Trước
tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2013, ban hành
Quy chế mới thay cho Quy chế cũ, có hiệu lực từ 1/7 tới, với nhiều điểm
mới, tạo điều kiện cho báo chí nhiều hơn, thông qua việc đề cao trách
nhiệm từ phía cung cấp thông tin. Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí
cách mạng Việt Nam, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao
đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ xung
quanh Quy chế này.
Thưa ông,
ông đánh giá như thế nào về 6 năm thực hiện Quy chế năm 2007. Các cơ
quan hành chính Nhà nước (HCNN) đã thực sự nghiêm túc trong hoạt động
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí hay chưa?
- Mục đích của việc ban
hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin là bảo đảm cho báo chí
nguồn thông tin chính thống, chuẩn xác, giúp báo chí thực hiện tốt chức
năng và nhiệm vụ thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng
về thông tin. Quy chế có tác dụng minh bạch, công khai hóa hoạt động và
công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ,
hoạt động của các cơ quan HCNN, gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố. Trên thực tế nguồn thông tin
cung cấp cho báo chí đã tăng lên đáng kể, giúp báo chí hoàn thành nhiệm
vụ chính trị được giao ở mức cao.

Ông Vũ Thanh Liêm -
Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên T.Ư giới thiệu chương trình “Học kỳ
quân đội” khóa V - 2013 với các phóng viên báo chí. Ảnh: Nhật Mai
Sau khi Quy chế 77 ra
đời, các cơ quan HCNN đã thực hiện đúng quy định: Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh tổ
chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất cung cấp thông tin cho báo chí. Thế
nhưng, do một số quy định chưa thật cụ thể, chưa được hiểu đúng, nên
phóng viên, nhà báo còn phàn nàn về việc khó tiếp cận được nguồn tin,
chờ thời gian quy định họp báo, cung cấp thông tin dài đến 3 tháng,
trong khi nhu cầu đòi hỏi phải nhanh hơn. Đó là chưa kể những người được
giao trách nhiệm phát ngôn đôi khi không thỏa mãn được yêu cầu, có khi
quá mức cung cấp của người được giao cung cấp thông tin... Vấn đề phản
hồi thông tin của cơ quan HCNN còn chậm so với nhu cầu cập nhật thông
tin của báo chí thời hiện đại, nhất là báo mạng điện tử.
Ông có đánh giá thế nào về tính tích cực của Quy chế theo Quyết định 25 so với Quy chế 77?
- Quy chế 25 có nhiều
điểm mới như quy định tăng số người và tăng trách nhiệm của người có
trách nhiệm cung cấp thông tin; rút ngắn thời hạn bắt buộc cung cấp
thông tin định kỳ theo hướng hàng tháng tổ chức cung cấp thông tin - về
hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, của
các Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh; quy định rõ trách nhiệm của người đứng
đầu trong chỉ đạo công tác phát ngôn, nội dung phát ngôn. Cụ thể là Quy
chế mới quy định mỗi cơ quan HCNN có 3 người có trách nhiệm phát ngôn
và cung cấp thông tin cho báo chí, gồm người đứng đầu cơ quan, người
được giao nhiệm vụ phát ngôn - cung cấp thông tin thường xuyên, và người
được ủy quyền phát ngôn. Thời hạn định kỳ cung cấp thông tin được rút
ngắn từ ba tháng xuống còn một tháng, thời hạn tối đa phải tổ chức họp
báo rút từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, và thời gian người phát ngôn cung
cấp thông tin ban đầu không là 2 ngày như trước đây, mà rút xuống còn 1
ngày kể từ khi xảy ra vụ việc. Ngoài ra, Quy chế mới còn quy định rõ 3
trường hợp phải cung cấp thông tin đột xuất, bất thường. Một là, khi
thấy cần thiết phải thông tin về những sự kiện, vấn đề quan trọng, tác
động lớn tới xã hội, cần thông tin nhanh để cảnh báo. Hai là, Khi có yêu
cầu của các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí. Ba là, khi có căn cứ
khẳng định báo chí đưa tin sai sự thật, thì người phát ngôn yêu cầu báo
chí đăng tải thông tin phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Quy chế mới còn bổ sung quy định về xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ
chức, cá nhân không thực hiện đúng quy chế, tùy theo mức độ vi phạm mà
xử phạt từ các hình thức kỷ luật đến xử lý vi phạm hành chính và xử lý
hình sự. Quy chế mới đã bổ sung về trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà
báo: Báo chí đương nhiên phải đăng, phát, phản ánh trung thực, nhưng
không phải chịu trách nhiệm về thông tin sai một khi đã đăng đúng thông
tin của người phát ngôn. Những điểm thay đổi này cho thấy tinh thần đề
cao trách nhiệm của người phát ngôn, cung cấp thông tin, đảm bảo cho báo
chí cơ hội được cung cấp thông tin nhanh hơn, đầy đủ, phóng viên báo
chí được "bảo vệ" hơn.
