Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 11/11/2019 08:32
Góc nhìn sử Việt từ các tác giả

 Dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cuốn sách chuyên khảo Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng ngoài thế kỷ XVII đã được đón nhận nồng nhiệt, thu hút được sự quan tâm không chỉ từ giới nghiên cứu trong và ngoài nước mà còn các độc giả Việt ưa thích “ôn cố tri tân”. Cũng từ sự thành công của ấn phẩm này, gần đây ngày càng nhiều các đầu sách viết về Việt Nam của các tác giả nước ngoài được dịch và giới thiệu tới bạn đọc Việt.

Cuốn sách Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng ngoài thế kỷ XVII mang đến những thông tin và tư liệu quý giá, góp phần làm sáng tỏ nhiều chi tiết còn thiết sót hay mơ hồ trong lịch sử.

Lịch sử của nước Việt trải dài qua nhiều chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước. Xuất phát từ ý đồ muốn thôn tính và dễ bề cai trị, chính những quốc gia đi xâm chiếm này lại có “những ghi chép tỉ mỉ về vùng đất mà họ hằng ao ước nhưng không bao giờ chiếm đoạt được”, cùng với đó là nghiên cứu của các thương nhân ở nhiều nước về phong tục tập quán, thiết chế, chữ viết, hệ thống đo lường của người Việt nhằm phục vụ tốt hơn cho việc giao dịch, buôn bán. Những ghi chép này giờ đây đã trở thành một nguồn tài liệu tham khảo, đem đến những góc nhìn khác về đời sống kinh tế văn hóa xã hội của nước Việt một thời.

Hai cuốn sách Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng ngoài và Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Kẻ Chợ - Đàng ngoài của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn mới xuất bản gần đây là một trong những nguồn tư liệu quý bổ sung thêm cho bức tranh về tình hình kinh tế, xã hội, ngoại thương, về tầng lớp vua chúa, quan lại ở Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này qua cách ứng xử, giao dịch với người ngoại quốc. Gần 10.000 trang tư liệu về Thăng Long thế kỷ XVII là những báo cáo thương mại hoặc thư từ trao đổi tình hình buôn bán của các thương điếm Anh và Hà Lan đặt tại các nước Nhật Bản, Ấn Độ và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) được ghi chép kỹ càng đã “mở” ra những hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tình hình kinh tế thương mại, đời sống xã hội diễn ra hằng ngày của Thăng Long - địa bàn cư trú và buôn bán chính của họ - với nhiều chi tiết cụ thể và sinh động. Theo PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, hai cuốn tư liệu này “hé lộ một số những câu chuyện thâm cung bí sử, nội tình chính quyền Thăng Long, bổ khuyết cho các bộ chính sử Việt Nam” bởi có những sự kiện xảy ra ở kinh thành Thăng Long thời kỳ này đã được ghi chép khá kỹ lại chưa hề xuất hiện trong các bộ chính sử nước Việt.

Cũng ghi chép chi tiết về các thiết chế, tập tục, ngôn ngữ... của người An Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX, cuốn Bắc Kỳ tạp lục của tác giả Henri - Emmanuel Souvignet như một cuốn cẩm nang bao trùm những vấn đề quan trọng nhất của đời sống người dân địa phương. Vốn được phân công làm việc tại giáo phận Hà Nội, Henri - Emmanuel Souvignet toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ truyền giáo, chính bởi thế ông tìm mọi cách để có thể gần gũi, gắn bó với người dân nơi đây, đồng thời ông còn muốn lan tỏa tình cảm thân thiết ấy đến những người Pháp khác bằng cách giúp họ nắm bắt và thích nghi với các tập tục và thiết chế của người An Nam.

