|
 |
|
Phút thăng hoa, Đại tướng trở thành nhiếp ảnh gia. Ảnh: Trần Định. |
|
Sở
dĩ tôi phải kể ra đây cái chức hạ sĩ "quèn" của mình không phải để hơn
thua chuyện công lao, hưởng thụ, mà là vì một kỷ niệm không thể nào quên
với vị Đại tướng kính yêu vừa về cõi vĩnh hằng. Trước tháng 7/2001, mỗi
lần đi qua số nhà 30 Hoàng Diệu, tôi vẫn được nghe bạn bè thì thầm: Đại
tướng ở nơi đây. Chỉ vậy thôi mà tim đập bồi hồi. Tôi chỉ thầm mong
thấp thoáng bóng dáng Người dạo trong khuôn viên cây lá đó. Rồi Đại tá,
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cho tôi xem những bức ảnh chụp về Đại tướng.
Tôi biết anh Trần Hồng đang được báo Quân đội nhân dân đặc phái vào ra
nhà Đại tướng để ghi lại cuộc sống, lao động, giao tiếp… của Đại tướng,
chuẩn bị cho dịp mừng sinh nhật lần thứ 90 của Ông. Tôi bảo Trần Hồng,
tôi có thể "quá giang" vô dinh Đại tướng được không? Trần Hồng rụt rè
trả lời: "Cũng có thể".
Trần Hồng gọi điện xin ý kiến
của Đại tá Huyên, thư ký của Đại tướng. Đương nhiên để thuyết phục Đại
tá thư ký, Trần Hồng giới thiệu tôi là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, là cựu
binh cũ từng chiến đấu ở Tây Nguyên, cũng là …nhà nhiếp ảnh ở một tờ
báo văn nghệ ở miền Trung muốn tiếp cận Đại tướng để có tác phẩm nhân
ngày sinh nhật Cụ (hồi đó tôi đang là phóng viên, biên tập viên Tạp chí
Hồng Lĩnh thuộc Hội Văn nghệ Hà Tĩnh). Đại tá Huyên đồng ý và hẹn buổi
chiều hôm ấy, đúng 3 giờ.
Cuộc yết kiến ấy, ngoài Trần
Hồng và tôi còn có nghệ sĩ Trần Định ở Việt Nam Thông tấn xã và Tiến sĩ
Dương Thanh Biểu - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Anh
Biểu nguyên là đại đội trưởng một đại đội chủ công của Quân đoàn 3, đã
từng là Dũng sĩ diệt Mỹ ở mặt trận Tây Nguyên.
Đại tá Huyên tiếp chúng tôi ở
phòng trưng bày kỷ vật của nhà Đại tướng. Ông bảo Đại tướng đang có
khách nước ngoài, đề nghị mọi người đợi ở đây và tranh thủ xem các phòng
lưu niệm. Tôi chợt nhận ra một điều lý thú: Một người vĩ đại đến mức
chỉ mới 55 tuổi mà cả nước đã coi là Cha Già Dân Tộc, là Bác, là Cụ, là
Người. Dù Bác đã về cõi tiên ngót nửa thế kỷ, những từ nhân xưng đó vẫn
không hề thay đổi. Còn một người, dù đã ngót trăm tuổi, đã đeo hàm Đại
tướng Tổng Tư lệnh trên nửa thế kỷ thì cán bộ, chiến sĩ, đồng đội, nhân
dân vẫn yêu quý, thân tình gọi bằng Anh. Đó cũng là một sự vĩ đại. Không
chỉ hôm nay và chắc chắn sẽ mãi về sau, con cháu chút chít của Người
vẫn yêu mến gọi Anh: Anh Văn của chúng ta.
 |
Bức ảnh đầu tiên tác giả (áo đen phía sau) được chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình Ông. |
Mấy chục phút ấy, tôi biết mình
không thể xem hết, đọc hết cả một "kho" tư liệu quý giá và nghĩ chẳng
bao giờ mình còn có dịp vinh hạnh được trở lại đây, tôi chụp lấy chụp để
những kỷ vật; mở máy ghi âm đọc và ghi những lời thơ, lời chúc, lời
đối… mong lưu lại cho mình. Rồi Đại tướng xuất hiện ở bậc cửa phòng
khách, thong thả bước xuống sân, đi sang nhà trưng bày kỷ vật, nơi mấy
anh em chúng tôi thấp thỏm trông chờ. Bên Đại tướng là bà Đặng Bích Hà,
phu nhân của Đại tướng, đi sau còn mấy người khác.
Đại tướng bắt tay mọi người,
nghe giới thiệu từng vị khách rồi vui vẻ nói với Đại tá Huyên, cũng là
nói với chúng tôi: "Chiều đẹp thế này, chúng ta ra vườn ngồi cho
thoáng". Rồi Đại tướng đi về phía vườn sau, nơi có một bộ bàn ghế đặt
ngoài trời. Ông ngồi xuống, bà Hà ngồi bên trái Ông, chị Võ Hồng Anh
ngồi cạnh. Anh Võ Điện Biên và mấy cô con gái của Đại tướng cùng đứng
sau lưng bố mẹ. Đại tướng chỉ hai chiếc ghế rời đối diện bảo anh Dương
Thanh Biểu và tôi ngồi xuống. Lúc này Đại tá Huyên đã xin phép đi về
phòng, các anh Trần Định, Trần Hồng đang tác nghiệp với máy ảnh trên
tay, trên vai. Tôi được ngồi với Đại tướng vừa sung sướng, vừa bối rối
cảm động. Anh Biểu cũng chưa biết phải nói gì thì Đại tướng hỏi: "Cán bộ
nhân viên Viện Kiểm sát của chú đời sống có đỡ không?".
