Thứ sáu, 21/06/2013 09:15
Từ một bộ sưu tập báo chí
Nhiều điều cơ bản về nghề báo tôi nhận được từ cuộc gặp với nhà báo Trần Thanh Phương - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết, người hiện có bộ sưu tập lớn nhất cả nước các bài báo cắt từ báo chí xuất bản trong nước trong vòng 40 năm qua.
Nhà báo Trần Thanh Phương.
Triển lãm bộ sưu tập “Nhà báo Trần Thanh Phương và những trang
tư liệu” (diễn ra từ 19-23.6.2013, tại Thư viện KH-TH TPHCM) có gì mới;
Thời mạng Internet đang phát triển nhanh như thế này, ông có sử dụng
thêm hình thức lưu trữ mới không? Qua việc sưu tầm tư liệu báo chí, trên
các trang báo, ông nhìn, nhận thấy tính độc lập trong tác nghiệp, tư
duy của các nhà báo Việt Nam được thể hiện ra sao?
200 cuốn sưu tập cho 100 đề tài
Trên bàn nước phòng tiếp khách, cũng là bàn làm việc của ông Phương ngổn
ngang bề bộn các loại sách báo, tạp chí cũ lẫn mới. “Với kinh nghiệm 45
năm làm báo, 40 năm sưu tầm tư liệu báo chí, trong cùng một ngày, chẳng
hạn như hôm nay - 12.6, có sự kiện quan trọng là công bố kết quả bỏ
phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, ông so sánh, đánh giá việc các báo đưa tin
sự kiện này thế nào để quyết định sẽ chọn tờ nào cắt bài làm tư liệu?”,
chúng tôi hỏi.
Ông Phương cười từ tốn: “Trước hết, tôi sưu tầm báo chí là để làm tư
liệu cho cá nhân tôi. Bộ sưu tập của tôi chủ yếu về đề tài văn hoá - xã
hội. Người nào rành rọt mạng, cần trữ tư liệu, lên mạng, nhấp chuột,
cut - past. Còn tôi, vi tính lọng cọng lắm; đi thư viện thì xa xôi nên
cách trữ tư liệu kiểu này rất quan trọng và hiệu quả cho việc viết lách
của tôi. Cầm kéo, cắt bài báo, sắp xếp theo chủ đề, dán bài bằng hồ…
- công việc tôi làm, với nhiều người bây giờ có vẻ buồn cười, lẩm cẩm
vì tính thủ công.
Nhưng tôi thích! Lúc trước, vợ chồng tôi cắt rời bài báo, dán vào từng
miếng bìa khổ A4, cầm nặng tay, thích lắm. Sau nhiều bài quá, hai vợ
chồng lại hì hụi bóc gỡ, làm lại thành tập mới dính liền. Lâu công lắm
đó. Đề tài các bộ sưu tập sở dĩ được mở rộng, vì chúng tôi cắt bài này
trên trang này, lại thấy trang khác có bài hay đề tài khác, thế là
tiếc, lưu lại…
 |
Vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương giới
thiệu bộ sưu tập những bài báo về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm - Ngô
Đình Nhu năm 1963 của nghệ sĩ Bảy Nam. Ảnh: T.L.T |
Tới giờ, vợ chồng tôi có khoảng 200 bộ, sưu tập gồm hơn 100 đề tài, chủ
yếu mảng văn hoá, xã hội. Như về Trịnh Công Sơn gồm hai tập - những bài
báo từ những năm 80 thế kỷ trước tới nay, tập 1 có 255 bài, tập hai có
380 bài. Có những tư liệu mạng không có được đâu! Như cả những bài về cô
Phùng Há từ mấy chục năm trước… Lắm khi, tôi cứ nghĩ vui, xu hướng sắp
tới, báo giấy rồi thành của hiếm, ai sau này để tâm nghiên cứu về các
loại giấy in báo ở Việt Nam qua các thời kỳ, có thể họ cần tới bộ sưu
tập của tôi?”.
“Báo chí, nhìn chung, nội dung bài cũng có ảnh hưởng tới việc trình bày.
Một bài báo bị cắt rời khỏi trang báo - thì khó nhìn thấy nó trong
tổng thể chung của việc trình bày của tờ báo. Tuy vậy, ông nhận xét gì
về sự trình bày của báo giấy hiện nay?”. “Báo bây giờ tất nhiên được
trình bày hiện đại hơn thời tôi làm báo chứ. Mấy chục năm về trước, báo
trình bày tuồn tuột từ trên xuống dưới. Giờ, có rút những đoạn nhấn nhá
làm nổi bật tinh thần cả bài. Ảnh minh hoạ đẹp, hay hơn, thì khỏi phải
nói rồi. Khổ, co chữ cũng nhiều loại đẹp, hay. Xưa, làm báo, ở nhà máy
in, ai cũng thuộc quy trình nghe vui tai này: “Sắp - Sửa - Bỏ”. Cạch
cạch cạch sắp chữ; sửa lỗi, bỏ bài. Cuối cùng thì cái công đoạn này
cũng đã bị bỏ thật rồi…”.
