Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 25/11/2019 10:14
Giáo dục trẻ mầm non: Lúng túng "nút mở" giữa gia đình và nhà trường

 Bất kỳ bậc cha mẹ nào có con học mầm non khi được hỏi đều khẳng định rằng họ tin tưởng và thực hiện tốt sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, sự phối hợp ấy đôi khi chỉ dừng lại ở các chương trình giáo dục đơn thuần thay vì có sự chủ động đến từ hai phía. Thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều bất cập trong quá trình phối hợp từ hai phía, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai để đạt hiệu quả tối đa trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở lứa tuổi này.


 

Giáo dục trẻ mầm non: Lúng túng

Giờ học âm nhạc của học sinh Trường mầm non Thanh Xuân Bắc (Hà Nội).

Khó khăn đến từ hai phía

Để hình thành nhân cách của trẻ ở giai đoạn mầm non từ 0 – 5 tuổi, bên cạnh sự sát sao của cha mẹ, chắc chắn còn có vai trò không nhỏ của nhà trường, đặc biệt khi trẻ đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo. Theo báo cáo kết quả khảo sát thực trạng các điều kiện hỗ trợ cha mẹ chăm sóc giáo dục trẻ có chất lượng và bảo đảm quyền trẻ em của Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), 100% cha mẹ có con học tại trường mầm non đều tin tưởng và thực hiện tốt các nội dung phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa hai bên, chủ yếu dựa trên các nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục mầm non. Phần lớn mối liên hệ giữa cha mẹ và thầy cô về trẻ đơn thuần chỉ là các nội dung đưa ra trong chương trình giảng dạy thay vì mở rộng các vấn đề về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ thường nhật và sát sao với tình hình của trẻ.

Đơn cử như vấn đề dinh dưỡng cho trẻ, đây là vấn đề khó khăn của không ít cha mẹ, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi. Dù rất quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của con, song thực hành dinh dưỡng như thế nào thì cha mẹ ở khu vực này hầu như không biết do còn bận công việc nương rẫy đi làm xa, kinh tế gặp khó khăn, không có cơ hội tiếp cận thông tin, thậm chí trình độ hạn chế không biết đọc. Bên cạnh rào cản về tương tác, một số giáo viên cũng thừa nhận họ chưa được hoàn thiện kiến thức trong chăm sóc và giáo dục trẻ, để có thể hỗ trợ cha mẹ. Một trong những kiến thức thiếu hụt là quyền trẻ em. Theo báo cáo khảo sát của Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT, không ít giáo viên mầm non tuổi đời còn trẻ, mới vào nghề thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm nên khó có thể hỗ trợ cha mẹ trong việc tuyên truyền hay hướng dẫn cha mẹ. Họ cho rằng, sự phối hợp với cha mẹ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cha mẹ là công nhân các khu công nghiệp có trình độ nhận thức hạn chế. Thậm chí, vì thiếu hiểu biết về quyền trẻ em cho nên vẫn xảy ra tình trạng cha mẹ đánh con ngay trước mặt giáo viên và các bạn. Phó Chủ tịch UND phường Châu Sơn (TP Phủ Lý, Hà Nam) Phạm Thị Tuyết chia sẻ: Việc tổ chức, tuyên truyền hướng dẫn về quyền trẻ cho cả phụ huynh và giáo viên còn ít và không sâu, chủ yếu thực hiện theo kiểu kết hợp, hình thức cho nên không hiệu quả. Bản thân trong gia đình vẫn chưa có sự thống nhất cách hiểu về quyền trẻ em giữa cha mẹ và ông bà.

Những thách thức

Để việc chăm sóc giáo dục trẻ mầm non được phát huy tốt nhất dựa trên sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, nhiều giáo viên và phụ huynh đã đưa ra một số đề xuất. Một trong những nhu cầu lớn đến từ hai phía chính là muốn được chia sẻ và học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm về quyền trẻ em. Một số giáo viên đề nghị nên có những buổi giao lưu tập huấn vào thời điểm đầu năm học về các vấn đề như quyền và nghĩa vụ của trẻ em với cha mẹ, hay hướng dẫn cha mẹ và giáo viên cách dạy trẻ phòng tránh để trẻ không bị xâm hại, hướng dẫn cách tương tác giữa giáo viên với cha mẹ như thế nào cho hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên có nguyện vọng nhà trường nên tổ chức nhiều hơn những buổi dã ngoại ngoài giờ hành chính để nhiều cha mẹ cùng tham gia, vừa tăng sự tương tác giữa hai phía, vừa giúp hai bên hiểu về nhau nhiều hơn để có sự hỗ trợ nhau tốt hơn khi chăm sóc, giáo dục trẻ. Họ còn mong muốn việc tổ chức sinh hoạt chuyen đề nên mở rộng các vấn đề liên quan đến chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, thay vì chỉ tập trung vào các nội dung chuyên môn nghiệp vụ chăm sóc trẻ tại trường. Theo đó, nhà trường cần thiết kế các hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về việc hỗ trợ cha mẹ chăm sóc con tại nhà, hoặc những chuyên đề mang tính tuyên truyền về hình thành kỹ năng cho trẻ, các vấn đề về quyền trẻ em…

Về các đề xuất trên, Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT Nguyễn Bá Minh cho biết: Bộ GD - ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo hoạt động tại các cơ sở giáo dục mầm non về chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo đó, sẽ tăng cường tổ chức cho cha mẹ giao lưu chia sẻ với những chuyên gia đầu ngành về tâm lý trẻ, hoặc quyền trẻ em để cha mẹ thấy được tầm quan trọng của gia đình trong việc phối hợp với nhà trường về chăm sóc, giáo dục trẻ. Các giáo viên cũng phải có trách nhiệm cân đối, tạo cơ hội cho tất cả trẻ luân phiên được có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, tạo bình đẳng cho trẻ. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục cần có sự tham gia của cha mẹ để tăng tính gắn kết, hợp tác với cha mẹ trong hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tại trường. Đối với các sở GD - ĐT, cần nghiên cứu, lập kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán về nội dung, phương pháp hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc giáo dục trẻ có chất lượng tốt nhất.

Theo https://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/42320402-giao-duc-tre-mam-non-lung-tung-nut-mo-giua-gia-dinh-va-nha-truong.html

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)