Đảng chịu trách nhiệm trước dân về quyết định của mình
 |
Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình - ảnh minh họa |
Phát biểu tại Nghị trường sáng nay (4/6), đại biểu Tô Văn Tám nhận xét, qua quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với hơn 26 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum cũng đã góp ý hàng ngàn ý kiến cho Hiến pháp. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực các ý kiến của nhân dân. Đồng thời Ủy ban Dự thảo cũng đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Hiến pháp. Các giải trình của Ủy ban Dự thảo là nghiêm túc, khách quan và có cơ sở.
Góp ý cho Dự thảo, đại biểu Tô Văn Tám tán thành ghi nhận và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp.
“Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội là yêu cầu khách quan và cũng là sự lựa chọn của lịch sử của dân tộc. Điều đó được chứng minh trong lịch sử cách mạng Việt Nam”.
Đại biểu tỉnh Kon Tum cũng cho rằng,, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nhà nước phải đảm bảo 3 yêu cầu: Thứ nhất, hiến định bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng. Thứ hai, quy định trách nhiệm của Đảng. Thứ ba, giới hạn về tổ chức hoạt động của Đảng, đó là trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Khẳng định Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp đã thỏa mãn cả 3 yêu cầu trên, đại biểu Tô Văn Tám phân tích: “Ở Khoản 1, việc hiến định bản chất của Đảng là cần thiết. Tôi nhận thức rằng có 2 yếu tố quan trọng để thể hiện bản chất của một đảng. Đó là: Đảng trung thành với ai?, Đại diện cho lợi ích của ai? Và đứng trên hệ tư tưởng nào? Đảng ta luôn trung thành với lợi ích của giai cấp với nhân dân và dân tộc. Về lợi ích thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc thì Đảng không còn một lợi ích nào khác".
Bởi vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Khoản 1 Điều 4 nên quy định: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội".
Theo ông, quy định như vậy vừa thể hiện được bản chất của Đảng, hệ tư tưởng của Đảng, khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa không trùng lặp với các từ như giai cấp, nhân dân, dân tộc ở câu trước và điều luật cũng sẽ được gọn hơn.
Đối với Khoản 2, đại biểu Tô Văn Tám dẫn chứng: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Đảng là người lãnh đạo và là người đầy tớ của nhân dân", có nghĩa là, với tính cách là một lực lượng lãnh đạo, Đảng ra các nghị quyết, cương lĩnh, quyết định đường lối, chiến lược, sách lược. Với tính cách là người đầy tớ, Đảng phải tận tụy phục vụ nhân dân, nhân dân giám sát, nhân dân chỉ bảo, tức là Đảng phải tôn trọng dân, lắng nghe dân, tin dân, để tiếp thu ý kiến của dân, để bổ sung hoặc xây dựng đường lối nghị quyết của mình.
Dẫn chứng một câu nói khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sửa đổi lề lối làm việc, đó là: "Tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không phù hợp thì để cho họ đề nghị sửa chữa, dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta", đại biểu Tô Văn Tám cũng nhận xét, trên thực tế, trong tiến trình lãnh đạo, Đảng luôn lắng nghe và tôn trọng nhân dân.
Bởi vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung và Khoản 2, Điều 4 trách nhiệm, bổn phận của Đảng là lắng nghe ý kiến của nhân dân, và viết là: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình".
(Theo vnmedia.vn)