“Thưa ông, có câu ngạn ngữ: Thời gian thông thái hơn tất cả, bởi nó mở
toang tất cả… Như ông thấy, qua năm tháng, nhìn chung tính độc lập của
báo chí chúng ta được thể hiện ra sao?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Ông
Phương mỉm cười: “Tôi có yêu cầu nhỏ với cô thế này, sau khi trò chuyện
với tôi, tối nay, cô thử gác tay lên trán, nhớ, nghĩ lại, ở mỗi toà báo
của chúng ta hiện nay có những cây bút nào nổi bật? Bây giờ, như tôi
thấy, tên tuổi các nhà báo cứ đều đều. Xưa, mỗi báo có một vài cây bút
nổi bật, cũng có cái hay riêng. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ
văn - ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi về làm ở Báo Nhân Dân. Báo Nhân Dân từng
có những cây bút như Thép Mới, Hồng Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Thành
Lê, Hữu Thọ, Hà Đăng; Báo Đại Đoàn Kết có Thái Duy, Trần Đình Vân…
Phải nói các nhà báo bây giờ nhanh nhạy hơn chúng tôi ngày xưa. Về tính
độc lập trong suy nghĩ của nhà báo mà cô hỏi, như tôi thấy, có thể có
trong suy nghĩ, nhưng viết, thể hiện ra, cũng không được lắm, phải
không cô? Tôi nghĩ, vài chục, có thể trăm năm nữa, người ta sẽ tìm hiểu
xem những vấn đề A, B, C,… của xã hội chúng ta hiện nay được thể hiện
qua báo chí thế nào. Có thể có những điều được thể hiện chưa chính xác…
Có những cái chưa nói ra được… Ví dụ trong cuốn sách thứ 30 của tôi có
tên “Còn là tinh anh” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM ấn hành) ra ngày
hôm qua, 11.6, tôi soạn về sự ra đi của các nhà văn, nhà thơ, có những
điều tưởng chừng là tiểu tiết, nhưng quan trọng - biết thì biết đấy,
nhưng chưa thể nói công khai… Chưa có trang viết nào tôi thấy ngòi bút
mình khó khăn như soạn cuốn sách này. Tôi tự dặn lòng, phải thật cẩn
thận từng câu, từng dòng, vì chữ nghĩa ở đây chạm đến những giây phút
cuối cùng của một đời văn…
Trở lại với câu hỏi của cô, cùng một sự kiện đăng báo, đọc một số báo
xong, vợ chồng tôi bàn với nhau, lựa báo nào để cắt bài làm tư liệu. Có
những tờ báo, thôi, chả muốn nêu tên làm gì, đưa thông tin cho có, đăng
thông tin quan trọng của đất nước một cách sơ sịa… Họ làm vậy, chắc là
vì còn chừa đường “rút lui”? Vợ chồng tôi thường cân nhắc chọn một đôi
tờ nói sâu những sự kiện để lấy tư liệu…”.
Nghe chúng tôi hỏi tới chuyện văn phong báo chí, ông Phương cười: “Ôi
nhiều chuyện, nói mấy ngày không hết!”, còn cô Phan Thu Hương, vợ ông,
từng dạy văn trường THPT Bùi Thị Xuân đi tìm ngay cuốn sổ cô ghi chép
những lỗi câu cú trên báo. “Khoảng 10-15 năm nay, văn phong báo chí
chúng ta nhìn chung viết không được chỉnh, nhiều lỗi chính tả, lỗi dùng
từ; các con số thường đưa kiểu áng chừng. Ví dụ, nói 100m2 là phải
chuẩn 100m2, đằng này, báo cứ viết khoảng, gần, hơn 100m2. Thời buổi
“tấc đất tấc vàng”, nói không chính xác con số thì việc đền bù giải toả
cho dân tính thế nào? Nhiều từ thường bị dùng sai nghĩa, ví dụ từ “thậm
chí”.
Đến ông nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng dùng sai từ này…”. - “Đã bao giờ
ông, bà đọc báo thấy viết sai, bèn gọi ngay tới toà báo góp ý?”. - “Có
chứ. Báo An ninh thế giới năm 2012 có bài dài nguyên trang, nhầm nghệ
sĩ Phùng Há là mẹ nghệ sĩ Kim Cương. Chúng tôi gọi điện góp ý. Họ trả
lời sẽ kiểm tra. Số sau thấy báo có bài dài viết về nghệ sĩ Bảy Nam là
mẹ Kim Cương; nhưng không hề thấy báo nói lời đính chính chỗ sai”, cô
Hương nói.
