Thứ sáu, 15/11/2013 04:53
Trước ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: Phong bì “nói thay” tình cảm?
Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không ít phụ huynh đã tính đến chuyện mua quà, lo tiền phong bì tặng giáo viên. Có phụ huynh cho rằng, đây là dịp để lấy lòng giáo viên cho con em mình được quan tâm hơn…
|
Ngày 20/11, việc biếu phong bì cho cho giáo viên khá phổ biến ở các thành phố. Ảnh minh họa: Q.Huy |
Phong bì cho… gọn
Chuyện quà cáp, phong bì cho giáo viên có lẽ
“nóng” nhất ở các gia đình có con học mầm non, phổ thông. Có con học lớp
1 nên sự quan tâm đối với con luôn đặt lên hàng đầu, bởi thế mà chị
Nguyễn Thị Thanh Hương (khu tập thể Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) khá đau
đầu trong việc mua gì, tặng gì cho cô chủ nhiệm của con nhân ngày
20/11. Chị Thanh Hương chia sẻ: “Đến giờ tôi cũng đang phân vân chưa
biết tặng quà cho cô giáo như thế nào. Tôi định mua quà mĩ phẩm có giá
trị một chút, để cô dùng và quan tâm hơn đến con mình. Tuy nhiên có
người khuyên mua quà đắt tiền nhưng có khi cô lại không biết đến giá trị
thực của nó. Vì vậy, có lẽ đi phong bì cho tiện”.
Để tránh “đau đầu” trong việc mua quà vì sợ cô
giáo không dùng đến, một số phụ huynh cũng chọn cách “đi” phong bì. Phụ
huynh Trần Đức Hòa (ngõ 1, Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ:
“Tôi thấy hiện nay phụ huynh cứ “đi” phong bì là tiện lợi nhất. Tặng
phong bì, cô sử dụng khi cần thiết hoặc tự mua những món đồ mà cô thích.
Tuy nhiên, tặng thế nào cho khéo, chứ để con trẻ thấy sẽ nghĩ không hay
về việc này”.
Cũng có phụ huynh cho rằng, “đi” phong bì để
cảm ơn cô giáo, giúp cô tăng thu nhập, nhất là ở bậc học mầm non. Chị
Thu Hoài (Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Các cô đã chăm sóc và
dạy dỗ con mình gần như chiếm lượng thời gian cả ngày. Nhìn thấy con
ngày một lớn khôn, tăng cân đều đặn, ngoan ngoãn… bố mẹ không khỏi thầm
cảm ơn các cô giáo. Lương giáo viên mầm non quá thấp, trong khi đó cuộc
sống có quá nhiều thứ phải chi tiêu. Tôi nghĩ gửi phong bì cảm ơn các cô
đã vất vả với con mình là thiết thực nhất”.
Làm hư giáo viên?
Mong được nhận thiệp điện tử ngày 20/11
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà
giáo Việt Nam, Sở GD&ĐT TPHCM vừa đề nghị tới các sở, ban, ngành,
đoàn thể thành phố; Quận ủy, UBND các quận, huyện; các cơ quan thông
tấn, báo đài mong được nhận thiệp điện tử chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt
Nam 20/11 theo địa chỉ email của Văn phòng Sở. Đây sẽ là món quà ý nghĩa
nhất đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở GD&ĐT TPHCM
trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.
|
Không chọn phương án tặng phong bì cho cô giáo
ngày 20/11, phụ huynh Lê Ngọc Hải (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ:
“Tôi rất sợ phải tặng cô giáo phong bì mặc dù nó thật đơn giản đối với
tôi. Tôi sẽ dành thời gian cả ngày hoặc thêm cả buổi tối để tìm món quà
nào đó thật ý nghĩa tặng thầy, cô giáo của con. Tôi luôn dành cho các
thầy, cô giáo sự trân trọng, quý mến và tôi truyền tư tưởng này cho các
con mình. Phụ huynh nên gieo cho con trẻ những gì tố đẹp nhất , hay giữu
sự ngây thơ trong sang của các bé."
