Cách mạng Tháng Tám thành công, sớm giác ngộ, ông đã đóng cửa hiệu
thuốc, hiến tặng thuốc cho chính quyền địa phương và quyết tâm theo cách
mạng phụng sự Tổ quốc.
Năm đầu, ông được giao nhiệm vụ Phụ trách công tác bình dân học vụ
tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Nam để tổ chức, vận động các tầng lớp nhân
dân đi học để biết đọc và biết viết. Nhiệm vụ hoàn thành, từ tháng
8/1946, DS. Trương Xuân Nam trở về với nghề dược, được bổ nhiệm làm Chủ
nhiệm khoa Dược Bệnh viện Thuận Hóa (Huế), năm 1947 là Giám đốc Viện bào
chế Liên khu IV. Hai năm tiếp theo DS. Nam là Thanh tra Bộ Y tế. Từ
tháng 3/1951, DS. Trương Xuân Nam là Giám đốc XNDP T.Ư Bộ Y tế. Khi Thủ
đô được giải phóng, ông đã tham gia tiếp quản các xí nghiệp dược phẩm
trong nội thành, rồi trực tiếp làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm I. Ông
được kết nạp Đảng tại đây năm 1957.
Từ trái: DS. Trương Xuân Nam, con gái ông - BS. Trương Xuân
Liễu và vợ chồng BS. Nguyễn Văn Thủ - Trưởng Ban dân y miền Nam tại Tây
Ninh năm1974. |
Năm 1956 và 1957, trong lúc kinh tế đất nước khó khăn, thị trường
thuốc bị lũng đoạn, nhà nước yêu cầu cần phải quản lý tốt việc cung cấp
thuốc cho nhân dân. Bộ Nội thương đã thành lập Tổng Công ty Dược phẩm
T.Ư, DS. Trương Xuân Nam được bổ nhiệm là Giám đốc (1957). Hệ thống phân
phối thuốc được củng cố từ Trung ương tới các tỉnh thành, đánh dấu một
bước trưởng thành của ngành dược dưới chế độ mới. Năm 1961, nhiệm vụ của
Tổng công ty được chuyển giao lại cho Bộ Y tế, DS. Trương Xuân Nam
được bổ nhiệm là Cục phó Cục phân phối Dược phẩm.
Người thầy nhiệt tình, tận tụy và mô phạm
Tháng 9/1961, Bộ Y tế bổ nhiệm DS. Trương Xuân Nam là Chủ nhiệm Bộ
môn Dược chính và bảo quản Trường đại học Y Dược khoa. Các lớp sinh viên
các năm 1962 - 1973 vẫn ghi nhớ mãi hình ảnh thầy trong những buổi lên
lớp ở giảng đường. Thầy luôn tề chỉnh, giảng dạy mô phạm và mẫu mực với
giọng nói sang sảng, đầy nhiệt huyết và thuyết phục. Thầy giảng về lịch
sử ngành dược, về chức trách, nhiệm vụ và vinh quang của người cán bộ
dược, những yêu cầu về phẩm chất một dược sĩ cần có là: tính cẩn thận,
chính xác, làm đúng và đủ các quy chế của ngành, các quy định về quản lý
thuốc độc và bảo quản thuốc. Thầy đã xây dựng chương trình, viết sách
giáo khoa về môn học. Các cán bộ trong bộ môn của thầy còn dạy sinh viên
biết sử dụng và bảo quản một số máy móc và dụng cụ. Sau này, những năm
cuối thập kỷ 70, thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Dược chính tại Khoa Dược, Đại
học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, thầy vẫn giữ nguyên tác phong giảng dạy và
lên lớp như thế.
Vị Tổng thư ký Tổng hội Y Dược học Việt Nam
Tổng hội Y Dược học là một tổ chức xã hội tập hợp các cán bộ y dược
trung cấp và cao cấp được thành lập năm 1955 ngay sau khi hòa bình lập
lại. DS. Trương Xuân Nam đảm nhận chức vụ Phó Tổng thư ký rồi Tổng Thư
ký trong 18 năm (1955 - 1973). Là người đại diện cho giới trí thức ngành
y dược, DS. Trương Xuân Nam luôn thay mặt các đồng nghiệp mang tiếng
nói xây dựng đóng góp với các ngành khoa học kỹ thuật khác. Trên cương
vị này, ông còn tham gia Ủy viên Thường trực Ban đấu tranh chống Mỹ ngụy
khủng bố trí thức yêu nước miền Nam.
Xung phong vượt Trường Sơn trở về miền Nam
Năm 1973, tuy đã 60 tuổi, DS. Trương Xuân Nam vẫn thực hiện nguyện
vọng của ông hằng mong muốn, đã xung phong vượt Trường Sơn trở về miền
Nam góp phần xây dựng ngành dược ở B2 trong kháng chiến chống Mỹ. DS.
Trương Xuân Nam được giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục quản lý Dược thuộc Bộ Y
tế - Xã hội - Thương binh Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tại
chiến khu Tây Ninh, nơi có trụ sở của Ban Dân y miền Nam, các bệnh viện
và trường học. DS Trương Xuân Nam có dịp gặp con gái thứ của ông là
Trương Xuân Liễu, tốt nghiệp bác sĩ cuối năm 1971, được ba má ủng hộ, đã
tình nguyện vào Nam, đi phục vụ chiến trường trước ông 11 tháng. Một
đêm cuối năm 1973, khoảng 23 giờ khuya, trên đường đi công tác, khi băng
qua con lộ ở Lò Gò, Tân Biên, Tây Ninh, BS. Liễu gặp một đoàn xe ôtô
chở cán bộ Mặt trận đi công tác vừa đến, nghe rõ có một giọng nói quen
quen từ trong một xe, chị đến gần nhìn vào, rất bất ngờ và may mắn gặp
được cha mình, DS. Trương Xuân Nam. Các chú, các anh trong đoàn chia sẻ
với niềm vui lớn về cuộc gặp của hai cha con tại chiến trường.