Xin ông nói rõ thêm về những vấn đề thực tiễn liên quan tới việc thực hiện Quy chế phát ngôn.
- Thực ra thì việc cung
cấp thông tin, nhất là khi phóng viên nhà báo gần như "truy đến cùng"
người phát ngôn để có thông tin, trong lúc sự việc mới phát sinh, chưa
rõ ràng, sẽ rất khó cho người phát ngôn. Cung cấp như thế nào cho đúng
và đủ trong phạm vi quyền hạn của mình vào lúc sự kiện vừa xảy ra thì
không dễ chút nào. Làm sao thỏa mãn được nhu cầu "săn" thông tin của
phóng viên - nhà báo? Nhiều người phát ngôn có tâm ý e ngại tiếp xúc,
cung cấp thông tin cho báo chí, sợ phóng viên đưa sai ý của mình. Có cơ
quan còn muốn giấu thông tin, nhất là thông tin bất lợi cho cơ quan đó.
Đó là chưa kể người phát ngôn phải được đào tạo, đủ bản lĩnh "đối đáp"
trước báo giới. Còn có vấn đề nữa là Quy chế trước đây có điểm được hiểu
chưa đúng, chẳng hạn quy định "người không có trách nhiệm cung cấp
thông tin thì không được nhân danh cơ quan để phát ngôn", do đó phóng
viên phải chờ người phát ngôn chính thức. Trên thực tế thì người phụ
trách lĩnh vực cũng có thể phát ngôn, nhưng chỉ không được "nhân danh cơ
quan" mà thôi. Có cái khó nữa là người phát ngôn cấp thấp không thể có
đủ thông tin, có quyền như người đứng đầu cơ quan để thỏa mãn nhu cầu
của phóng viên. Còn vấn đề kỹ năng cung cấp thông tin, tiếp xúc với giới
báo chí của người phát ngôn nữa. Được biết, Chính phủ đã chỉ đạo, giao
Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Nội vụ hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp
vụ người phát ngôn cho các đơn vị trong cả nước.
Thưa ông, Hội Nhà báo
Việt Nam có nhận được nhiều trường hợp phản ánh của các hội viên về sự
thiếu phối hợp của người phát ngôn trong cơ quan HCNN trong quá trình
cung cấp thông tin cho báo chí? Hội có động thái gì để bảo vệ hội viên
của mình trước thực tế này?
- Hội Nhà báo cũng đã
nhận được phản ánh của phóng viên, hội viên phàn nàn về tình trạng này,
nhưng vì Hội không phải cơ quan quản lý Nhà nước nên đã ghi nhận những
phản ánh đó, và triển khai giải quyết trong những trường hợp thích hợp.
Chúng tôi cũng yêu cầu phóng viên, nhà báo sử dụng kỹ năng thu thập
thông tin linh hoạt hơn, thể hiện khả năng tác nghiệp hiệu quả hơn. Quy
chế phát ngôn mới có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho phóng viên nhà
báo tiếp cận nguồn thông tin dễ hơn, quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ
quan HCNN trong cung cấp thông tin như đã nói ở trên. Hy vọng Quy chế
mới, tạo điều kiện cho báo chí, phóng viên được cung cấp thông tin tốt
hơn, hiệu quả hơn, giúp phóng viên thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị
của mình.
Xin cảm ơn ông!