Tuần
lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” là hoạt động
thiết thực kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất
Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2013), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt
Nam (23/11/2013), Khánh thành quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du
lịch các dân tộc Việt Nam.

Tại
cuộc họp báo, ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá -
Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức sự kiện cho biết: 14
hoạt động chính sẽ diễn ra tại Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di
sản Văn hóa Việt Nam” gồm: Chương trình Khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết
các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” vào ngày 18/11 (là hoạt động điểm
nhấn của sự kiện); Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị số
24/1998/TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực
hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư” vào ngày
18/11; Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên, diễn ra từ ngày
18-24/11/2013; Tái hiện các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng các dân tộc
được mời tham gia, từ ngày 18-24/11; Chương trình giao lưu đoàn kết các
dân tộc Việt Nam, ngày 19/11/2013; Triển lãm, giới thiệu Văn hóa truyền
thống các dân tộc Việt Nam, từ ngày 19-24/11; Tổ chức các hoạt động giới
thiệu Di sản Diều truyền thống Việt Nam: Trưng bày triển lãm, thuyết
minh giới thiệu, tổ chức không gian thả Diều, từ ngày 19-24/11; Tổ chức
không gian giới thiệu Làng nghề truyền thống và không gian ẩm thực Hà
Nội, từ ngày 18-24/11; Tái hiện không gian văn hóa Chợ nổi Nam Bộ và Chợ
vùng cao phía Bắc, từ ngày 20-24/11; Tái hiện Hội Đua bò Bảy Núi vào
ngày 21 và 23/11; Hội thảo với chủ đề: “Giải pháp để bảo tồn, phát huy
trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay”,
ngày 22/11; Khánh thành quần thể chùa Khmer, ngày 23/11; Tái hiện Lễ hội
Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ, ngày 23/11; Các chương trình biểu
diễn nghệ thuật, ca múa nhạc chuyên nghiệp và các hoạt động giao lưu
giữa cộng đồng các dân tộc được huy động.
Tham
gia vào các hoạt động biểu diễn gồm đại diện Già làng, Trưởng bản, Nhân
sĩ trí thức, Nghệ nhân của 17 dân tộc thuộc 13 tỉnh, thành phố, với
khoảng 400 người đại diện cho các vùng miền của tổ quốc. Cụ thể như: dân
tộc Khmer (Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh), dân tộc Tà Ôi (Quảng Trị),
dân tộc Lự (Lai Châu), dân tộc Tày (Cao Bằng), dân tộc Khơ Mú, Thái (Sơn
La), dân tộc H’Mông (Hà Giang), dân tộc Gia Rai, Ba na, Ê Đê, Xơ đăng,
Giẻ - Triêng, B’râu, Rơ Măm (Kon Tum), dân tộc Gia rai (Gia Lai), dân
tộc M’Nông, Ê đê (Đắk Lắk), dân tộc Kinh (Cần Thơ).

Tuần
lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” do Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức, nhằm góp
phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, tôn vinh tinh
thần đại đoàn kết trở thành một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, cần
được trân trọng, giữ gìn và phát triển; quảng bá, giới thiệu về đất
nước và con người Việt Nam nói chung và về Làng Văn hoá - Du lịch các
dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam, điểm đến
hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế./.
(Theo dulichvn.org.vn)