|
5 tác giả trẻ với 5 tác phẩm mới ra mắt. |
Người trẻ thể hiện mình
Còn nhớ, trong lần trao giải tại
cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ IV, nhà văn Nguyên Ngọc, đại diện ban
giám khảo bày tỏ nuối tiếc khi thấy không có tác phẩm nào gắn với các
nhu cầu văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay. Ý của nhà văn lão thành nhắc
đến là những trào lưu như văn học kỳ ảo (fantasy) với những cơn sốt
Harry Potter, Twilight… vốn bùng nổ trên văn đàn thế giới thời gian qua.
5 tác phẩm được xuất bản lần này
đã cho thấy có một sự khác biệt khi có đến 2 tác phẩm thuộc thể loại kỳ
ảo. Urem - Người đang mơ là tác phẩm đầu tay của tác giả Phạm Bá Diệp,
22 tuổi, hiện là sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, đồng thời là
một người hâm mộ dòng văn học kỳ ảo phương Tây. Chính vì thế, tác phẩm
của Diệp chất chứa tất cả những yếu tố cơ bản của kỳ ảo. Là sinh viên
ngành Hán-Nôm, Diệp đang mơ tưởng về một tác phẩm mới mà trong đó văn
hóa phương Đông sẽ làm chủ đạo.
Cũng là đề tài kỳ ảo, tác phẩm Hạt
hòa bình của Minh Moon (Trần Nguyệt Minh) là tác phẩm được chú ý nhất.
Minh Moon đã sáng tác tác phẩm có nội dung lạ nhất trên thị trường sách
trong nước hiện nay khi pha trộn kỳ ảo với lịch sử Việt Nam, đặc biệt là
một sự kiện lịch sử gần đây - cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhân
vật chính trong truyện là một thanh niên thời hiện đại, bỏ nhà đi vì một
mâu thuẫn gia đình. Ở ga xép một tỉnh miền Trung, khi vô tình lên nhầm
một chuyến tàu chậm, cậu bất ngờ phát hiện mình bị đưa về quá khứ và
chuyến tàu này là tàu chuyển quân ra mặt trận Tây Nam, chống quân Pol
Pot. Hóa thân vào một người lính khi đó, chàng thanh niên thế kỷ 21 có
cơ hội nhìn lại cuộc chiến mà anh đã từng nghe, từng thờ ơ: “Chiến tranh
cùng những cuộc chiến đấu sinh tử của lớp người trước, đối với họ dù có
oanh liệt đến đâu thì trên thực tế, nó dường như đang biến mất khỏi quỹ
đạo cuộc sống của chúng tôi hôm nay”. Nhưng giờ đây, anh lại là một
người trong cuộc, nhưng lại với tâm thế của một người ngoài cuộc, một
người của tương lai cho đến khi những hy sinh, những hào hùng, bi tráng
đã khiến chàng thanh niên thế kỷ 21 vào cuộc, trở thành một phần của
lịch sử và cũng vì thế hiểu hơn về lịch sử.
Tuy là một truyện vừa nhưng tác
giả đã bỏ công sức khá nhiều cho việc thu thập tư liệu. Sinh ra trong
thời chiến, lại là phụ nữ, Minh Moon đã phải tham khảo rất nhiều từ các
cựu chiến binh. Chính vì thế, truyện đầy hơi thở thời chiến với những
chi tiết độc đáo như “luộc nước sôi rửa súng”, “buộc đạn M79 thành
chùm”… Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, trợ lý Giám đốc NXB Trẻ đồng thời là một cựu
binh chiến trường K nhận xét: “Các chi tiết trong truyện mang đậm chất
lính, rất chân thật”.
Cái mới mang lại cái hay
Nếu như mọi năm, tên tác giả bị
giấu kín, giám khảo chỉ đọc tác phẩm thì năm nay, cuộc thi Văn học tuổi
20 có một cải tiến lớn khi công khai danh tính tác giả, thậm chí còn
xuất bản cả tác phẩm trước khi tác phẩm đến tay ban giám khảo. Lý giải
điều này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết: “Giám khảo
làm công chuyện của giám khảo, chúng tôi làm chuyện của chúng tôi, NXB
sẽ tự đánh giá tác phẩm nào hay, có thể hấp dẫn bạn đọc thì chúng tôi
cho xuất bản. Còn việc sau đó ban giám khảo đánh giá thế nào, NXB không
có ý kiến”.
Là một thành viên ban giám khảo,
nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét: “Thực ra việc biết tên tác giả cũng
không gây áp lực lên ban giám khảo. Cây bút quen thì chỉ cần đọc, chúng
tôi đã biết là ai, còn cây bút lạ dù biết hay không cũng chẳng có áp lực
gì. Còn việc xuất bản sách dĩ nhiên lại có áp lực vì nếu sách hấp dẫn
bạn đọc thì ban giám khảo cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Tác giả Phạm Bá Diệp cho biết:
“Tôi không ngờ tác phẩm của mình lại được ra mắt sớm như thế, có lẽ đây
là minh chứng rõ nhất cho lời khuyên - hãy cứ sáng tác rồi cơ hội sẽ đến
- vì nhiều bạn bè tôi cứ băn khoăn không dám viết vì sợ không in được
sách”. Còn với Minh Moon, tác phẩm được chú ý đã góp phần không nhỏ
trong việc chuyển tải tình yêu lịch sử đến với những bạn trẻ. Có người
cho rằng tác phẩm này của Moon còn là một trong những viên gạch đầu tiên
để đưa lịch sử đến với giới trẻ bằng những cách gần gũi nhất, hấp dẫn
nhất. Đó là điều mà nhiều cuộc thi văn học, nhiều trại sáng tác vẫn chưa
làm được. Và với việc NXB Trẻ sẽ còn tiếp tục in những tác phẩm dự thi
khác, bạn đọc lại đang hy vọng vào những bất ngờ mới và biết đâu những
tác phẩm xuất bản hôm nay còn là chất xúc tác kích thích sự sáng tác của
các tác giả trẻ khác, đem đến cho nền văn học Việt Nam một làn sóng mới
trẻ trung và đầy sức sống.
(Theo sggp.org.vn)