Bức ảnh đã khiến Trương Anh Ngọc hút chết ở Khayelitsha
Khi đọc cuốn sách, ta có thể cảm nhận
được điều tác giả muốn nhắn nhủ đến giới trẻ là nếu đã đi thì nên đi
bằng tri thức, tức là trước khi bắt đầu hành trình của mình, hãy lên kế
hoạch, rằng mình sẽ đến đâu, ở đó có gì… và phải chuẩn bị cho mình một
nền kiến thức cơ bản ở nơi mình định đến, trong đó tự làm giàu tri thức
cho mình qua những cuốn sách là điều quý giá nhất. Những chuyến đi sẽ
làm sống động những kiến thức ta đã được đọc trong sách báo. Ví dụ khi
sang Nam Phi, anh đã chuẩn bị cho mình tới 11 trang khổ A4 thông tin do
Lãnh sự quán Italia cung cấp nói rất kỹ về những tình huống có thể xảy
ra tại đây. Thậm chí chi tiết đến mức, nếu trong trường hợp mình gặp
cướp tại Nam Phi, bạn không được phép nhìn thẳng vào mặt tên cướp, mà
hãy cúi xuống đất. Bởi nếu nhìn thẳng vào mặt hắn sẽ bắn ta ngay vì hắn
nghĩ rằng bạn đang cố nhớ mặt để sau đó báo cảnh sát.
Nhà báo Trương Ánh Ngọc bộc bạch:
Nhiệm vụ chính của tôi trong những chuyến đi là viết bài, chụp ảnh, quay
phim về bóng đá, tuy nhiên tôi không chỉ quan tâm có vậy, mà mỗi chuyến
đi đó, điều tôi quan tâm tìm hiểu là số phận con người ở nơi đó. Chính
vì vậy, cuốn sách giống như nhật ký báo chí, nó khắc họa những chân
dung, những số phận. Đó có thể là những người nông dân, những người bị
AIDS, những cô gái điếm khát khao đi tìm một tấm chồng người nước ngoài
để mong đổi đời qua giải bóng đá đó…
Ngay trong chính phần viết về đất nước
Nam Phi ở đầu tập ký sự, Anh Ngọc đã nhận ra rằng: "Cái tôi thấy phần
lớn lại không phải là bóng đá hay ít nhất không phải là World Cup. Các
sân vận động rực sáng nhưng đôi mắt tôi bị hút vào những khoảng tối mênh
mông đang vây bọc lấy sân cỏ.”
Bìa cuốn Phút 90++, ký sự Nam Phi,
Ukraina và 10 nghìn cây số của nhà báo Trương Anh Ngọc
Ở đó, anh gặp những người lái taxi hay
ăn gian nhưng cũng rất cởi mở, thấy "địa ngục” Khayelitsha nằm kề sát
thiên đường Cape Town… Nam Phi được hình dung là "nơi của những bài dân
ca về cái chết, nơi ngày ngày có những người bị đâm và bỏ mạng, nơi
những băng đảng thanh niên du đãng tìm đến nhau và đến những người xấu
số khác trong cơn ngông cuồng thú tính. Thất nghiệp, tội ác, bệnh tật,
chết chóc, không tương lai.”
Để rồi, hai năm sau, anh lại thấy một
Ukraina giằng xé giữa hai bờ Đông-Tây. Đến đó anh lại bắt gặp những hình
ảnh một cụ già đi bán chút tài sản cuối cùng khi không sống nổi với
đồng lương hưu ít ỏi và một thế hệ thanh niên "ngác ngơ” vì mất phương
hướng và lạc lối.
"Đây là thế giới, là những chuyến đi
không có điểm dừng, những nền văn hóa khác, những cuộc đời khác.... Tôi
hy vọng cuốn sách sẽ đưa độc giả đến những đất nước khác; nhưng không
phải với mục đích du lịch hay để kiểm chứng những câu chuyện phượt mà để
cảm nhận cuộc sống và cùng suy ngẫm về những gì đang diễn ra thường
ngày xung quanh ta”, tác giả chia sẻ.
(Theo daidoanket.vn)
|