* Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Không hề được thông tin
Thật sự tính lơ đãng và thường dễ dãi của những người
làm thơ, trong đấy có tôi, đã để vấn đề này im lặng quá lâu, lẽ ra trong
giáo dục những tác giả bị in sai hay bị “biên tập lại cho phù hợp“ -
theo cách trình bày của ông Nguyễn Văn Tùng, phó tổng biên tập NXB Giáo
Dục - thì tôi đã phải có ý kiến sớm và quyết liệt hơn.
Câu chuyện in ấn như thế đã trôi đi hơn 10 năm và có
thể còn lâu hơn nữa. Nhiều người đọc thế hệ sau tôi nay đã có con cái,
nay con họ ngồi lớp 1 và họ vẫn tiếp tục hỏi tôi câu hỏi: “Sách sai hay
nhà thơ sai?”. Nhân đây tôi khẳng định: “Sách in sai”. Tôi xin nói thêm
bài thơ đã phổ biến từ năm 1986 qua ca khúc Quê hương của nhạc sĩ Giáp
Văn Thạch và in trong tập Cỏ hoa cần gặp, NXB Thuận Hóa năm 1991.
Có ý kiến từ NXB Giáo Dục cho rằng “đã xin phép và được
sự đồng ý của tác giả” chỉ bằng những dòng in ở trang cuối sách là ý
kiến kỳ quặc. Điều ấy chỉ có thể đúng nếu trước khi in chính thức vào
sách, các tác giả được thông báo và có xác nhận đồng ý cho sửa chữa,
“biên tập”. Với những tác giả khác tôi không biết, với cá nhân tôi thì
không nhận được bất cứ thông tin nào trước đó, tôi chỉ biết có phần
trích dẫn bài Quê hương trong sách thông qua con cái, bạn bè, người
quen.
* Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Kiến nghị mãi mới được đăng lại bản gốc
Trong sách Bài tập tiếng Việt nâng cao tập 1 do NXB
Giáo Dục xuất bản năm 2012 có trích dẫn bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của
nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong đó có hai câu “Trăng tròn như quả bóng/Đứa
nào đá lên trời”. Một số phụ huynh ngạc nhiên cho rằng NXB in sai.
Nhưng khi được hỏi, nhà thơ Trần Đăng Khoa lại vui vẻ cho biết “đó mới
là bản gốc của tôi”.
Theo nhà thơ, bài thơ trên bị biên tập từ khi ông gửi
đăng báo. Người biên tập thay từ “đứa” (nguyên gốc) thành từ “bạn”.
Nhiều bản in sau này cũng sử dụng phiên bản. Từ “đứa” phù hợp với góc
nhìn trăng từ một sân chơi của trẻ con hơn. Nhà thơ đã có ý kiến đề nghị
khôi phục nguyên bản nhưng sau nhiều năm, tới gần đây NXB Giáo Dục khi
in cuốn Bài tập tiếng Việt nâng cao mới đồng ý sử dụng bản gốc.
* Nhà thơ Ngô Văn Phú:
“Có ai hỏi tôi đâu”
Nhà thơ Ngô Văn Phú, người có tên trong số những nhà
văn, nhà thơ được sách Tiếng Việt lớp 1 trích dẫn tác phẩm làm ngữ liệu
dạy học và được nhắc đến ở phần ghi chú với tính chất xin phép và cảm
ơn. Trả lời Tuổi Trẻ, ông cho biết: “Tôi cũng chỉ nghe nói
người ta có trích dẫn tác phẩm của tôi trong SGK Tiếng Việt nhưng chẳng
ai hỏi tôi về việc này đâu. Người ta quyết đưa bài nào, đoạn nào, sửa
thế nào họ tự làm”.
V.HÀ ghi |