Năm 1973, tại khu giải phóng, Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam
Việt Nam chính thức ra đời, DS. Trương Xuân Nam đảm nhiệm chức vụ Tổng
Thư ký Hội. Sau ngày chiến thắng, ông đã tiếp quản kịp thời và trọn vẹn
tổ chức Hồng thập tự Sài Gòn. Tham dự các cuộc họp Chữ thập đỏ quốc tế
hay quốc gia, trong các cuộc tiếp xúc với các đoàn khách nước ngoài, ông
đã tích cực đàm phán, tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ có hiệu quả về
vật chất cũng như nâng cao vị thế của tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông
đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động Chữ thập đỏ rất có hiệu quả; như tiếp
nhận tốt viện trợ nhân đạo khẩn cấp, phòng chống các dịch bệnh và trợ
giúp các gia đình có đời sống quá khó khăn tại một số vùng, đã xây dựng
một số bệnh viện cấp huyện góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc
biệt, ông rất nhiệt tình triển khai mạng lưới tìm kiếm và thông báo tin
tức những người bị thất tán, xa cách gia đình, đã bất hạnh vì bị mất
liên lạc với thân nhân của mình ở trong và ngoài nước, góp phần hàn gắn,
đoàn tụ, sum họp cho hàng vạn gia đình. Năm 1979, được nghỉ hưu nhưng
ông vẫn tiếp tục hoạt động với sự tự nguyện và hăng say cho phong trào
Chữ thập đỏ với các hoạt động đối ngoại rất có hiệu quả. Trong quan hệ
hợp tác quốc tế, DS. Trương Xuân Nam còn đóng góp nhiều ý kiến có sức
thuyết phục xây dựng phong trào Chữ thập đỏ các nước XHCN và phong trào
Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Tên tuổi Trương Xuân Nam được
đông đảo các Hội Chữ thập đỏ các nước đề cao và tôn vinh là người hoạt
động xuất sắc...
Người đầu tiên viết lịch sử ngành dược Việt Nam
Sau hơn 25 năm phụ trách giảng dạy “Lịch sử ngành dược thế giới và
Việt Nam” tại Trường đại học Dược Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ông nhận
thấy các dược sĩ, các sinh viên dược, các cán bộ trong ngành cần biết
đầy đủ hơn về lịch sử ngành dược để thêm gắn bó và yêu nghề hơn. Ông đã
tham khảo hơn 70 tài liệu trong nước và nước ngoài, các ý kiến của các
dược sĩ lão thành từng đảm đương các chức vụ quan trọng trong ngành để
hoàn thành cuốn sách.
Cuốn sách Góp phần xây dựng lịch sử ngành Dược Việt Nam dày
356 trang, được in 3.080 cuốn do Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 1985
là công trình rất có giá trị của DS. Trương Xuân Nam, người thầy đầu
tiên, người mở đường viết nên lịch sử ngành dược Việt Nam. Cuốn sách đã
nói lên những hoạt động độc đáo và sinh động của ngành dược Việt Nam
trong quá trình hình thành và phát triển. Công lao của ông rất lớn. Mọi
người đều đánh giá cao sự thiện chí, lòng quyết tâm và sự nỗ lực của
ông. Ông kỳ vọng sẽ có cơ quan, có người tiếp tục công việc của mình,
nhưng 28 năm qua, vẫn chưa có một cuốn lịch sử ngành dược hoàn chỉnh
hơn.
Trong những năm cuối đời, DS. Trương Xuân Nam với khả năng uyên bác tiếng Pháp đã dịch cuốn sách Un souvenir de Solférino - Một ký ức Solférino để
phục vụ hội viên Chữ thập đỏ Việt Nam đang tham gia tích cực xây dựng
phong trào với mục đích “nhân đạo, hòa bình và hữu nghị”. Sách Một ký ức Solférino
do DS. Trương Xuân Nam dịch dày 116 trang đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh
Quảng Nam Đà Nẵng, quê hương ông in và phát hành 2.000 cuốn năm 1991.
DS. Trương Xuân Nam là một trí thức tiêu biểu của ngành dược, luôn
mẫu mực, tận tụy trong công tác, hết mực say sưa trong giảng dạy, năng
động trong công việc, chân tình trong cuộc sống. Ông là người chủ gia
đình gương mẫu. Vợ ông, bà Lý Thị Tuyết cũng là cán bộ ngành dược. Ông
bà sinh được 5 con gái đều thành đạt và thành công trong công tác, con
gái đầu, chị Trương Thị Xuân Lý là kỹ sư cơ khí; chị Xuân Dung là tiến
sĩ sinh học; chị Xuân Liễu là bác sĩ, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí
Minh; chị Xuân Lan - kỹ sư, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cao su y
tế và cô út Trương Thị Xuân Liên là PGS.TS, nguyên Phó viện trưởng Viện
Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
DS. Trương Xuân Nam, người trí thức đã đi theo Đảng đến cùng và trọn
vẹn, đã cống hiến hết sức lực và tâm trí cho ngành dược, cho các hoạt
động của Hội Chữ thập đỏ đã từ trần ngày 22/6/1989. Tang lễ tiễn đưa
ông đã tổ chức trọng thể tại TP. Hồ Chí Minh.
(Theo suckhoedoisong.vn)