Từ khi ra đời đến nay, đã có 110 giải thưởng được trao cho các tác giả, trong đó tác giả nam có số lượng lấn áp gần như tuyệt đối, bởi tính cho đến nữ nhà văn Alice Munro của Canada, Nobel năm 2013, thì chỉ có vỏn vẹn 13 nữ nhà văn được xướng danh.
Nhà văn nữ đầu tiên nhận vinh dự này là Selma Ottilia Lovisa Lagerlöf, người Thụy Điển. Bà nhận giải Nobel văn chương vào năm 1909. Sinh năm 1858, Selma Ottilia được vinh danh bởi những tiểu thuyết lịch sử và sách viết cho thiếu nhi, nổi tiếng nhất và được dịch ra nhiều nhất là cuốn Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils.
Sau đó đến tận năm 1926, nữ nhà văn người Ý là Grazia Deledda mới trở thành người phụ nữ thứ 2 thắng giải. Những người tiếp theo là nữ nhà văn Na uy, Sigrid Undset giành Nobel năm 1928, là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử và tôn giáo. Sau đó 10 năm, nữ nhà văn Mỹ là Pearl Buck (ảnh) được trao Nobel 1938. Tác phẩm của Pearl Buck được nhận xét là "những bản hùng ca chân thực và phong phú về cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc” bởi tuy bà sinh ở Mỹ nhưng lớn lên ở Trung Quốc do đó các trang viết của bà giàu các yếu tố văn hóa phương Đông kết hợp phương Tây.
Đến năm 1945, một nữ nhà thơ Mỹ Latinh đầu tiên thắng giải Nobel Văn học là Gabriela Mistral. Đây là nữ nhà thơ được đánh giá như một chiến sĩ luôn trung thành với các giá trị về tự do, dân chủ, quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người nghèo. Hơn 20 năm sau, vào năm 1966, nữ nhà thơ Đức gốc Do Thái là Nelly Sachs giành giải thưởng và phải chờ đợi rất lâu, một tác giả nữ mới được vinh danh, đó là Nadine Gordimer - nữ nhà văn Nam Phi - đoạt Nobel năm 1991. Những tiểu thuyết của bà bám sát tình hình chính trị phức tạp của Nam Phi bao gồm A guest of honour, The conservationist, July's People, The Pickup, None to accompany me” và Get a life.
Từ 1991, có vẻ giải thưởng lớn này đã bắt đầu rút ngắn khoảng cách giới tính với việc trao cho nữ nhà văn Mỹ Toni Morrison, đoạt Nobel năm 1993 và là người da đen đầu tiên nhận giải thưởng của Viện hàn lâm Thụy Điển. Năm 1996, nhà thơ nữ người Tây Ban Nha là Wislawa Szymborska đoạt Nobel văn chương nhờ những tác phẩm thơ “tái hiện chân thực thế giới trong đó có cả thiện và ác, với lối viết đầy châm biếm”.
Đến năm 2004, nữ tiểu thuyết gia người Áo, Elfriede Jelinek được với những tác phẩm “phơi bày sự phi lý của những khuôn sáo xã hội” được trao giải và 3 năm sau, nữ nhà văn người Anh Doris Lessing cũng được Viện hàn lâm Thụy Điển xướng tên. Chỉ 2 năm sau, tức năm 2009, Herta Müller, nữ thi sĩ người Đức gốc Rumani giành Nobel Văn chương và mới nhất là nữ nhà văn Alice Munro của Canada, Nobel năm 2013.
(Theo phunuonline.com.vn)