Nhưng ở Hà Nội có một giống xoài, quả nhỏ, khi chín có màu vàng, thịt mọng nước, có mùi đặc trưng nên dân gian gọi là xoài hôi, tên thông dụng gọi là muỗm. Cây muỗm có tán rộng, rễ chùm, kỳ lạ là ít đổ dù bão lớn. Một cây muỗm lâu năm có thể cao đến 20m. Lá muỗm cũng như lá xoài, đơn nguyên, mọc so le, nhưng nhỏ hơn lá xoài. Tháng 4 âm lịch, muỗm nở hoa màu bạc xỉu. Hoa nhỏ mọc thành chùm kép ở ngọn cành. Con trẻ thường lấy sào bẻ cuống hoa để ăn, cuống có vị vừa chua vừa chát. Quả muỗm bé hơn quả xoài, khi xanh chua gắt. Ở miền Bắc, nếu không có sấu, lá me, người ta sẽ cho quả muỗm xanh vào nước luộc rau muống.
Hiện cây muỗm có trong thành Hà Nội, đền Quán Thánh, đền Voi Phục (ở công viên Thủ Lệ), đền Voi Phục (ở phố Thụy Khuê), chùa Võng Thị, đình Phương Liệt... Cây muỗm ở ven hồ Gươm trên phố Lê Thái Tổ (đối diện với số nhà 38) không phải do chính quyền thành phố trồng. Ở phố Đinh Tiên Hoàng, sát mép hồ gần đền Ngọc Sơn cũng còn một cây muỗm già nua. Cây này xưa nằm trên đất thôn Yên Trường. Năm 1885, chính quyền quy hoạch lại khu vực quanh hồ Gươm, làm đường bao quanh hồ, con đường Lê Thái Tổ và Hàng Trống hiện nay xuyên qua đình Nam Hương của làng Tự Tháp. Sợ dân chúng phản đối, chính quyền xây cơ sở tín ngưỡng mới cho làng Tự Tháp ở vị trí hiện nay (gần cuối phố Hàng Trống) và giữ lại cây muỗm trước cửa đình cũ cùng cây muỗm của thôn Yên Trường.
Trong vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở phố Hoàng Diệu có 4 - 5 cây muỗm. Rải rác các biệt thự trên phố Trần Phú, Lê Hồng Phong, khuôn viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trường THPT Chu Văn An và một số nơi khác cũng có muỗm. Vì muỗm và các cây trong khuôn viên do chủ nhà đất sở hữu quản lý, không thuộc quyền của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội nên không có con số thống kê. Tuy nhiên, trong khu vực nội đô hiện có không quá 100 cây. Những cây muỗm này hầu hết là cổ thụ. Nếu người Pháp trồng trong công sở hay chủ các biệt thự trồng ở khuôn viên thì cây ít tuổi nhất cũng khoảng 1 thế kỷ. Cây muỗm ở phố Lê Thái Tổ chắc chắn cũng trên 140 năm. Nhưng được cho là già nhất phải kể đến 9 cây muỗm ở đền Voi Phục trên phố Thụy Khuê. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) thực hiện khảo sát các cây muỗm bằng phương pháp khoa học để gắn biển cây di sản đã xác định cả 9 cây muỗm này đều khoảng 700 tuổi. Cây nhỏ nhất có chu vi thân là 2,92m, cao 17m, cây to nhất có chu vi thân là 5,20m, cao 29m.
Tại sao người xưa thường trồng muỗm mà ít trồng đa ở các cơ sở tín ngưỡng? Về tâm linh, muỗm không phải là nơi trú ngụ của ma quỷ như cây đa và cây gạo. Về tuổi thọ, muỗm là cây sống lâu. Tán một cây muỗm cổ thụ có thể phủ bóng cả sân đình, đền, chùa. Vì thế, vào mùa hè, khí hậu nóng bức, bóng cây muỗm là chỗ tránh nắng, hóng mát lý tưởng. Về sinh học, muỗm có vị chát, chua nên không có các loại côn trùng ăn vỏ, cành và lá nên không lo mùi khó chịu do côn trùng thải ra. Muỗm trồng ở các cơ sở tín ngưỡng nên trẻ em không dám trèo hái quả vì bị dọa “thánh vật”.
Tuy nhiên, người xưa trồng muỗm còn có lý do khác. Xưa, vua đi xa thường cưỡi voi nên quản tượng dẫn voi vào trong thành đón phải có chỗ buộc. Muỗm rễ cọc, thân to nên buộc voi không sợ bị kéo đổ cây và voi lại không ăn lá muỗm. Cuối đời Trần và đặc biệt là đời Lê, đình làng xuất hiện nhiều, các làng trồng muỗm trước cửa đình, những mong một ngày vua hạ cố đến đình làng mình đã có cây muỗm để buộc voi. Song người làng còn ước muốn khác, khi cột vào thân muỗm, nếu voi đại tiện sẽ là may mắn. Ông từ trông đình sẽ hót đống phân đó mang về phơi khô, sau đó cho vào chỗ ẩm. Từ đống phân đó sẽ mọc ra những cây nấm gọi là “nấm cỏ rầy”. Vì voi ăn lá ăn cành cây nên nấm cỏ rầy được cho là sạch và rất ngon, giá rất đắt nên chỉ người giàu mới mua được. Nấm này cũng rất hiếm vì số voi trong thành không nhiều. Nấm được ông từ hái phơi khô, đến khi làng có việc sẽ lấy nấm nấu canh. Canh nấm chỉ dành cho các vị chức sắc và người cao tuổi trong làng thưởng thức.
Cây muỗm dù tán rộng, chịu được bão nhưng đầu thế kỷ XX, chính quyền không trồng trên phố vì lá muỗm tối màu. Người Pháp thấy cây muỗm có nhiều ưu điểm, lại được trồng ở các cơ sở tín ngưỡng nên khi xây dựng công sở, nhà tư, họ bắt chước trồng trong vườn.
(Theo Nguyễn Ngọc Tiến/hanoimoi.vn)
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.vn/cay-muom-trong-pho-635037.html