Khoảng cách gia tăng

Theo
thông tin của Bộ LĐTBXH, dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993
xuống dưới 10% theo chuẩn nghèo quốc gia nhưng Việt Nam vẫn đứng trước
nhiều thách thức lớn như: tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền
vững; nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi lên tới
70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc chiếm tới 47% hộ nghèo cả nước, thu nhập
bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân cả
nước; chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần năm 2010 lên 9,5 lần năm
2012.
Trong đánh giá 3 năm thực hiện
mục tiêu quốc gia của Chính phủ, trong ba năm 2011 – 2013 đã chi 364
nghìn tỉ đồng cho công tác giảm nghèo, trong đó 121 nghìn tỉ từ ngân
sách (chiếm hơn 30%), phần còn lại do các tổ chức xã hội, tổ chức nước
ngoài, các doanh nghiệp hỗ trợ.

Phần
kinh phí chi cho giảm nghèo được chia thành hai hạng mục: trực tiếp hỗ
trợ các hộ nghèo và gián tiếp thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các
địa phương trong diện chính sách. Nguồn lực hỗ trợ được dành cho những
vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa và vùng dân tộc ít người.
“Chính
phủ sẽ rà sóa các chính sách hiện hành để ban hành các chính sách mới
trên cơ sở khuyến khích sự tự chủ của người nghèo và hướng tới đối tượng
cận nghèo để giảm nghèo bền vững” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho
biết.
Bà Hải Chuyền cũng đánh giá cao
sự giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài trong đó có UNDP và Irish Aid
trong việc giúp đỡ Việt Nam trong các dự án giảm nghèo.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng
Nhận diện đa chiều
Tại
diễn đàn, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi cho
biết, phương pháp xác định chuẩn nghèo mới đa chiều hơn thay vì chỉ dựa
vào thu nhập và chi tiêu trước đây. Các tiêu chí này ngoài thu nhập còn
bao gồm cả các nhu cầu cơ bản như khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế,
giáo dục…Từ đó xác định nhóm đối tượng nghèo, căn cứ theo chính sách để
xác định nhóm đối tượng cần được ưu tiên.
Bộ
trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho biết thêm, thời gian Bộ sẽ phối hợp
với các cơ quan tiến hành nghiên cứu chi tiết hơn về nhóm đối tượng
nghèo ở thành thị để có chính sách phù hợp.
Nhà nước sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về nhóm đối tượng nghèo ở thành thị
Về
số lượng hộ nghèo dân tộc chiếm tỷ lệ cao, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc
Sơn Phước Hoan lý giải: “Người dân tộc thiểu số thường sống ở vùng sâu
vùng xa, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên gặp nhiều khó
khăn trong việc phát triển kinh tế. Trình độ dân trí thấp cũng là một
nguyên nhân dẫn đến đói nghèo”.
Ông
Sơn Phước Hoan nhấn mạnh: “Tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động sang
khu vực ngành nghề dịch vụ và thủ công nghiệp phục vụ du lịch, xuất khẩu
cũng là một trong những biện pháp mới bên cạnh những chương trình cũ.
Việc nâng cao dân trí cũng được quan tâm hơn bởi đây cũng là một yếu tố
quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững. Các chương trình giảm nghèo
cũng sẽ được giám sát chặt chẽ hơn để tránh thất thoát và đảm bảo tính
hiệu quả cao nhất”.