Còn phụ huynh Trần Thị Hường (phường Hoàng
Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Tôi nghĩ, nếu phụ huynh nào
chúc mừng thầy, cô giáo bằng phong bì và cho rằng làm như vậy giáo viên
mới quan tâm con mình thì phải xem lại. Các ngày lễ, Tết… tôi luôn chúc
các thầy, cô giáo bằng những bó hoa tươi thắm và trao đổi thêm việc học
của con. Tôi thấy các thầy, cô giáo rất quý mà thành tích học của con
mình vẫn tốt. Được phụ huynh quan tâm bám sát việc học hành, động viên
nhắc nhở các cháu học tốt hơn thì đó mới là niềm vui và hạnh phúc của
người thầy”.
Nói về “nạn” phong bì hiện nay, TS Nguyễn Tùng
Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, truyền
thống tốt đẹp đang bị biến tấu bởi “văn hóa phong bì”. TS Nguyễn Tùng
Lâm thẳng thắn: “Trước kia, phụ huynh đến với các thầy, cô giáo chỉ là
những món quà nhỏ, nhưng tấm lòng cao cả, muốn thăm hỏi, nhớ ơn thầy cô.
Ngày nay, một bộ phận giáo viên thiếu bản lĩnh, chấp nhận quà cao hơn
ranh giới tình cảm, thậm chí còn gợi ý, điểm danh xem em nào không tặng
quà. Phụ huynh cứ tưởng tặng phong bì, giáo viên sẽ quan tâm đến con
nhưng vô tình làm hại đến con trẻ. Như thế sẽ mất đi hình ảnh trong sáng
giữa thầy và trò. Học sinh nảy sinh tư tưởng muốn làm gì thì làm, bởi
chỉ cần biếu phong bì là xong”.
“Có những nhà giáo không bao giờ nhận quà”
“Hiện nay, không phải
giáo viên nào cũng đánh mất phẩm chất của mình, vẫn còn đó nhiều nhà
giáo không bao giờ nhận quà, không cho phụ huynh đến nhà ngày 20/11.
Nghề giáo viên không giàu lên nhờ ngày 20/11. Giáo viên hãy là tấm gương
sáng để học sinh noi theo. Không thể từ chối mọi thành ý, nhưng tất cả
đều có giới hạn giữa tình cảm và vật chất, giáo viên phải tỉnh táo để
chấp nhận hay từ chối trong giới hạn đó”.
TS Nguyễn Tùng Lâm
(Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội)
“Phong bì làm nghề giáo không còn cao quý nữa”
“Chuyện đi phong bì xuất
phát từ lý do phụ huynh cho rằng phải có phong bì thì con em mình mới
được giáo viên chiếu cố, dần dần thành thói quen, trở thành trào lưu. Nó
làm cho nghề giáo không còn là nghề cao quý nữa. Ngày truyền thống mất
dần ý nghĩa tốt đẹp. Bản thân tôi, mới ra trường mấy năm, đi làm vất
vả, lương thấp nên không có chuyện đi phong bì thầy, cô giáo cũ. Hàng
năm, chúng tôi vẫn đến thăm các thầy, cô giáo cũ với những bó hoa tươi,
hay ít trái cây và cùng ôn lại những kỷ niệm học trò”.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (26 tuổi, ngõ 129,
Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội)
“Tặng phong bì chả sao"
“Tôi thấy ngày 20/11 tặng
phong bì cũng chả sao, chủ yếu là do cách tặng và nghĩ ra sao thôi. Tặng
phong bì cho cô giáo với một tấm lòng biết ơn thật sự sẽ không còn được
coi là tiêu cực. Nếu mua hoa hay quà vừa đắt tiền, lại lãng phí bởi cô
không dùng tới. Theo tôi, hãy để con mình tặng cô một món quà nhỏ do con
chọn, hay một thiệp chúc mừng, một bông hoa... Còn người lớn thì vẫn
gửi cô phong bì, miễn sao đừng để các cháu thấy là được”.
Chị Phan Thị Thảo (33 tuổi, ngõ 116 Nguyễn Xiển,
Thanh Xuân, Hà Nội)
|
(Theo giadinh.net.vn)
|