Đã thuận một phương án cho nút giao phức tạp nhất Hà Nội
Ngày 5/6, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các nhà
khoa học về nút giao thông Ô Chợ Dừa để lựa chọn phương án tối ưu giữa
bảo tồn và phát triển.
Nút giao phức tạp nhất Hà Nội
Mở đầu buổi họp Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho
biết, nút giao thông Ô Chợ Dừa là nút giao phức tạp (gồm 7 ngã rẽ),
thường xảy ra ùn tắc giao thông. Hơn nữa, nút giao này có di tích Đàn Xã
Tắc được Thủ tướng chỉ đạo cần được bảo tồn ở mức tốt nhất, nhưng đồng
thời cũng phải phát triển giao thông trong khu vực. “Xây dựng nút giao
thông này là cần thiết để phát triển giao thông đô thị. Chính vì vậy,
thành phố đã xác định nút giao này là dự án trọng điểm cần được xây
dựng”, ông Thảo tiếp tục khẳng định.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tiếp tục khẳng định xây cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa là cần thiết
Theo ông Thảo, các phương án xây dựng nút giao thông khác mức qua ngã
tư Ô Chợ Dừa phải đảm bảo yêu cầu như tiêu chí phù hợp với quy hoạch và
chỉ giới đường đỏ; Bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; Bảo
đảm phát triển giao thông đô thị khu vực; Hạn chế ảnh hưởng đến điều
kiện sống của dân cư trong khu vực và cải thiện không gian kiến trúc,
cảnh quan đô thị.
“Các phương án đề ra đều đảm bảo yêu cầu, không ảnh hưởng đến Đàn Xã
Tắc. Tuy nhiên, thời gian qua thành phố vẫn nhận được nhiều ý kiến khác
nhau của các nhà khoa học. UBND thành phố đã chỉ đạo các bên liên quan
tiếp tục hoàn thiện phương án”, ông Thảo nói.
Đây là phương án nhiều chuyên gia giao thông cho là tối ưu
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng đưa ra nhận
định, nút giao thông Ô Chợ Dừa là một trong những nút giao thông quan
trọng nhất và cũng phức tạp nhất về tổ chức giao thông trên địa bàn
thành phố. “Để giải quyết triệt để về giao thông trong khu vực này, việc
triển khai xây dựng cầu vượt qua nút theo quy hoạch là cần thiết, góp
phần tăng cường năng lực giao thông, giảm các xung đột và giảm thời gian
lưu thông qua nút của các phương tiện”, ông Hùng nói.
Không đụng chạm đến khu lõi Đàn Xã Tắc
Để các nhà khoa học nắm rõ giải pháp giao thông qua nút giao Ô Chợ
Dừa, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) Phạm Hữu
Sơn lần lượt trình bày 6 phương án được cho là tối ưu nhất. Chốt lại
ông Sơn cho rằng phương án 4, cầu vượt chạy dọc theo đường Xã Đàn, lệch
về phía Nam và bổ sung cầu nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên lên là tối
ưu nhất trong việc giải quyết ùn tắc giao thông và bảo vệ di tích Đàn Xã
Tắc.
Các nhà khoa học luôn lo ngại việc xây dựng cầu vượt ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, quan điểm của
bộ này cũng nghiêng về phương án 4. “Khi lập dự án cần nghiên cứu kiến
trúc phù hợp. Đặc biệt khu vực di sản phải tính toán khẩu độ lớn thông
thoáng để có kiến trúc đảm bảo kiến trúc cảnh quan và cả tải trọng”, ông
Thọ lưu ý.
Bà Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
cho biết, nếu giữ quan điểm bảo tồn theo đúng Luật Di sản thì 5 phương
án xây dựng cầu và hầm dọc theo hướng đường Xã Đàn đều không đảm bảo.
Tuy nhiên, nếu xét theo hướng bảo tồn phải phù hợp với phát triển là đảm
bảo giao thông ở khu vực bà Liên cũng nghiêng theo phương án 4 nhưng
phải có đưa ra được kiến trúc hợp lý.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết về cơ
bản cả hai phương án 3 và 4 Hà Nội đưa ra đều không đụng chạm đến khu
lõi Đàn Xã Tắc và không vi phạm Luật Di sản. “Theo tôi phương án 4 là
kết hợp hài hòa giữa phát triển giao thông và bảo vệ di sản. Tuy nhiên,
khi xây dựng móng cầu có thể động vào di tích, do vậy cần phải khai quật
xem xét những hiện vật”, GS Phan Huy Lê nói.
Đây là phương án, nhiều nhà khoa học muốn Hà Nội nghiên cứu kỹ để lựa chọn
Viện trưởng Viện Khảo cổ Tống Trung Tín đem đến cuộc họp rất nhiều
tài liệu, sẵn sàng đối chất với các nhà khoa học để khẳng định khu vực
đã khai quật chính xác là di tích Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, việc Hà Nội
nhấn mạnh việc bảo vệ Đàn Xã Tắc làm cho ông Tín thấy không cần phải
chứng minh thêm nữa.
Xét các phương án Hà Nội đưa ra, ông Tín cũng nhận định phương 4 là
phương án tốt nhất vì nó giữ được vùng lõi của di tích. Điều ông Tín băn
khoăn nhất hiện nay là hòn đá đặt trong đàn quá xấu và nó làm cho nhiều
người khi nhìn vào dễ lầm tưởng là “con chó đá”.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng phương
án 4 là phương án tối ưu nhất. Trước ý kiến của các nhà khoa học, thời
gian tới Hà Nội sẽ tập trung vào hai phương án 3 và 4. “Phương án lựa
chọn sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân 4 phường trong khu vực trước khi
trình lên các bộ và công bố rộng rãi”, ông Thảo nói.
(Theo Dantri.com.vn)