TP
Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức sắp xếp lại hệ thống bến xe hiện có và rà
soát quy hoạch, bổ sung thêm bến xe mới ngoài đường vành đai 3. Đến năm
2020 trên địa bàn thành phố sẽ bố trí từng bến xe khách liên tỉnh theo
từng luồng hành khách liên tỉnh. Trong giai đoạn trước mắt có thể sử
dụng bến kết hợp (phục vụ không chỉ 1 hướng tuyến).
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Sở Giao
thông vận tải TP và các đơn vị liên quan khẩn trương sắp xếp vận tải
liên tỉnh theo đúng quy hoạch 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc (các tuyến
đi hướng nào sẽ điều chuyển về bến xe hướng đấy), bảo đảm không gây xáo
trộn việc đi lại của người dân, cũng như quyền lợi chính đáng hợp pháp
của doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xe
"dù", bến "cóc", xe chạy lòng vòng, gây ảnh hưởng an toàn giao thông.
Do đặc điểm Hà Nội mở rộng, dân số tăng, kinh tế phát triển mạnh, việc
quá tải là vấn đề khách quan so với quy hoạch trước đây. Vì vậy, việc
chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, sắp xếp lại luồng
tuyến xe ra vào thành phố Hà Nội là chủ trương nhằm giảm ùn tắc giao
thông nội đô. Tuy nhiên, cần lộ trình và thời gian để giảm tối
đa thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải. Đặc
biệt, các sở ban ngành chức năng của thành phố cần nghiêm túc
dẹp bỏ hiện tượng “xe dù”, “bến cóc”, để đảm an toàn giao thông, an
ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Để giải quyết dứt điểm xe dừng đỗ bắt khách, xe “dù” bến “cóc” trước
tiên cần quy hoạch bến xe. Sở Giao thông vận tải TP đã có kế hoạch điều
chuyển một số tuyến xe từ Bến xe Mỹ Đình đi các bến Yên Nghĩa (quận Hà
Đông), Nước Ngầm (quận Hoàng Mai), Bến xe Gia Lâm. Đồng thời điều chuyển
một số tuyến từ Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm về Bến xe Mỹ Đình trên
nguyên tắc đúng hướng tuyến, ít làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của
các đơn vị. Theo kế hoạch, sau ngày 20/7/2013, đơn vị vận tải nào không
đăng ký thì Sở sẽ điều chỉnh theo phương án. Để ổn định kinh doanh, các
đơn vị nằm trong diện điều chuyển khi đến bến mới sẽ được miễn phí bến
bãi trong vòng 6 tháng.
Bên cạnh đó, để phục vụ người dân đi lại giữa các bến xe, Sở Giao
thông Vận tải đã tổ chức 5 tuyến xe buýt nhanh tăng cường với tần suất
10 phút lưu thông giữa các bến xe cho phép người dân mang hành lý.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, sự điều
chuyển, phân luồng các tuyến xe khách vào nội đô là cần thiết
và hợp lý với kết cấu hạ tầng hiện nay của Hà Nội. Ông Liên
cũng cho rằng, bến xe Mỹ Đình lộn xộn phần lớn do “xe dù, bến cóc” và
sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng. Do vậy, khi điều
chuyển xe khách khỏi bến này thì càng phải mạnh mẽ ngăn chặn các “xe
dù”.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc điều chuyển bến bãi xe khách
là phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách Thủ đô
đến năm 2020, các phương án sắp xếp đều có tham khảo ý kiến góp ý của
các đơn vị chuyên môn và của các công ty quản lý bến…để chấn chỉnh
lại hoạt động vận tải tại các bến xe khách, tạo điều kiện cho
người Hà Nội cũng như hành khách trong cả nước ra vào thành phố thuận
tiện, an toàn.
(Theo baodientu.chinhphu.vn)