Đồng thời, mở rộng thành phần miễn giảm 100% học phí với học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, khó khăn. Điều này không chỉ mang đến sự phấn khởi, vui mừng cho phụ huynh, nhà trường, còn thể hiện tính nhân văn trong ban hành chính sách và một lần nữa khẳng định quan điểm của TP Hà Nội luôn ưu tiên cho giáo dục.
Học phí luôn là một vấn đề được dư luận quan tâm, và luôn được TP tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra những quyết định phù hợp thực tiễn. Trước đó, trong năm học 2021 - 2022, TP Hà Nội cũng không tăng học phí và để cùng chia sẻ với người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ 50% mức học phí (theo mức học phí quy định với hệ thống trường công lập) cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, với số tiền gần 893 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là một quyết định rất kịp thời ở giai đoạn đó, mang lại sự phấn khởi lớn cho phụ huynh học sinh và các trường.
Năm nay, nếu theo lộ trình thông thường, việc tăng học phí trong năm học 2022 - 2023 là yêu cầu phải thực hiện theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ để từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Bởi hiện Hà Nội cũng đang quy định mức học phí theo mức thấp nhất của Nghị định số 81 này.
Tuy nhiên, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch, HĐND TP đã tiếp tục thông qua Nghị quyết, tiếp tục thực hiện chính sách học phí năm học 2022 - 2023 như năm học trước (bao gồm cả hỗ trợ 50% học phí) và Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho học sinh ở khu vực miền núi và học sinh thuộc đối tượng được giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81, nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để bảo đảm an sinh xã hội.
Việc ban hành các Nghị quyết này một lần nữa thể hiện chính sách ưu việt và là đặc thù riêng của TP Hà Nội. Như con số được đưa ra, tổng mức ngân sách TP bù vào phần hỗ trợ học phí năm học 2022 -2023 khoảng 1.133 tỷ đồng.
Cùng với đó, cơ chế miễn học phí cho các đối tượng theo quy định cũng có kinh phí ngân sách khoảng hơn 17 tỷ đồng. Với những con số này, nếu chia trên đầu học sinh, có thể tuy không lớn, nhưng thực sự sẽ làm giảm bớt một phần gánh nặng đối với người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong thời điểm giá cả leo thang đang tác động rất lớn đến đời sống.
Cùng với chính sách này, tại Kỳ họp lần này, HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập. Với các mức hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/người càng thể hiện sự quan tâm của TP Hà Nội đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế; kịp thời chia sẻ khó khăn đối với người dân.
Rõ ràng, những chính sách ấy sẽ có tác dụng tích cực trực tiếp đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, nhận được sự đồng tình cao của cả các đại biểu và cử tri.
Để chính sách thực sự phát huy hiệu quả thực tiễn, điều không thể thiếu là sự tổ chức thực hiện bài bản, minh bạch từ chính các ngành liên quan; sự vào cuộc của chính các đại biểu trong giám sát, thúc đẩy, để chính sách nhân văn đi vào cuộc sống chính là đúng đối tượng thụ hưởng.
(Theo Hà Bình/kinhtedothi.vn)
https://kinhtedothi.vn/mot-chinh-sach-nhan-van.html