Trao đổi với PV Infonet,
ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kiên
quyết không để xảy ra điểm nóng về công tác tuyển sinh, phân tuyến hợp
lý, đảm bảo đủ chỗ cho học sinh và thực hiện tốt chủ trương “ba tăng, ba
giảm”.
Năm học 2013 - 2014, ngành giáo dục Hà
Nội vẫn tiếp tục thực hiện "3 tăng, 3 giảm" để phấn đấu hoàn thành tốt
các mục tiêu giáo dục. Ba tăng là: Tăng quy mô tuyển sinh; Tăng chất
lượng công tác tuyển sinh; Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học.
Ba giảm là: Giảm số lượng học sinh trái
tuyến; Giảm số HS/lớp (đối với tiểu học là 35 học sinh/lớp, THCS là 45
học sinh/lớp, diện tích tối thiểu là 1,2m2/1 trẻ mầm non); Giảm quy mô
nhà trường đối với những trường có quy mô quá lớn.
Đi đôi với đó là giải pháp “bốc thăm” để
thực hiện hạn chế học trái tuyến. Đây là giải pháp hiệu quả nhất và
công bằng nhất, một số địa phương đã làm như vậy và đã được dư luận chấp
nhận. Việc bốc thăm khá công bằng, hội đồng tuyển sinh cùng tham gia,
đây cũng là quyền của trẻ phải công bằng, chấp nhận sự may rủi, như vậy
sẽ có tính nhân văn hơn.
|
Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp bao giờ cũng "nóng" vấn đề trái tuyến |
Về giải pháp đấu giá suất học trái tuyến
theo ông Thống, từ trước tới nay chưa nghe thấy cái giải pháp này. Nếu
có thì rất khó thực hiện vì liên quan nhiều vấn đề. Thêm nữa, việc đấu
giá suất học trái tuyến sẽ gây phản ứng không tốt cho xã hội.
Chẳng hạn, các phụ huynh sẽ đôn đáo, lo ngược suôi để mua hồ sơ đấu giá
trường nọ trường kia, một số phụ huynh mua tới hàng chục bộ hồ sơ đấu
giá ở các trường danh tiếng, bỏ bê công việc, tái cảnh chen lấn dẫm đạp,
tốn kém… gây ra hình ảnh không tốt cho ngành giáo dục. Chưa kể, ảnh
hưởng tâm sinh lý, điều kiện học hành của các cháu học sinh…
Nói về giải pháp tổ chức thi vào các lớp
đầu cấp lớp 1, đại diện Sở GD – ĐT Hà Nội cho rằng, giải pháp này tương
đối hiệu quả, nhưng ở các trường công lập không bao giờ tổ chức thi.
Còn các trường dân lập thì kiểm tra IQ, tình huống…
Trước hết là tuyến tuyển sinh, phương
thức tuyển sinh, chỉ tiêu… công khai các chỉ tiêu đó trên mạng, trên báo
chí, không có chuyện “mập mờ” tôi và anh được. Và sẽ không có chuyện
anh và tôi xếp hàng mua hồ sơ, trái tuyến. Tất cả đã thông báo đến các
tổ dân phố trước khi tuyển sinh…
Sở quán triệt các quận huyện phải có
phân tuyến tuyển sinh phù hợp để tránh áp lực dồn vào một số trường
trong khi trường của phường ngay kế bên lại thưa vắng HS. Thông tin phân
tuyến cần công khai, minh bạch để người dân nắm rõ con em mình thuộc
địa bàn tuyển sinh nào…
|
Theo ông Thống, giải pháp bốc thăm chấp nhận sự may rủi sẽ mang tính công bằng cho trẻ |
Theo ông Thống, vấn đề cốt lõi của quá
tải vẫn là cơ sở vật chất không theo kịp đà tăng của lượng học sinh. Vì
vậy, theo quy định chung thì 1 lớp tiểu học chỉ tối đa 35 học sinh. Tuy
vậy, các cháu đúng tuyến lại vượt xa con số đó nên nhiều trường không
thể vì "chuẩn" mà bỏ học sinh được, đành phải "cố nhồi", mà Sở cũng phải
giao tăng chỉ tiêu cho các trường đó dựa trên tình hình thực tế, để đảm
bảo quyền lợi của tất cả học sinh.
Trước
thực trạng quá tải vẫn tái diễn, trong hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp mầm
non, lớp 1, lớp 6 trên địa bàn, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa tiếp tục cam kết cố
gắng không để xảy ra tình trạng xếp hàng trắng đêm tuyển sinh mầm non.
Sở nghiêm cấm tuyển sinh trước mà yêu cầu các trường mầm non, tiểu học
và THCS đồng loạt tuyển sinh trong khoảng thời gian từ ngày 1- 15/7. Sau
ngày 15/7, các trường còn chỉ tiêu mới được phép tuyển bổ sung học sinh
diện trái tuyến.
Cũng để tránh tình trạng trái tuyến, chỗ
thừa chỗ thiếu, lãnh đạo Sở đề nghị các quận, huyện điều tra chính xác
số trẻ trong độ tuổi để có phương án phân tuyến hợp lý, đặc biệt ở những
địa bàn đông dân cư.
Theo đó, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp trong năm học tới phải
đảm bảo một số nguyên tắc nhằm đẩy lùi tiêu cực, nạn "xin – cho", nhờ vả
trong tuyển sinh như: đủ chỗ cho học sinh; không gây bức xúc cho học
sinh và cha mẹ học sinh; Công khai 4 rõ gồm: chỉ tiêu tuyển sinh, tuyến
tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh.
Bên cạnh đó, ông Thống nêu quan điểm, có
rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xin học trái tuyến. Nhiều khi
không phải chỉ vì thấy trường có giáo viên tốt, mà nhiều phụ huynh muốn
xin học trái tuyến cho con có khi vì thấy danh tiếng nhà trường, nếu con
mình được vào học thì thấy “tự hào”, “oai” với anh em bạn bè. Thậm chí
xin học trái tuyến chỉ vì tiện đường đi làm đưa con đi học luôn...
Chưa đến thời điểm tuyển sinh đúng tuyến
mà không khí ở không ít trường tiểu học của Hà Nội đã căng thẳng, thì
đến thời điểm tuyển sinh “nguyện vọng” trái tuyến hẳn cũng không đơn
giản chút nào. Nếu một bộ phận phụ huynh không sớm nhìn nhận lại vấn đề
chọn trường tiểu học cho con, không xác định đúng trường học nào thuận
lợi và phù hợp, thay vì cứ phải cố sức xin học trái tuyến, hay tìm “cửa”
chạy trường, thì có lẽ vấn đề tuyển sinh lớp 1 chưa hết “nóng” ở những
mùa tuyển sinh các năm sau.
Theo thống kê, năm học 2013 - 2014,
Hà Nội có 78.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó gần
73.000 thí sinh THPT, trên 3.500 thí sinh GDTX và trên 1.560 thí sinh tự
do. Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào nhà trẻ 73.500 em; mẫu giáo 262.250
em; lớp 1 trên 125.000 học sinh và lớp 6 khoảng 86.000 học sinh.