Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 27/09/2022 08:40
Xử nghiêm người đi bộ “phớt lờ” cầu bộ hành

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, toàn thành phố hiện có 70 cầu bộ hành, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện, giúp người đi bộ thêm thuận lợi, an toàn khi sang đường. Tuy nhiên, do muốn rút ngắn thời gian đi lại, nhiều người dân đã bất chấp sự an toàn của chính mình và những người tham gia giao thông khác để băng qua đường thay vì sử dụng cầu bộ hành. Nhằm hạn chế vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông, các lực lượng chức năng cần thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm những người “phớt lờ” cầu bộ hành.

 

Người dân băng qua đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thay vì sử dụng cầu bộ hành.

Bất chấp nguy hiểm

Thời gian gần đây, nhiều người dân đã tạo được thói quen đi sang đường thông qua cầu đi bộ trên cao. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, băng qua làn xe cộ đông đúc để sang đường. Điển hình nhất là tại 2 cầu bộ hành trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy): Gần nút giao Mai Dịch - Phạm Hùng và trước cổng Trường Đại học Quốc gia.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới trong chiều 23-9 khu vực trước cổng Trường Đại học Quốc gia, mặc dù giờ tan tầm chiều rất đông đúc xe cộ qua lại nhưng nhiều sinh viên, học sinh ngại đi bộ lên cầu vượt để sang đường nên băng qua đường. Đáng nói, nhiều người cao tuổi cũng ngại đi lên cầu, băng qua đường, thậm chí trèo qua cả dải phân cách để rút ngắn thời gian đi lại. Em Nguyễn Thanh Mai, sinh viên Trường Đại học Quốc gia cho biết: "Nhiều khi vội có việc nên em đi bộ qua đường dù biết là sai quy định. Sau một lần suýt bị xe máy đâm do chạy qua đường nên em đang tập thói quen đi bộ qua cầu bộ hành".

Tương tự, tại 2 cầu đi bộ gần nhau tại nút giao thông Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), nhiều người dân ở các lứa tuổi đều đi bộ băng qua làn đường có các phương tiện đang di chuyển đông đúc. Đáng nói, nhiều học sinh, sinh viên trèo qua rào chắn hoặc tận dụng những đoạn không có đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ để di chuyển sang bên kia đường, thay vì sử dụng cầu bộ hành.

Tại trục đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), dù 5 cầu vượt trên cao tạo lối đi an toàn cho người đi bộ sang đường song rất nhiều người dân vẫn băng qua làn xe cộ tấp nập để qua đường. Ông Trương Anh Tuấn, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho biết, nhiều lần khi ông đang đi xe máy trên đường Nguyễn Trãi thì bất chợt có người chạy băng qua đường, rất nguy hiểm.

Tại một số cầu vượt đi bộ trước cổng Bệnh viện K Tân Triều (huyện Thanh Trì); cầu vượt Xã Đàn, gần ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch; cầu bắc qua đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai... sự chủ quan, bất chấp hiểm nguy, xem thường tính mạng… chính mình của nhiều người đi bộ cũng thường xuyên xảy ra. Nhiều người cũng thản nhiên băng qua làn đường BRT gần nút giao Láng Hạ - Giảng Võ dù cầu vượt bộ hành ở ngay bên cạnh.

Người dân sử dụng cầu bộ hành tại đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Việt Linh

Tăng cường tuần tra, xử lý người vi phạm

Chia sẻ vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, để giảm thiểu thực trạng trên, trước tiên cần phải có những phương án tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.

Trong khi đó, là đơn vị trực tiếp giải quyết, phân luồng giao thông trên nhiều tuyến phố, Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thường xuyên phải xử lý các trường hợp người dân đi bộ dưới lòng đường hay sang đường không đúng nơi có vạch kẻ dành cho người đi bộ.

Thiếu tá Chử Anh Sơn, Đội Cảnh sát giao thông số 4 cho biết, khi phát hiện vi phạm, lực lượng tuần tra của đơn vị chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi đúng phần đường, không gây trở ngại cho người khác tham gia giao thông. Đối với đối tượng học sinh, sinh viên, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội mới đây đã đồng loạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông dịp đầu năm học mới. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ giúp các học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về những quy tắc ứng xử thông qua các bài giảng trực quan, sinh động, từ đó giúp các em có thể bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, phần lớn các vị trí cầu đi bộ đều là địa điểm tập trung đông dân cư, bến xe, gần các trường học, bệnh viện. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại tình trạng nhiều người tự ý băng qua đường, không sử dụng cầu bộ hành, ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Ông Trần Hữu Bảo cho biết, Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm.

Trước thực trạng kể trên, ngoài ý thức chấp hành của chính người đi bộ, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

(Theo hanoimoi.com.vn)

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1043088/xu-nghiem-nguoi-di-bo-phot-lo-cau-bo-hanh

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)