Những tác giả “đời đầu” của dòng sách du ký có thể kể đến nhà báo
Phan Quang với bộ ba cuốn Thơ thẩn Paris, Chia tay trên sông và Bên
mộ vua Tần (NXB Kim Đồng). Xa hơn, có Văn Cầm Hải với cuốn Trên
dấu chim di thê (NXB Trẻ) với giọng văn da diết, hoang hoải, khai thác
sâu những cảnh huống, tâm trạng mà tác giả bắt gặp ở nhiều nước châu
Âu trong quãng thời gian tham gia khóa học tại Hà Lan. Nhóm tác giả “đời
giữa” có Ngô Thị Giáng Uyên với cái nhìn duyên dáng, nhẹ nhàng thể hiện
qua Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Bánh mì thơm, cà phê đắng,
phản ánh văn hóa, lối sống, ẩm thực các quốc gia châu Âu. Hoặc Trung
Nghĩa với cuốn Sydney yêu thương viết về những tiếp xúc đa văn hóa,
kinh nghiệm học tập ở xứ người, là sách “gối đầu giường” của những
bạn trẻ muốn du học Australia…
Thế hệ mới nhất “nhảy” vào dòng chảy này khá đông đảo và xông xáo.
Tác giả Trần Hùng John với cuốn John đi tìm Hùng (NXB Kim Đồng) ra
mắt tại TP.HCM hôm 1/6 là dẫn chứng mới nhất. Khác với nhiều tác giả
chọn đi ra nước ngoài để trải nghiệm, Trần Hùng John (Việt kiều Mỹ)
quay về Việt Nam sống và thực hiện hai hành trình đi bộ xuyên
Việt tổng cộng 120 ngày chỉ với một ít tiền và vật dụng cá nhân.
Cảm nhận và trải nghiệm về đất nước, con người Việt Nam trong 80
ngày của chuyến đi đầu qua khoảng 20 tỉnh thành, được tác giả đưa vào
cuốn sách. Một lăng kính khác đã được dùng để nhìn về mảnh đất mà
nhiều người sống ở đó thấy không còn có gì lạ. Với tác giả sinh năm
1989 này thì “một người đi nhiều nơi sẽ có nhiều cơ hội để nhìn
thấy những điều mà không cuốn sách hay bức tranh nào có thể kể, tả
được. Những trải nghiệm đó có thể thay đổi một con người”, như chính
tên cuốn sách.

Hình ảnh trên đường của các tác giả Phan Việt, Phương Mai, Huyền Chip và Trần Hùng John
Gây chú ý gần đây còn có Nguyễn Phương Mai với cuốn sách mang tựa
khá “sốc” Tôi là một con lừa (NXB Hội Nhà Văn). Ngoài việc thể
hiện những chuyến đi của tác giả qua hàng chục quốc gia theo đúng
kiểu dân du lịch bụi, những câu chuyện trong sách còn giải đáp phần
nào cho cái tựa “gây hấn”, rằng “những định kiến đã khiến chúng ta
sai lệch, thậm chí ngu ngốc, để thấy sự lố bịch của con người
trước tự nhiên vĩ đại, để thấy sự nguy hiểm của tâm lý đám đông, hay
để nhận ra vẻ đẹp cuộc sống ở khắp mọi nơi”. Những trang viết khác
của Phan Việt với Một mình ở châu Âu, Huyền Chip - Xách ba lô lên và
đi, Trương Anh Ngọc - Nước Ý, câu chuyện tình của tôi, Dili - Đảo thiên
đường, hay Lê Thanh Hải với Warsawa thân yêu, Hoàng Yến Anh (Dưới nắng
trời châu Âu), Nguyễn Phan Quế Mai (Từ tuyết đến mặt trời), các
thành viên Box Du lịch (Hạnh phúc lang thang), v.v… cũng đều tạo dấu
ấn theo những cách khác nhau.
Sức hấp dẫn của thể tài du ký là rất rõ, khi mọi thông tin hiện
nay đều có thể tìm thấy trên mạng internet, nhưng những trải nghiệm,
chia sẻ, soi chiếu, xúc cảm rất thật của các tác giả qua những
chuyến du lịch khắp thế giới, từ chính thống đến bụi phủi, luôn tạo
ra độ kích ứng nơi người đọc (đơn cử, tập một của Xách ba lô lên và
đi bán hết 5.000 bản chỉ sau bốn ngày phát hành). Các đơn vị làm sách
cũng đã nhanh chóng nhận ra ưu thế của mảng sách này trong thị hiếu
đa dạng của lớp độc giả hiện đại.
Phía các tác giả, nhiều người thừa thắng xông lên thực hiện phần
tiếp theo. Huyền Chip cho biết sắp ra mắt tập hai của Xách ba lô lên
và đi viết về những chuyến đi châu Phi, sau đó sẽ là tập ba với
trải nghiệm châu Mỹ. Nguyễn Phương Mai đã hoàn tất một nửa hành
trình đến các nước Hồi giáo để viết tiếp cuốn thứ hai Con đường
Hồi giáo trong series Lên đường với trái tim trần trụi của mình. Tác
giả Lê Thanh Hải sau cuốn du ký về Ba Lan sẽ tiếp tục với các đầu
sách lần lượt về các miền đất mà anh từng sinh sống hoặc đi qua như
Việt Nam, Anh, Thái Lan… Nhà văn Phan Việt sau cuốn Một mình ở châu
Âu, cho biết sẽ viết tiếp hai cuốn nữa, cùng nằm trong bộ bút ký
Bất hạnh là một tài sản của cô…
(Theo phunuonline.com.vn)