Ra quyết định gây lãng phí phải bị xử lý
Đó
chính là gốc rễ của tình trạng lãng phí được nhiều đại biểu phản ánh
tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
sửa đổi sáng 4-11.
Tôi cảm nhận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc. Đó là do ban hành chính
sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng
ngàn tỉ đồng mà người ra quyết định cùng lắm thì cũng chỉ bị phê bình
khiển trách. Câu hỏi đặt ra ở đây là một quyết định sử dụng ngân sách
Nhà nước sai ngay từ lúc ban hành thì việc thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí trong quá trình triển khai liệu còn có tác dụng gì?
Thực tế có biết bao nhiêu công trình, dự án mía
đường, xi măng, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi, chợ... không sử
dụng được hoặc không được sử dụng, sản xuất bị lỗ hoặc không sản xuất
được, hoạt động cầm chừng theo kiểu bỏ thì thương, vương thì tội. Nguyên
nhân là các quyết định đầu tư đó thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa
trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế - xã hội, chưa căn cứ vào khả năng
thu xếp vốn dẫn đến tiêu tốn nhiều ngàn tỉ đồng mà không phát huy tác
dụng. Dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách
nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra, chỉ cụ thể trách nhiệm
của người ra quyết định đó là gì.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy:“Cái
gốc của lãng phí là do ban hành chính sách không phù hợp, quyết định
thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng ngàn tỉ đồng”. Đại biểu Trần Quốc Tuấn: “Mỗi
phút chúng ta ngồi tại hội trường này thì Nhà nước phải bỏ ra khoảng 2
triệu đồng, bình quân một ngày chúng ta mất khoảng 1 tỉ đồng”. Đại biểu Bùi Thị An: “Có những đồng chí thời gian đi đào tạo để đạt tiêu chuẩn còn nhiều hơn thời gian làm việc nên gây lãng phí rất lớn”.
Ở nhiều nước họ tách lập trách nhiệm cá nhân của
người ra quyết định rất rõ ràng, cho nên mọi quyết định được ban hành
không phải dễ dàng như ở nước ta. Ở nước ta thì dường như quyết định do
cá nhân nhưng hình thức là tập thể để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể
chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả. Cơ quan này
lại đổ lỗi cho cơ quan kia. Có người thì cho là lỗ hổng của hệ thống,
trong không ít trường hợp quy về một nguyên nhân muôn thuở đó là do năng
lực cán bộ hạn chế.
Có thể nói chúng ta đang dốc sức tập trung vào cuộc
chiến chống tham nhũng mà đang để hổng mặt trận chống lãng phí. Nhưng
chưa chắc mặt trận này đã thua mặt trận kia về mức độ nguy hiểm. Thử so
sánh một người tham nhũng 1 tỉ đồng với một người ra quyết định làm lãng
phí từ năm đến bảy chục tỉ đồng thì ai sẽ là người gây thiệt hại cho
dân, cho nước nhiều hơn?
Tôi cho rằng đã đến lúc cần xác định trách nhiệm cá
nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định. Do đó tôi đề
nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người đưa ra chính sách không
phù hợp gây lãng phí trong trường hợp xác định được trách nhiệm cá nhân.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ mang đến hai cái lợi cùng một
lúc là vừa có được thêm tiền để đầu tư phát triển đất nước, vừa được
lòng dân. Do đó chúng ta kiên quyết phải làm và làm triệt để, quyết
không đánh trống bỏ dùi và bắt đầu từ việc loại bỏ hơn 400 dự án thủy
điện.
Đi học tốn nhiều thời gian hơn cả đi làm
Một số cơ quan hiện
nay không chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ về bổ nhiệm các cấp
chức vụ. Ví dụ như thứ trưởng hoặc tương đương quy định một bộ là bốn
nhưng ta để từ năm đến chín. Nếu có chín thứ trưởng được bổ nhiệm thì sẽ
thêm năm ô tô, tối thiểu là Camry 2.4 trở lên, rồi thêm năm lái xe, năm
phòng làm việc rất sang trọng, năm cán bộ giúp việc, năm nhà ở hay nhà
công vụ...