Được gợi ý, anh Dương Thanh
Biểu mạnh dạn báo cáo sơ bộ tình hình đời sống, công việc của ngành Kiểm
sát với Ông. Đại tướng chăm chú nghe, đôi mắt nhìn thẳng vào người nói
chuyện, đầu gật nhẹ, khuyến khích. Ông hỏi anh Biểu về thông tin một số
quan chức, cán bộ dính vào một số vụ tiêu cực. Ông tỏ ý buồn khi nghe
những thông tin đó. Đại tướng hỏi chúng tôi mà như trò chuyện thân tình
giữa ông cháu, về nghề nghiệp làm báo, viết văn, hỏi về những tháng ngày
tham gia quân đội. Dương Thanh Biểu say sưa kể cho Ông nghe những ngày ở
Tây Nguyên đánh giặc, mắt ông sáng lên, trẻ trung và đồng cảm. Tôi
không dám nói gì vì ngại kể về mình, một chàng lính "trơn" từ chiến
trường ra và cũng chỉ được làm Lính Cụ Hồ có 5 năm. Nhất là ngồi trước
vị Đại tướng lừng danh.
Nghệ sĩ Trần Định rất hiểu mong
muốn của chúng tôi. Anh đi ra phía sau lưng Ông, lễ phép: "Thưa Đại
tướng và phu nhân, cháu xin phép được chụp ảnh gia đình Đại tướng với
hai cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường B3 để làm lưu niệm ạ!".
Cả Đại tướng và bà Hà đều vui vẻ gật đầu. Ông bảo anh Biểu, tôi, cùng
các cô con gái đứng phía sau ông bà, anh Võ Điện Biên ngồi bên phải Ông
để Trần Định bấm máy. Bức ảnh đầu tiên chúng tôi được chụp với Đại tướng
và gia đình của Ông, sau này nhiều tờ báo in rất trang trọng với chú
thích: "Đại tướng trong khuôn viên gia đình".
Trời ngả về chiều, nắng chếch
vàng óng xuyên qua các tán cây xanh. Đại tướng đề nghị mọi người bách bộ
trong vườn, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi được đi bên Đại tướng, phía bên
kia là anh Võ Điện Biên. Cả tôi và Võ Điện Biên mỗi người đều vai đeo
máy ảnh. Đại tướng hỏi tôi: "Thế cậu nhà văn có đi bộ đội không nhỉ?".
"Thưa bác, cháu có năm năm trong quân đội ạ. Cháu cũng vào chiến trường
Tây Nguyên ạ". Đại tướng gật đầu: "Tây Nguyên gian khổ lắm, thiếu đói
lắm. Cậu ở chiến trường từ năm nào?". "Dạ, cháu ở từ năm bảy mốt đến năm
bảy tư ạ". Ông nhìn tôi, cười rồi hỏi tiếp: "Thế ra quân, cậu cấp bậc
gì? Chức vụ gì?". Tôi đỏ mặt và lí nhí: "Dạ thưa, cháu là…hạ sĩ ạ". Ông
bật cười: "Hạ sĩ? Sao chậm thế?".
Bị bật vào đúng nỗi niềm, tôi
vừa muốn thanh minh, vừa muốn thay mặt những người lính hậu cần Tây
Nguyên hồi ấy bày tỏ với vị Tư lệnh tối cao của mình về những bất cập
thời chiến ấy. Nhưng rồi, thế nào mà tôi lại buột miệng: "Báo cáo Đại
tướng, như vậy là cháu được phong quân hàm hai lần đấy ạ. Một lần từ
binh nhì lên binh nhất và một lần từ binh nhất lên hạ sĩ. Còn Đại
tướng…hơn năm chục năm chỉ được phong…một lần thôi ạ". Buông xong câu
trả lời ấy, tôi cứng giọng, kinh hãi vì mình…"hỏng" mất rồi. Định lấy
cái thấp tẹt của tôi để ngưỡng mộ cái cao vời vợi của Ông, nhưng có vẻ
không ổn? Tôi lo lắng chờ một biểu hiện trên nét mặt của Ông, rồi vội
vàng quay mặt sang phía Võ Điện Biên hy vọng tìm được sự cứu giúp.
Thật may, Đại tướng không giận.
Ông cầm tay tôi: "Cậu láu lắm!". Tôi nắm chặt bàn tay ấy, ấm áp, mềm
mại và vị tha. Chợt Đại tướng nói nhanh: "Cậu đưa máy ảnh đây, đẹp quá".
Ông cầm lấy chiếc máy Nikon D90 của tôi. Tôi gỡ vội dây đeo đang quàng
trên vai trao cho Ông và nhìn về phía Ông đang dõi theo: Bà Hà, anh
Biểu, chị Võ Hồng Anh và hai con gái của Đại tướng đang đi vào một vùng
nắng vàng óng, sóng sánh sắc thu. Giữa vườn xanh, những sợi nắng chếch
buổi hoàng hôn đẹp quá. Ông gọi bà Hà đứng lại trong vùng nắng, nâng máy
và quỳ xuống ngắm. Tôi cảm giác đó là một nghệ sĩ thực thụ thành thục
đến lão luyện. Chợt Đại tướng vẫy tôi: "Cậu, chuyển sang lấy nét tự động
cho chính xác". Tôi vội vâng lời, làm ngay rồi lùi lại mấy bước, ngắm
Ông tác nghiệp.
Phút hạnh phúc hiếm hoi đó đã
được nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định ghi lại từ một góc không thể đẹp hơn
khi Đại tướng đang quỳ, nâng máy ngắm vào mục tiêu, còn tôi và Võ Điện
Biên thành kính đứng bên Người, ngưỡng mộ.
Đêm 7/10/2013

|