Xin bắt đầu câu chuyện về địa chỉ vô cùng thân thiết của nhiều thế hệ
thiếu nhi Thủ đô bằng một chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ của một cháu
gái 6 tuổi hàng xóm nhà tôi. Sáng thứ bảy 25-5, chị Nguyễn Thu Hương,
nhà ở phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa đưa con đến Cung Thiếu nhi Hà Nội
đăng ký lớp học vẽ. Thủ tục nhập học đã xong, trước khi về cháu ngỏ ý
muốn đi vệ sinh. Về đến nhà, cháu nằng nặc nói không muốn đến Cung học
vẽ nữa. Chị Hương gặng hỏi mãi, cháu mới thỏ thẻ: "Con sợ đi vệ sinh bị
ngã xuống hố lắm, mà chỗ rửa tay lại không có nước, xô đựng nước lại
cao, sàn nhà cũng nhiều nước". Có thể với cháu bé 6 tuổi này, việc phải
sử dụng một nhà vệ sinh xổm với vòi nước bị hỏng là chuyện khó khăn
nhưng đó là hiện trạng chung ở cả 7 khu vệ sinh của Cung Thiếu nhi Hà
Nội.
 |
Trẻ em vui chơi tại Công viên Hồ Tây. |
Nằm ở một vị trí đẹp, gần Hồ Gươm, diện tích lên đến hơn 10.000m2, Cung
Thiếu nhi Hà Nội chính thức đi vào hoạt động từ năm 1977. Trải qua thời
gian dài khai thác, hiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Cung đã xuống cấp
nghiêm trọng. Tất cả các khu vệ sinh đều sử dụng thiết bị cũ kỹ, lạc
hậu, nhiều đồ đạc đã hỏng nhưng chưa được thay thế, sửa chữa. Những cánh
cửa cong vênh, tróc sơn gần hết, khóa hoen gỉ, hệ thống đèn chiếu sáng
cái còn cái mất, trần nhà sụt lở, tường rêu mốc, rất nhiều mảng tường
thấm nước loang lổ… Những trò chơi ngoài trời như ô tô đụng, tàu điện,
đu quay, cầu trượt… đều đã quá cũ hoặc hỏng hóc khiến quang cảnh một địa
điểm văn hóa càng thêm nhếch nhác, tạm bợ… Nhìn những cán bộ trong Cung
ngoài giờ dạy còn tất bật đi quét sơn, dọn bàn ghế, trồng thêm cây xanh
để chuẩn bị đón các lớp học hè mới thấy khả năng "khéo co thì ấm" của
cán bộ, giáo viên Cung Thiếu nhi Hà Nội đáng quý thế nào!
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Dương Việt Hà - Giám đốc Cung
Thiếu nhi Hà Nội cho biết, Cung Thiếu nhi Hà Nội hằng năm thu hút gần
30.000 lượt học sinh đến tham gia học tập, cùng gần 500 cán bộ, giáo
viên, cộng tác viên tham gia giảng dạy trên 50 bộ môn thuộc các lĩnh vực
nghệ thuật, mỹ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ, kỹ thuật công nghiệp
và giáo dục tổng hợp. Đặc biệt trong mỗi dịp hè, nhu cầu vui chơi, học
tập của thiếu nhi tăng đột biến, chúng tôi cố gắng hết sức cũng không
thể tránh được tình trạng quá tải. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn đầu
tư cho trang thiết bị học tập, để vừa bảo đảm hiệu quả cho công tác
giảng dạy vừa phải bảo đảm an toàn cho các em. Về lâu dài Cung Thiếu nhi
Hà Nội cần được quan tâm đồng bộ hơn nữa, cần có dự án nâng cấp tổng
thể chứ không thể sửa chữa chắp vá, manh mún mãi được…
Nhiều nhưng vẫn thiếu
Từ nhiều năm nay, khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây của Công ty CP
Dịch vụ giải trí Hà Nội - HASECO luôn là điểm đến yêu thích của nhiều
người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận vì không gian rộng, cảnh quan đẹp.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sự kiện thuộc
HASECO cho biết, những ngày hè nóng bức này, lượng khách đến Công viên
Hồ Tây tăng đột biến, khoảng 10.000 lượt khách mỗi ngày. Vào những ngày
cao điểm 1-6 hay 2-9, mỗi ngày nơi đây đón đến 20.000 lượt khách - một
con số kỷ lục so với các khu vui chơi khác trên địa bàn Thủ đô. Mở đầu
mùa hè năm nay, công viên đã đầu tư xây dựng, lắp đặt và đưa vào sử dụng
một số công trình mới để phục vụ nhu cầu vui chơi đa dạng của thiếu
nhi. Tuy nhiên, những dịch vụ này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của du
khách.