Ngoài ra, chúng ta
đều thấy tình trạng 20%-30% biên chế không làm được việc. Tôi ví dụ một
đơn vị nhỏ 100 biên chế, nếu 30 người không làm việc thì lương tối thiểu
của 30 người mỗi tháng mất 75 triệu đồng, 1.500 m2 nhà làm việc, nếu tính 10 triệu đồng/m2
như nhà ở xã hội là mất bao nhiêu tiền, chưa kể đi công tác, xăng xe,
những chuyện khác… Nếu ta tuyển không tốt lại liên quan đến chuyện đào
tạo. Vào đến nơi không đảm bảo chất lượng lại phải gửi đi đào tạo. Tôi
quan sát có những nơi, có những đồng chí thời gian đi đào tạo để đạt
tiêu chuẩn còn nhiều hơn thời gian làm việc nên gây lãng phí rất lớn.
Đại biểu BÙI THỊ AN(Hà Nội)
Rút ngắn thời gian họp QH
Hiện nay kỳ họp QH
hằng năm thường kéo dài hơn so với nội dung thực chất cần giải quyết,
đặc biệt là kỳ họp cuối năm. Qua nghiên cứu nội dung kỳ họp, tôi và
nhiều đại biểu QH thấy chúng ta có thể rút ngắn thời gian của mỗi kỳ họp
xuống từ năm đến 10 ngày.
Tôi từng nghe rằng
cứ mỗi phút chúng ta ngồi tại hội trường này thì Nhà nước phải bỏ ra
khoảng 2 triệu đồng. Bình quân mỗi một kỳ họp QH như thế, một ngày mất
khoảng 1 tỉ đồng. 1 tỉ đồng không phải là lớn nếu chúng ta ngồi đây thảo
luận và đi đến quyết định, giải quyết các vấn đề quan trọng mang lại
lợi ích cho nhân dân, mang lại lợi ích cho quốc gia. Nhưng 1 tỉ đồng cho
một ngày họp sẽ rất lớn nếu chúng ta không làm được những việc đó.
Chưa kể trong số các
đại biểu ngồi đây có rất nhiều vị đang giữ những vai trò trọng trách
của các tỉnh, TP và cuối mỗi năm đều có công việc rất quan trọng. Nếu
tham gia kỳ họp kéo dài như thế này thì công việc ở nhà rất khó giải
quyết, nếu về thì phải tốn rất nhiều chi phí, vé máy bay, xe đưa đón.
Còn nếu ở lại thì công việc sẽ bị đình trệ.
Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN (Trà Vinh)
- Khắp nơi không
hiếm để tìm thấy những cái chợ khang trang nhưng sau nhiều năm vẫn trống
không. Bảo tàng, nhà văn hóa vắng bóng người, những bến cảng, tàu vào
ra lèo tèo…
- Công trình nước
sạch tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (Gia Lai) được đầu tư hơn 16 tỉ
đồng từ nguồn vốn không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ. Sau sáu
năm thi công, đến nay… còn dang dở, hàng loạt thiết bị gỉ sét và rêu
bám. Một số thiết bị có giá trị thì đã bị kẻ xấu tháo gỡ bán sắt vụn.
- Tại TP Pleiku,
công trình nhà tang lễ do tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng và hoàn thành từ
năm 2007 với số vốn gần 7 tỉ đồng nhưng đến nay chưa sử dụng vì đất đai,
nhà ở của người dân còn rộng, hiếm ai chịu đem người quá cố của gia
đình đến quàn tại nhà tang lễ.
- Âu thuyền An
Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam được đầu tư 80 tỉ đồng nhưng hơn
1.500 tàu thuyền của ngư dân huyện Núi Thành, Quảng Nam không dám vào
neo đậu, gây lãng phí. |
(Theo phapluattp.vn)