Người đọc phải có sự lựa chọn thông minh để nâng cao chất lượng văn hóa đọc
Ảnh: VOV
Sách nhiều nhưng ít sách hay
Theo thống kê của Cục xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong năm
2012 nước ta có 374 triệu cuốn sách - xuất bản phẩm có mặt trên thị
trường tăng 4% so với năm 2011, trung bình mỗi người dân đọc 3,4
cuốn/năm. Chưa kể những đầu sách đã được xuất bản từ các năm trước đó
thì thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú, nhưng sách hay, sách có
chất lượng vẫn còn khá khiêm tốn.
Vào một số nhà sách lớn ở Hà Nội mới thấy trên các giá chiếm phần lớn là
sách có bìa khêu gợi, những cái tít giật gân nhằm kích thích trí tò mò
của độc giả. Đây là những chiêu trò của các tác giả và nhà xuất bản nhằm
mục đích câu khách còn nội dung thì không mấy giá trị. Ngoài ra còn
nhan nhản các loại sách kinh dị, truyện ma, các sách tình yêu gợi dục...
tác động không nhỏ đến nhận thức của độc giả.
Các NXB hiện nay đang chạy theo doanh thu, lợi nhuận nên thị trường sách
thượng vàng hạ cám, những sách giải trí mang tính thị trường tràn ngập
thỏa mãn thị hiếu yếu kém của độc giả mà chưa quan tâm tới giá trị tinh
thần vốn là thuộc tính nghìn đời của sách. Gần đây, giật mình khi thấy
SGK cho học sinh mẫu giáo và tiểu học cũng mắc những sai sót nghiêm
trọng như “in cờ Trung Quốc” trong phần minh họa gây nhiều bức xúc trong
dư luận. Ngay cả, NXB Trẻ trong bộ sách “Kiến văn tiểu lục” (2 tập) của
Lê Quý Đôn cũng ngờ nghệch in bìa nhầm ảnh Lê Quý Đôn thành ảnh Nguyễn
Trãi. Điều này thể hiện rõ những hạn chế trong khâu kiểm duyệt và biên
tập ở các NXB hiện nay.
Văn hóa đọc đang bị đầu độc bởi những cuốn sách tục tĩu, khiêu dâm kích
thích “thị dục” làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là một vấn
đề đáng báo động vì muốn nâng cao dân trí của người dân thì phải có
những quyển sách hay, sách tốt. Nhưng do doanh thu, lợi nhuận các NXB
vẫn nhắm đến thị hiếu giải trí tầm thường mà quên đi những giá trị về
tri thức của sách. Khi ra nhà sách bạn đọc không khỏi choáng ngợp trước
muôn hình muôn vẻ bởi các đầu sách có hình bìa, tranh ảnh bắt mắt mà nội
dung èo uột, sơ sài. Người ta đọc vì tò mò là chính chứ chưa thẩm thấu
được cái hay, cái đẹp trong đó.
Đọc một cách có chọn lọc
Trước sự nhộn nhạo của sách hiện nay, nhà văn Lê Minh Khuê có góp ý rất
hay cho độc giả: “Tôi nghĩ rằng người đọc trước nhất vẫn phải có sự lựa
chọn thông minh cho “gu” đọc sách của mình. Tìm đọc những cuốn sách thực
sự viết ra vì mục đích vị nghệ thuật lẫn vị nhân sinh chứ không vị lợi
nhuận. Một khi người đọc đã nâng cao khả năng miễn dịch và tự nhận biết
thì tất yếu những sản phẩm độc hại tự thân nó sẽ bị đào thải”. Là một
độc giả thông minh sẽ biết cách nâng cao tầm văn hóa đọc của mình, tức
là tự định hướng cách đọc, đọc một cách có chọn lọc mang tính trí tuệ và
có hiệu quả để bổ sung tri thức theo nhu cầu của mỗi người, tìm đọc
những cuốn sách tri thức, nghệ thuật và giải trí lành mạnh để bồi bổ và
tu dưỡng tâm hồn.
Khá nhiều bạn trẻ cho rằng việc đọc sách là lạc hậu khi thời buổi công
nghệ lên ngôi thì đó là quan niệm sai lầm. Phần lớn việc đọc của giới
trẻ trên mạng theo kiểu ăn sổi là chính, vừa chát Facebook vừa đọc sách
thì những con chữ đọng lại trong đầu được bao nhiêu? Vậy nên chất lượng
văn hóa đọc có được cải thiện hay không phần lớn phụ thuộc vào cách ứng
xử của mọi người với “sự đọc” của mình. Mặt khác, cũng cần có sự ăn ý
giữa NXB với độc giả của mình. Những cuốn sách hay, có giá trị nghệ
thuật cao nên được quảng bá rộng rãi giúp độc giả đọc một cách có hệ
thống, có chọn lọc với tiêu chí hàng đầu là nâng cao chất lượng đọc chứ
không vì thỏa mãn thị dục tầm thường.
Điều quan trọng nhất để nâng cao chất lượng văn hóa đọc hiện nay là cần
có sự quan tâm đặc biệt với thế hệ tương lai của đất nước. Nhà trường và
gia đình phải tạo cho con em mình có thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ.
Đọc đúng theo độ tuổi, mặt bằng tiếp nhận tri thức chứ không nên quá
lạm dụng vào máy vi tính. Hệ thống thư viện trong nhà trường cũng phải
có không gian đọc yên tĩnh, những đầu sách hay thu hút sự quan tâm của
học sinh. Một thế hệ đọc mới chất lượng thì chắc chắn những bất cập của
văn hóa đọc sẽ sớm được cải thiện.
(Theo anninhthudo.vn)