700 chân dung, bút tích nhà văn và hơn thế nữa
Trong triển lãm khai mạc ngày 19.6, ngoài 100 cuốn sưu tập các bài báo
theo 100 chủ đề, nhà báo Trần Thanh Phương còn giới thiệu 150 chân
dung, bút tích nhà văn Việt Nam được lựa ra từ 700 chân dung, bút tích
vợ chồng ông sưu tầm mấy chục năm qua: Nguyễn Nhược Pháp, Ngô Tất Tố,
Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Tuân… “Đọc sách của một nhà văn,
đâu phải ai cũng biết chữ viết của nhà văn đó thế nào. Bút tích của một
nhà văn, coi cũng thích mắt lắm - ông Phương cười - chữ viết tay có cái
hồn riêng của nó. Thế hệ nhà văn mới sau này, viết trên máy tính, chữ
nghĩa đều nhau, coi vô tính. Càng ngày càng ít có bản thảo viết tay. Tôi
cứ nghĩ vui vui: Nói một cách tàn nhẫn, hồi này là đã đến hồi “mạt
vận” bản thảo, bút tích viết tay của các nhà văn sao?”.
- “Ông bảo quản các bút tích thế nào?” Ông Phương chùng giọng: “Hôm rồi
mở tư liệu mang đi chuẩn bị triển lãm, thấy một số bút tích mực bị
xuống màu, tôi bần thần xót ruột làm sao đâu, như bút tích bài thơ nhà
thơ Xuân Diệu viết tặng tôi sau khi ông đi Tây Ninh về. Mình tự thân,
mày mò sưu tầm, ít kinh nghiệm bảo quản tư liệu sách vở… Hôm rồi, bên
Thư viện KHTH nói với tôi một ý: Sau khi tôi qua đời, thư viện dành cho
tôi một phòng trong khuôn viên, gọi là phòng tư liệu nhà báo Trần Thanh
Phương. Thư viện nói, họ dành chỗ để tư liệu cho ba người, nhà văn Sơn
Nam, GS Trần Văn Khê và tôi. Thế là mừng lắm rồi”.
Cũng trong triển lãm của ông Phương, lần đầu tiên sau 50 năm, một bộ
gồm 6 cuốn dày dán hàng trăm bài báo về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm,
Ngô Đình Nhu 1.11.1963 được trưng bày. Đây là bộ sưu tập của nghệ sĩ cải
lương Bảy Nam. Khi ông Phương khệ nệ bưng ra các cuốn sưu tập rất quý
hiếm về sự kiện lịch sử này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: “Vì sao
một nghệ sĩ cải lương lại quan tâm tới sự kiện chính trị như vậy?”.
- “Tôi cũng hỏi chị Kim Cương vậy. Cổ nói sơ sơ, thì chắc vì bà già tôi
thích”. Từng cuốn báo, tuy đã bị mối mốt xông thủng ít nhiều, nhưng đều
được bọc bìa đỏ, chữ in nhũ vàng, ghi rõ tên người sưu tầm là Lê Thị
Nam - tên thật của nghệ sĩ Bảy Nam; bên trong các bài báo, hình ảnh đều
được ghi rõ ngày tháng, cắt dán, thậm chí nhiều bài được viền bút đỏ
cẩn thận. Nghệ sĩ Bảy Nam mất tháng 8.2004, năm 2006, biết đến công việc
sưu tầm báo chí của ông Phương, nghệ sĩ Kim Cương, được sự chấp thuận
của gia đình, thay mặt gia đình viết một lá thư gửi ông Phương đề
nghị trao tặng ông 6 cuốn sưu tập báo của mẹ mình. “Hồi đầu, tôi cũng
ngại, vì món quà quý quá. Sau chị Kim Cương nói mãi, là gia đình chị
chọn tôi là “chọn mặt gửi vàng” nên mới đây, tôi mới tới nhà chị, thắp
hương xin bác Bảy thỉnh 6 cuốn sưu tập về…”, ông Phương nói.
Và đương nhiên, trong triển lãm, ông Phương cũng giới thiệu bộ sưu tập
những bài báo ông viết 45 năm qua, kể từ bài đầu tiên viết năm 1968,
đăng trên Báo Nhân Dân về Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hoà người Huế. “Tôi
sinh năm 1940, người Cà Mau. 15 tuổi tập kết ra Bắc. Ra Bắc khi tuổi
còn nhỏ, không nhớ gì nhiều về quê hương miền Nam. Sau này, khi về Báo
Nhân Dân làm phóng viên ban Miền Nam, được phân công viết bài về những
người tập kết, cán bộ miền Nam ra Bắc... thấy mình ít kiến thức về quê
hương quá, tôi để tâm sưu tầm tư liệu để bài viết phong phú hơn. Cái
thú sưu tầm tư liệu báo chí ngấm vào tôi dần dần từ đó… Sơ sịa về
bản thân tôi, về khởi nguồn việc sưu tầm của tôi là vậy”, ông Phương
mỉm cười.
(Theo laodong.com.vn)
|