Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt
Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tới dự với tư cách là một bạn đọc.
Ông nhận xét trúng và phần nào bao quát những ý kiến khác: Hồ Quang Lợi
nắm bắt nhanh xu hướng quy luật của sự kiện trong một rừng thông tin;
tiếp cận nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao tới kinh tế, xã hội,
văn hóa thể hiện rõ tầm nhìn của một nhà báo sắc sảo. Tác phẩm của Hồ
Quang Lợi đáp ứng nhiều đối tượng bạn đọc. Công chúng phổ thông nắm được
thông tin, các nhà chuyên môn thấy được những vấn đề sâu hơn nằm trong
dòng chảy ngầm dưới các sự kiện. Ông viết báo nhưng rất có văn, chính
điều đó làm nên sự sang trọng cho tác phẩm.
 |
Cuộc ra mắt sách hôm ấy còn nhận thêm nhiều lời tâm huyết của những
người bạn, người đồng chí - nhưng đều là những nhà báo nặng lòng với
nghề. Cùng trân trọng trước sự bền bỉ của nhà báo Hồ Quang Lợi, nhưng
các ý kiến cũng chung một câu hỏi: Ông lấy đâu ra thời gian để viết
trong điều kiện công tác bận rộn như hiện nay? Nếu như 3 cuốn sách trước
ra vào thời điểm Hồ Quang Lợi đang ở giữa mặt trận báo chí thì việc đó
dễ hiểu hơn. Nhưng hai cuốn gần đây quả thật là đáng nể, vì ở cương vị
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thì thời gian sẽ không bao giờ chịu san
sẻ cho những điều không phải là trọng yếu, máu thịt. Nhà báo Hồ Quang
Lợi có lời chia sẻ dễ hiểu: Tuyên giáo và báo chí là hai công việc gắn
bó chặt chẽ với nhau. Và ở cương vị mới tôi vẫn không rời báo chí, không
bỏ bút một ngày nào.
Nhà báo Hồ Quang Lợi là người lính nên trang viết của ông hội tụ đầy đủ
những phẩm chất: Rõ ràng, kiên định và cũng đầy chất thơ, chất lãng mạn.
Có một ý kiến khá độc đáo thế này: Bài viết của Hồ Quang Lợi đôi khi
giống như một chiến dịch, một trận đánh với một tư duy mạch lạc nhưng
lắm khi lại rất lắt léo để dẫn dắt và khiến bạn đọc đi đến thừa nhận
quan điểm mạnh mẽ của tác giả. Song đó không phải là một sự dàn trận
công nghệ, không cảm xúc. Hơn 10 năm trước, một giảng viên của Học viện
Báo chí và Tuyên truyền có phân tích bài bình luận của Hồ Quang Lợi bằng
một sơ đồ khai triển giúp sinh viên nhận dạng thể loại. Lúc đó, cây bút
chính luận áo lính đã cho rằng, thật ra khi viết ông không hề nghĩ đến
một kết cấu như vậy, chỉ là sự cụ thể hóa của tư duy và cảm xúc. Thế mới
biết, cái lý của tồn tại nằm ngay trong những điều thực sự là gan ruột!
Tác phẩm "Những chân trời cuộn sóng" ra mắt dịp này gồm 5 phần, trong đó
"Cuồng phong thế sự", "Hiện thực và góc nhìn" tiếp tục thể hiện sở
trường bình luận quốc tế của Hồ Quang Lợi. Công chúng vẫn tìm thấy điểm
tựa từ nhà báo khi ông chỉ ra nhiều khía cạnh trong "tính mong manh, dễ
bị tổn thương của thế giới hiện đại". Bên cạnh đó, một phần những suy
ngẫm mang nhiều nét mới của ông nằm ở "Một thời và mãi mãi", "Dấu ấn
những con người" và "Hà Nội yêu thương". Trong đó, ngòi bút chính luận
trở nên trầm lắng hơn trước những vấn đề đời sống xã hội day dứt như
"Châu Bình - đất, ngọc và máu", "Kỳ vọng Hà Nội xanh"; những cuộc ngược
dòng với lịch sử như "Lam Hạ - thời tóc xanh, máu lửa" và những trăn trở
muôn thuở là "Trường Sa trong tim ta".
Và hết thảy mọi suy ngẫm đều trải trên những trang văn có hồn. Giáo sư
Vũ Khiêu coi nhiều bài báo của Hồ Quang Lợi "còn là những bài văn đầy mỹ
cảm". Quả là khó mà không xao động trước hình ảnh "chiếc lá xanh bay
trong buổi bình minh rạng rỡ" - một chiếc mũ tai bèo mà người lính đảo
liệng xuống cho ca sĩ Thanh Thanh Hiền trong nỗi nghẹn ngào chia tay
không biết bao giờ gặp lại, mà tác giả đã chớp được và lưu lại trên
trang sách.
Đọc "Những chân trời cuộn sóng" cũng như đọc các tác phẩm trước của nhà
báo Hồ Quang Lợi thấy rõ một năng lượng sống, nghĩ, viết tràn trề. Bất
giác muốn đứng dậy mà đi, mà viết. Đi những bước đi cơ học và cả những
chuyến đi dài trong tâm tưởng như nhà báo Hồ Quang Lợi đã đi.