Nhớ về Trung thu xưa qua những món đồ chơi giản dị
Do nước ta là một nước nông nghiệp nên Tết Trung thu cũng diễn ra với
lễ thức nông nghiệp, gắn bó với nhà nông. Thông thường, tháng 8 âm lịch
là thời điểm gieo trồng đã xong, thời tiết mát dịu, mọi vật đều thảnh
thơi nên mọi người mở hội cầu mùa, vui chơi sau một quãng thời gian làm
lụng vất vả.
Tết Trung thu cũng là dịp mà trẻ em được thỏa sức vui chơi, được hòa
mình vào với thiên nhiên, ruộng đồng, cây cối. Cũng chính vì thế mà
những trò chơi, đồ chơi dân gian trong dịp này đều gắn liền với văn hóa
nông nghiệp như đèn ông sao, đèn con tôm, con cá hay những mặt nạ, tò he
hình con giống...
Ngày từ xa xưa, các cụ ta đã quan niệm trò chơi và đồ chơi không chỉ để
chơi vui mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Cũng
qua những món đồ chơi như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao... ông
cha ta cũng muốn gửi gắm những mơ ước về một thế hệ con trẻ sau này
hiếu học, sớm thành đạt, thể hiện tinh thần khuyến khích nhân tài của
nhân dân ta.

Không gian Trung thu cổ truyền được phục dựng trong phố cổ Hà Nội mang đậm tính văn hóa truyền thống.

Tiến sĩ giấy ngày xưa hay được các cụ nhà ta bày cùng mâm ngũ quả
cúng Rằm với ước mong con cháu sau này học giỏi, có công danh, đỗ đạt.

Ngược lại với tiến sĩ giấy, món đồ chơi ông đánh gậy lại thể hiện
mong muốn về một thế hệ mạnh khỏe về thể chất, có thể ra sức giúp dân,
giúp nước.

Những chiếc đèn ông sao cổ truyền của dân tộc đã trở thành món đồ chơi biểu tượng cho Tết Trung thu.

Chiếc đèn con công đầy màu sắc thu hút trẻ em ngày xưa.

Đầu sư tử mang ý nghĩa thịnh vượng, may mắn, mang đến nhiều điềm lành cũng được nhiều trẻ em ưa thích.

Con quay tiện tròn - món đồ chơi quen thuộc trong tuổi thơ của những đứa trẻ xưa.

Những món đồ chơi làm từ giấy bồi cũng là một phần không thể thiếu
trong những dịp Trung thu xưa. Những con giống, những chiếc mặt nạ đủ
hình thù từng là mơ ước một thời của nhiều thế hệ trẻ em Việt.

Từ những nguyên liệu thân thuộc với ruộng đồng như bột gạo, phẩm
màu, que tre, những tò he con giống đủ loại thể hiện sức sáng tạo, kĩ
thuật của những con người tạo ra chúng. Tò he chính là một trong số ít
những món đồ chơi dân gian còn hiện hữu đến nay.

Tàu thủy sắt tây, một món đồ chơi không phải là cổ truyền những
cũng mang đậm tính sáng tạo của người Việt. Từ những mảnh sắt bỏ đi,
không hình dáng, qua tay những nghệ nhân lại trở nên sống động, đẹp một
cách lạ thường.

Chú thỏ đánh trống được làm từ sắt tây.

Một món đồ chơi giàu sức sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng do
người Việt sáng tạo. Trò chơi Trí Uẩn, được chính Bác Hồ đặt tên theo
người tạo ra nó là cụ Nguyễn Trí Uẩn (Hà Đông, Hà Nội), là một trò chơi
ghép hình từ 7 miếng gỗ. Những miếng gỗ trông tưởng chừng không có hình
thù rõ ràng những khi sắp xếp lại tạo ra những hình tượng đầy sống động,
linh hoạt.

Nhiều người đã tìm đến những không gian Trung thu xưa để tìm về một phần tuổi thơ của mình.
(Theo Petrotimes.vn)