Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 19/11/2013 09:45
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Tưởng nhớ nhà văn - giáo sư Trương Tửu - Lớp lớp học trò tự hào có thầy
"Thầy của chúng tôi, giáo sư - nhà văn Trương Tửu, đã đi qua cuộc đời này 87 năm với bao nhiêu vinh quang rạng rỡ nhưng cũng không ít nhọc nhằn, vất vả. Ngày thầy về cõi thiên thu, trước đài hoàn vũ, tôi đã kính cẩn thưa: "Thầy ơi! Chuyện đời là thế. Cái gì đáng qua đi sẽ qua đi. Cái gì đáng còn lại sẽ còn lại. Những vinh quang của thầy sẽ còn lại" - Giáo sư Nguyễn Đình Chú tự hào nói về người thầy của mình, nhà văn - giáo sư Trương Tửu, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông diễn ra hôm qua 18-11.


GS Trương Tửu (trái) và GS Hoàng Như Mai năm 1999

Vốn là một học trò của GS Trương Tửu cách đây đúng 60 năm, GS Nguyễn Đình Chú xin "thay mặt các môn sinh, môn đệ của giáo sư, hoan nghênh lễ kỷ niệm và chân thành cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đứng đầu là nhà thơ Hữu Thỉnh đã đưa lại niềm vui cho hương hồn người thầy đại tôn, đại kính của chúng tôi ở thế giới bên kia và cũng là cho gia đình, con cháu của thầy ở thế giới bên này, kể cả chúng tôi là những môn đệ của thầy”.

Đúng như GS Nguyễn Đình Chú nói, nhà văn - GS Trương Tửu đã đi qua cuộc đời rạng rỡ nhưng không thiếu nhọc nhằn, vất vả. Là một nhà văn dọc ngang trên văn đàn để lại một văn nghiệp không dễ có với nhiều thể loại, một giáo sư sáng danh trên giảng đường đại học, GS Trương Tửu còn được ghi nhận là người đặt nền móng cho khoa học nghiên cứu văn học… "Lớp lớp học trò tự hào có thầy với "Kinh thi Việt Nam”, 3 công trình nghiên cứu về Truyện Kiều và rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng khác”.

Sương đầu ngõ đã tan. Mây giữa trời đã vén. Đây là dịp quý để các GS, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật và những người yêu mến Trương Tửu ôn lại kỷ niệm, nhìn lại và trân quý những giá trị được lưu giữ, phát triển qua các tác phẩm, tư tưởng cũng như con người nhà văn - GS Trương Tửu. 

Nhà văn - GS Trương Tửu sinh ngày 18-10-1913, mất ngày 16-12-1999, tại Hà Nội. Ông từng làm Giám đốc Văn chương - tương đương Tổng biên tập Nhà xuất bản Hà Thuyên; Ủy viên Hội Văn hóa VN; dạy trường ĐH Sư phạm, ĐH Văn khoa; được phong chức danh GS cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường… Ngoài Trương Tửu, ông còn có các bút danh Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên, TT.... 

Chia sẻ kỷ niệm về người cha thân yêu, Trưởng nam của nhà văn - GS Trương Tửu, ông Trương Quốc Tùng cho hay: "Cha tôi ra đi thật thanh thản và có vẻ như người đã biết trước... Đến phút cuối cùng người vẫn đầy nghị lực và yêu đời. Những năm cuối đời, khi nghiên cứu triết học phương Đông, cha tôi thường khuyên mọi người trong nhà và những người thân quen: "Muốn có hạnh phúc 1. Phải khoẻ mạnh, 2. Phải sống lâu mà không già; 3. Phải có một nghề tinh thông để tự lập về kinh tế; 4. Phải có một vũ trụ quan, nhân sinh quan đúng làm kim chỉ nam cho toàn bộ cuộc sống của mình; 5. Phải ý thức được và điều khiển được mọi ý thức, cảm giác, tình cảm, hành vi trong suốt cuộc đời mình; 6. Phải có một phương châm xử thế tạo ra được sự hoà nhập cá nhân với mọi người, với cộng đồng và 7. Phải xây dựng được một gia đình hoà nhập, đầm ấm tình người”.

Với GS Phong Lê, Trương Tửu là một chân dung đa diện. Ông vừa là nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà hoạt động văn hóa, vừa là nhà cải cách văn hóa, một giáo sư đại học danh tiếng. "Ấn tượng về những gì đã được đọc là rất sâu. Đọc những gì ông viết và những gì người khác viết về ông. Rồi nhớ mãi. Bởi cách viết và phương pháp viết của ông, gồm cách nghĩ, cách lập luận, cách kết luận trong từng công trình; và cách điều chỉnh, bổ sung hoặc tước bỏ trong cả hệ thống công trình, để cuối cùng vẫn là trung thành, nhất quán với bản thân trên 25 năm sự nghiệp viết của mình” - GS Phong Lê nhận định về các tác phẩm của GS Trương Tửu.  

Còn với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trương Tửu là một trong những giáo sư đầu tiên của Việt Nam, là người yêu nước sâu sắc. Rất nhiều giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn hiện nay là học trò của ông.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh GS - nhà văn Trương Tửu, Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây và NXB Văn học vừa cho ra mắt công chúng tập 3 trong bộ tuyển tập Trương Tửu. Bộ sách gồm: Tập 1 - "Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình” xuất bản năm 2007, Tập 2 "Trương Tửu - Tuyển tập văn xuôi” năm 2009, và tập 3: "Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa”.



(Theo baomoi.com)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)