đất nước ta. Bởi xét cho cùng, làm cách mạng thực chất
là giải phóng con người, là tạo điều kiện để hoàn thiện và phát triển
nhân tố con người. Chủ nghĩa xã hội theo các nhà kinh điển mácxít là một
hình thái phát triển cao về văn hóa, lịch sử.
Bản Đề cương Văn hóa 1943 với 3 nội
dung, 3 phương châm chủ đạo: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa.
Ở thời điểm ấy, Đề cương không chỉ nhằm đấu tranh trực diện chống văn
hóa ngu dân, phản dân tộc, phản đại chúng của thực dân Pháp đang áp đặt ở
Việt Nam, mà còn phản ánh được qui luật vận động và phát triển của văn
hóa.
GS Phong Lê cho rằng: Dẫu văn hóa là
quan niệm rộng hoặc hẹp, thì tư tưởng xuyên suốt của Đề cương Văn hóa
1943 đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết của cuộc sống ở thời điểm ấy,
và vẫn là tầm nhìn chiến lược của cuộc sống hôm nay. Đặc biệt, trong
tình thế khốn cùng của nhân dân vào đầu những năm bốn mươi về trước, các
tầng lớp trí thức của dân tộc cũng đều bị đẩy đến thế cùng. Qua phương
châm "dân tộc hóa” của Đề cương Văn hóa, và với sự thành lập Hội Văn hóa
cứu quốc, gần như đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật
của dân tộc đều hướng về cách mạng và tham gia cách mạng.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều
chung một nhận định: Mặc dù mới chỉ vạch ra những nét đại cương, định
hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa mới dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản, nhưng Đề cương Văn hóa Việt Nam đã thực sự trở thành
cơ sở lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng, đặt nền móng cho các quan
điểm, chủ trương, chính sách tiếp theo của Đảng về văn hóa, văn nghệ.
Cồng chiêng Tây Nguyên - thành tố quan trọng
của không gian văn hóa Tây Nguyên
2.
PGS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia
Việt Nam cho rằng: Trong sự nghiệp lãnh đạo văn hóa, Đảng Cộng sản Việt
Nam có hai văn kiện tiêu biểu. Thứ nhất là Đề cương Văn hóa 1943, hai là
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về
"Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc
dân tộc”. Cả hai văn kiện này đều thể hiện tư duy nhất quán của Đảng về
vấn đề văn hóa, cho dù được công bố ở hai thời điểm khác nhau.
Nếu như ở những thời kỳ trước đó, Đảng
ta nhấn mạnh phạm vi và nội hàm của văn hóa chủ yếu ở lĩnh vực nhạy
cảm, nhất là văn học, nghệ thuật (gọi tắt là văn nghệ), và đời sống văn
hóa cụ thể, thì ở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), lần đầu tiên phạm
vi và nội hàm về văn hóa được đề cập gồm 8 lĩnh vực rộng lớn, không chỉ
là văn nghệ mà là cả việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng tư
tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học -
công nghệ, hệ thống thông tin, đại chúng, bảo tồn và phát huy các di sản
văn hóa và văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách đối với tôn giáo, mở
rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, hoàn thiện thể chế văn hóa… Và với sự
khẳng định "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu,
vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH…”, chưa bao giờ mối quan hệ
tác động khăng khít giữa kinh tế và văn hóa lại được nhấn mạnh như ở
Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.
Như vậy, có thể nói sau 70 năm thực
hiện Đề cương Văn hóa Việt Nam, rồi sau 15 năm thực hiện Nghị quyết
Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, cho đến nay, hai văn kiện nói trên
của Đảng về văn hóa vẫn có sức sống cả về mặt lý luận cùng thực tiễn.
Dẫu vậy, hoàn cảnh đất nước hôm nay đang đặt ra những vấn đề mới mẻ mà
năm 1943 và năm 1998 chưa xuất hiện. PGS. TS Nguyễn Chí Bền cho rằng:
Vấn đề là phát triển những tư tưởng ấy sao cho thích hợp với cuộc sống
hôm nay. Mọi câu hỏi vẫn đang ở phía trước, mà thế hệ hôm nay phải trả
lời…
3.
Chia sẻ băn khoăn về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống hiện
nay trong cộng đồng, mà đặc biệt là trong một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên… theo ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban
Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ở cả một thời kỳ dài trước đó,
với các nhà lãnh đạo, các chính khách, thì mối quan tâm đến văn hóa, đến
sự nghiệp phát triển văn hóa luôn có một vị trí ưu tiên đặc biệt. Nay
tỉ lệ nghịch với những chính sách phát triển văn hóa, thực trạng đạo
đức, lối sống của một bộ phận không ít người trẻ trong xã hội xuống cấp ở
mức báo động, đó là điều đáng để các nhà quản lý phải ngẫm ngợi.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS
Đào Duy Quát cho rằng: Quan niệm về văn hóa ở thời điểm hiện nay cần
phát triển mở rộng hơn nữa theo hướng coi văn hóa là toàn bộ giá trị vật
chất, tinh thần do lao động của con người sáng tạo và tích lũy lại, tạo
nên bản sắc của từng dân tộc và của từng xã hội. Đó là "thiên nhiên thứ
hai” do con người sáng tạo ra. Do đó cần phải xác định lại nhiệm vụ
trọng tâm của sự nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới là trực tiếp giáo dục,
rèn luyện, bồi dưỡng xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức,
tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững
vàng…
Trăn trở ấy cũng là tâm tư chung của
những nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết: Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là
xây dựng và phát triển con người Việt Nam, nhân cách văn hóa Việt Nam.
Những đặc điểm của cuộc sống hôm nay đặt ra không ít cơ hội, nhưng cũng
không ít thách thức cho vấn đề xây dựng và phát triển con người Việt
Nam, với cả 3 phương diện: chủ thể sáng tạo, khách thể tiếp nhận và bản
thân mang trên mình những giá trị văn hóa của dân tộc.
Nhà báo Hữu Thọ:
Sớm điều chỉnh đường hướng phát triển văn hóa cho phù hợp
Bàn
về văn hóa, vấn đề hiện nay mà tôi quan tâm nhất là nhìn lại 15 năm
thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) chúng ta đã có được những
kết quả gì? Nói một cách thẳng thắn, những việc chúng ta làm đều chưa
đạt yêu cầu. Do đó, giờ đây chúng ta đang đối mặt với nguy cơ phải sửa
chữa những cái chưa đạt ấy bằng vài ba thế hệ...
Xin
đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường, những biểu hiện xuống cấp đạo đức
trong xã hội, trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên có từ trước đó rồi.
Nghị quyết Trung ương 5 cũng xác định coi tư tưởng, lối sống là then
chốt của văn hóa, mà trong đó cao cả nhất là con người. Vậy mà chúng ta
làm được bao nhiêu. Sự xuống cấp về đạo đức xã hội, làm lòng người thấy
bất an, có cảm giác chúng ta đang sống trong xã hội hòa mình mà chẳng
thấy yên bình. Vì vậy, cần sớm có những điều chỉnh về đường hướng phát
triển và quản lý văn hóa cho phù hợp. |
(Theo daidoanket.vn)
|