Bắc Kỳ tạp lục được ông viết dưới những nghiên cứu tỉ mỉ về ngôn ngữ, chữ viết, văn học, giáo dục, những tóm tắt lịch sử An Nam, đơn vị hành chính, tín ngưỡng, tôn giáo, luật pháp. Ông còn có những giới thiệu thú vị về hệ thống đo lường chính thức ở An Nam, danh mục những cây thuốc chính trong dược điển Trung Hoa và dược điển An Nam cùng những loài thực vật phổ biến nhất trong rừng và ở đồng bằng; tương tự là danh mục chim muông, động vật bốn chân, cá, bò sát, côn trùng hay khoáng chất, kim loại của người An Nam - dân tộc mà tác giả cho rằng là “những người đặc biệt ưa thực hành, họ chỉ đặt tên riêng cho những thứ có một công dụng gì đó cụ thể đối với họ, còn lại đều được họ gọi bằng những cái tên chung chung không rõ ràng”. Vì lẽ đó, những danh mục được thiết lập trong cuốn sách, theo tác giả, là không tránh khỏi bị hạn chế, thậm chí còn thiếu nhiều cái tên.

Sự hạn chế của những cuốn sách đến từ các tác giả người Pháp đương thời còn nằm ở tâm lý cai trị, cho rằng dân tộc mình đang khai hóa văn minh cho dân tộc khác, bởi thế có nhiều nhận xét thiên lệch, nhiều điểm nhìn thiếu chính xác, thậm chí nhiều chê bai “gây sốc” đối với nước thuộc địa. Song, nếu đặt sang một bên những hạn chế này, nhìn các tác phẩm ở một tâm thế với độ lùi thời gian trên dưới 100 năm có thể nhận thấy đây là những nguồn tư liệu quý cho giới nghiên cứu và những độc giả mong muốn tìm hiểu về người Việt, nước Việt một thời. Chính Paul Giran, tác giả của cuốn Tâm lý dân tộc An Nam,

trong cuốn sách của mình cũng giải thích lý do ông nghiên cứu và viết sách chính là “để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu; và biết rõ về nó, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ”. Paul Giran đã thâm nhập và sinh sống để học ngôn ngữ và hiểu người bản xứ, từ đó khắc họa nên đặc điểm quốc gia, tính cách dân tộc, tiến trình lịch sử, tri thức, văn hóa, xã hội và chính trị An Nam. Cuốn sách này tại Việt Nam hiện có 2 bản dịch, đó là Tâm lý người An Nam của Nhã Nam và Tâm lý dân tộc An Nam thuộc Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt của Omega Plus.

Kiến trúc sư người Pháp Emmanuel Cerise, đại diện vùng Ile de France tại Hà Nội đồng Giám đốc IMV (dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội - Ile de France) cho rằng, không phải đến đầu thế kỷ XX người nước ngoài mới viết về Việt Nam mà trước đó đã có những ghi chép của các nhà thám hiểm, lữ hành, giáo sĩ, nhà buôn về vùng đất phương Đông. Số lượng sách người nước ngoài, đặc biệt là người Pháp, viết về Việt Nam khá nhiều và phong phú. Có thể là những chia sẻ kinh nghiệm về địa lý, thiên nhiên, phong tục tập quán, con người bản xứ, là nhật ký, hồi ký ghi lại thời gian đã sống và làm việc, là những ghi chép tản mạn của các nhà báo, hay cao hơn là những công trình của các nhà nghiên cứu, chưa kể còn có tác phẩm đã trở nên nổi tiếng như tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras.

Trong số này nhiều cuốn sách đã dần được giới thiệu với bạn đọc Việt như Hội kín xứ An Nam, Việt Nam qua tuần san Indochine, Xứ Đông Dương, Nam Kỳ viễn chinh ký 1861, Nghệ thuật xứ An Nam, Mô tả vương quốc Đàng ngoài, Xứ Đàng trong, Đời Tổng giám mục Puginier... Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, “chúng ta có thể đọc những công trình này như những tư liệu, hồi cố lại những gì đã qua, những gì còn lưu giữ tới hôm nay, để biết về góc nhìn của người nước ngoài về chúng ta”.

Lịch sử Việt Nam dường như vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần khám phá. Không chỉ ở các trang viết xưa mà ngày nay vẫn tiếp tục có những học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm tìm hiểu về Việt Nam mà Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn của Giáo sư Sử học người Mỹ George Dutton là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu. Cuốn sách đã mang đến những thông tin và tư liệu quý giá, góp phần làm sáng tỏ nhiều chi tiết còn thiết sót hay mơ hồ trong lịch sử.

Theo hanoimoi.com.vn

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)