Ông Nguyễn Lê Ba - một vị khách đến từ quận Hồng Bàng (Hải Phòng) chia
sẻ: "Năm nào cũng thế, cứ nghỉ hè là mấy đứa cháu lại đòi lên Công viên
Hồ Tây. Ba năm liền tôi đưa các cháu đến đây nhưng thấy không có nhiều
đổi khác. Các trò chơi có từ ngày mới hoạt động như bể tạo sóng, máng
trượt, tàu hỏa, tàu siêu tốc, công viên vầng trăng… đến nay đã cũ kỹ,
tàu chạy thì rung ầm ầm, đường ray hoen gỉ. Nhiều khu vực còn thi công
dở dang, khu vực sát bể bơi cho trẻ em từ năm ngoái đến nay vẫn để sắt
thép, xe cải tiến ngổn ngang, che chắn tạm bợ, nhếch nhác, vừa không bảo
đảm an toàn cho trẻ vừa không xứng với không gian văn hóa của một nơi
vui chơi, giải trí bậc nhất Thủ đô".
Tại Vườn thú Hà Nội, lượng khách đến tham quan cũng tăng đột biến vào
những ngày đầu hè. Nhiều năm qua, số lượng động vật tại đây không những
không tăng mà còn giảm đi vì nhiều con thú chết do già yếu, đau ốm.
Những ngày hè nóng nực, điều du khách lo ngại nhất là tình trạng mất vệ
sinh tại các chuồng nuôi nhốt thú. Mùi thức ăn thừa cộng với mùi chất
thải nồng nặc khiến ai cũng phải rảo bước thật nhanh khi qua các chuồng
nuôi khỉ, dê, hươu, nai… Mồ hôi nhễ nhại đứng xếp hàng mua vé cho cậu
con trai 4 tuổi chơi trò tàu hỏa, chị Trần Thị Lan ở xã Phù Linh, huyện
Sóc Sơn than thở: "Khách quá đông mà trò chơi lại quá ít, nắng nôi thế
này phải chầu chực, người lớn còn mệt huống chi trẻ con. Mà không hiểu
sao người ta lại để tồn tại nhiều điểm bán hàng rong thế. Chị xem, người
bán hàng lấn hết cả đường đi, ngồi lên bãi cỏ, vườn hoa, rác thì vứt
khắp nơi. Vườn thú có hồ nước rộng mà để lãng phí, không tổ chức được
trò chơi gì hấp dẫn ngoài mấy con thiên nga đạp nước đã có từ cả chục
năm trước và mấy quả bong bóng nhựa cũ".
Dạo một vòng qua Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi trẻ… đâu đâu cũng
thấy cảnh các em nhỏ đánh đu với mấy trò chơi cũ có từ hàng thập kỷ
trước trong cảnh đông đúc, nhộn nhạo, nóng nực. Mở rộng, nâng cấp, xây
mới, tôn tạo, chỉnh trang luôn là nhu cầu thường trực, bức thiết của
những địa điểm vui chơi cho thiếu nhi nhưng trên thực tế đây lại là
những dự án có tốc độ "rùa" nhất. Cuối năm ngoái, trong cuộc họp kiểm
điểm tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, lãnh đạo thành phố đã điểm
tên hai dự án chậm tiến độ là Cung Thiếu nhi Hà Nội và Công viên Văn
hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa. Đây là hai dự án có ý nghĩa xã hội vô
cùng lớn nhưng việc triển khai quá chậm so với tiến độ đề ra. Như Cung
Thiếu nhi Hà Nội có tổng mức đầu tư 918 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích
5,2ha trên địa bàn quận Cầu Giấy do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, lãnh
đạo thành phố yêu cầu trong quý I-2013 phải phê duyệt dự án, quý II-2013
phê duyệt thiết kế, dự toán, đấu thầu và khởi công xây dựng công trình.
Thế nhưng đến thời điểm này, theo thông tin chúng tôi nắm được, dự án
mới ở giai đoạn… phê duyệt phương án kiến trúc! Trong khi đó, Dự án Công
viên Văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa thì còn "thê thảm" hơn khi
công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành và không ai biết đến bao
giờ công trình mới có thể được triển khai?
(Còn nữa)