Trung tâm Hà Nội sẽ không còn ngập úng?
Trao
đổi với báo chí chiều 25/6, ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH
một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, đầu năm 2013, bão và áp thấp
nhiệt đới xuất hiện rất sớm ở phía Nam biển Đông. Do vậy trong mùa mưa
bão, lũ năm nay, tình hình thời tiết, thuỷ văn sẽ có diễn biến phức tạp.
Dự báo các đợt mưa lớn tập trung từ tháng 5-7, có khoảng 5-6
cơn bảo ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, để chủ động
đối phó với tình trạng úng ngập, trước mùa mưa công ty đã tiến hành nạo
vét, thông dòng chảy các hệ thống tiêu thoát nước, giải toả vật cản,
đăng chặn, khơi thông gầm cầu, cống, hố ga… nhằm đảm bảo thông dòng
chảy.
Đối với các công trình, dự án đang thi công có liên quan
đến tiêu thoát nước đô thị, công ty cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý
các vi phạm của các chủ đầu tư. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công
các công trình chống ngập cục bộ, tăng cường kiểm tra thay thế đan ga
bảo đảm an toàn…
Hiện 100% các trục mương tiêu thoát nước chính
đã được nạo vét, đào mở đảm bảo độ dốc thuỷ lực và duy trì mực nước
quản lý theo quy định. Để việc quản lý các ống cống được tốt, công ty đã
thường xuyên kiểm tra các trọng điểm thoát nước bằng camera trong lòng
cống, phát hiện và giải quyết ngay các ách tắc, vật cản….

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, các điểm ngập úng của thành phố
đang dần bị đẩy ra khỏi khu vực nội thành. Ảnh: Tùng Nguyễn
Hiện
các tuyến cống ngang trên địa bàn thành phố đang được nạo vét ít nhất 1
lần/ga/tháng, các khu vực trọng điểm được nạo vét 2-3 lần/ga/tháng với
sự hỗ trợ của thiết bị cơ giới, kết hợp nạo vét với tăng cường sửa chữa…
Theo
thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, đến nay đã
có 92km trục cống chính đã được nạo vét dứt điểm bằng dây chuyền thiết
bị cơ giới trên trừng tiểu lưu vực và đồng bộ với công tác nạo vét mương
sông. 800.000 lần cống ngang – ga thu được nạo vét với ít nhất 1
lần/ga/tháng. Nạo vét 60.000 m3 bùn trên các tuyên sông, trên 100% trục
mương chính, trên các cửa xả ra mương, sông đảm bảo khả năng đưa nước
nhanh nhất về các nguồn tiêu…
Nội thành Hà Nội đang dần hết ngập?
Ông
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết,
ngoài các biện pháp phòng ngừa tích cực trên, công ty còn triển khai
công tác ứng trực đầy đủ, giải quyết kịp thời và hiệu quả các tình huống
xảy ra khi có mưa lớn trên địa bàn: Xây dựng kế hoạch ứng trực cụ thể,
chi tiết cho từng vị trí, từng khu vực. Triển khai ứng trực kịp thời,
đúng kế hoạch với đầy đủ phương tiện, thiết bị, công cụ dụng cụ, nhân
lực.
Triển khai 100% quân số tại hiện trường khi có mưa trên
khắp địa bàn trong đó trọng tâm là các điểm úng ngập trên các trục đường
giao thông chính, các đường phố có mật độ giao thông cao và địa hình
trũng cục bộ dễ gây ách tắc giao thông. Đồng thời, tổ chức họp rút kinh
nghiệm để điều chỉnh kịp thời các bất cập nảy sinh sau mỗi trận mưa…
Chính
vì vậy, cơn bão số 2 vừa qua, tuy không độ bộ vào Hà Nội nhưng cũng đã
gây mưa lớn với lượng mưa đo được trong khu vực nội thành lên đến 96mm,
thậm chí có khu vực đo được hơn 113mm nhưng toàn thành phố chỉ có một số
điểm ngập úng trên các tuyến phố: Phạm Văn Đồng, Lĩnh Nam, Nguyễn Xiển,
Lê Trọng Tấn...
Ngoài ra, nhiều hạng mục xây mới, cải tạo hệ
thống thoát nước của Dự án thoát nước giai đoạn 2 của thành phố đã hoàn
thành và đã được đưa vào sử dụng cũng đã giúp giảm đáng kể số điểm ngập
úng trong khu vực nội đô thành phố.
Nhờ dự án này, một số tuyến
phố của Hà Nội trước đây cứ mưa to là bị ngập nặng, nhưng nay tình
trạng đã được cải thiện rõ, như phố Thái Thịnh (do hệ thống mương thoát
nước đã được đầu tư); khu vực Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm…
Theo
ông Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, Thủ đô
hiện còn 20 điểm ngập úng nhưng các điểm này tương đối khác so với
trước kia. Hiện nay khu vực nội thành ít xảy ra tình trạng ngập úng sau
mưa mà tập trung nhiều ở các tuyến đường vành đai mới mở như Vành đai 1
và 3.
Theo ông Lê, sở dĩ có điều này là do một số dự án liên
quan đến công tác thoát nước tiếp tục thi công trong mùa mưa hoặc hoàn
thành nhưng chưa được bàn giao vận hành như khu vực đường Nguyễn Xiển hệ
thống thoát nước đang chứa đầy phế thải, bùn đất không có khả năng tiêu
thoát nước.
"Một số khu vực dự kiến úng ngập phát sinh khác
như: Phạm Văn Đồng hai bên là tuyến rãnh nhỏ, không đồng bộ, trước đây
thoát nước ra các ao ruộng trũng xung quanh. Hiện hai bên đường đã có
các dự án đô thị nên không còn đường tiêu thoát gây ngập…. Những bất cập
này, thành phố đang giao chủ đầu tư hoàn thiện, nạo vét rạch cống rãnh
trước khi bàn giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý", ông Lê cho
biết.
(Theo vnmedia.vn)