Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
VHXH - Lịch sử
Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội - Di sản văn hóa thế giới

Để tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội biên soạn, phát hành cuốn sách “Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội – Di sản văn hóa thế giới”. Cuốn sách được biên soạn dựa trên Hồ sơ khoa học đề cử di sản văn hóa thế giới, đệ trình Ủy ban di sản Thế giới năm 2009.

Tác giả: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2012
Tổng số trang: 148
Kích thước: 20x25cm
Bình chọn:
(Tổng số: 4 - Trung bình: 1.00)
Giới thiệu về sách:

     Thăng Long – Hà Nội, trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm văn hoá dân tộc, nơi lắng đọng hồn thiêng non sông đất nước, nơi hội tụ và kết tinh các giá trị lịch sử, văn hoá của cả dân tộc.

Người Hà Nội và người Việt Nam ai ai cũng tự hào về đất kinh kỳ nghìn năm, ai ai cũng muốn mang theo trong tâm trí và ký ức của mình những hiểu biết và hình ảnh thân thương nhất của Thăng Long – Hà Nội.

     Cho đến nay đã có biết bao nhiêu công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hoá Thăng Long – Hà Nội, có biết bao nhiêu sáng tác về văn thơ, nghệ thuật ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người đất kinh kỳ. Việc nâng cao nhận thức về Thăng Long – Hà Nội luôn luôn được đặt ra cho các nhà khoa học và những người yêu Hà Nội.

     Trên hành trình khám phá và nhận thức, mở rộng các nguồn sử liệu là yêu cầu có tính cơ sở và càng ngày càng đạt nhiều thành tựu đáng mừng. Trong các nguồn sử liệu chữ viết, từ các bộ sử, địa chí cổ đã được mở rộng phạm vi khai thác sang các nguồn tư liệu lưu trữ, các văn bia, địa bạ, gia phả, các tư liệu người nước ngoài viết về Hà Nội. Các di tích trên mặt đất cũng được điều tra khảo sát. Qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhất là chiến tranh, qua sự huỷ hoại của thiên nhiên và con người, số di tích trên mặt đất còn lại rất quý nhưng không nhiều và di tích gốc rất hiếm. Chùa Một Cột còn đó nhưng đâu còn là chùa Diên Hựu nguy nga thời Lý. Cả Cấm thành Thăng Long cũng bị san bằng chỉ còn lại một Đoan Môn, một nền điện Kính Thiên với bậc thềm đá chạm rồng thế kỷ XV. Rồi thành Hà Nội xây dựng đầu thế kỷ XX cũng bị phá hoại toàn bộ, chỉ còn lại Cửa Bắc và Kỳ Đài ( Cột Cờ). La thành, Hoàng thành uy nghi chỉ còn lại một số đoạn…Qua một số phát hiện tình cờ đến những khai quật thám sát ở Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc năm 1999-2000, nhiều nhà khoa học có cơ sở nghĩ đến một Thăng Long – Hà Nội trong lòng đất còn bảo tồn được nhiều di tích, di vật phong phú và chân thực của kinh kỳ xưa, mở ra một nguồn sử liệu đồ sộ. Nhưng phải đến cuộc khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu năm 2002-2004 trên quy mô 19.000m2 rồi mở rộng đến 33.000m2 năm 2009, điều kỳ vọng đó mới trở thành hiện thực.

     Kết quả khai quật đã làm phát lộ một quần thể di tích vô cùng phong phú và đa dạng từ thời Tiền Thăng Long với di tích thành Đại La thế kỷ VII-IX, di tích thời Đinh - Tiền Lê thế kỷ X cho đến toàn bộ thời Thăng Long thế kỷ XI đến cuối XVIII và cả thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Các tầng văn hoá chồng xếp, đan xen nhau với các di tích kiến trúc, các giếng nước, cống thoát nước, tường bao các cung điện và một khối lượng di vật khổng lồ gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, vật dụng cung đình, vũ khí, tiền đồng và cả dấu tích cảnh quan như “ngự hà”, hồ nước…qua các thời kỳ lịch sử. Khu di tích cùng các tầng văn hoá mở ra trước mặt mọi người như một bộ sử bằng di tích, di vật rất cụ thể, đa dạng, giàu tính biểu đạt của một vùng trung tâm của Cấm thành Thăng Long trong suốt quá trình lịch sử tồn tại.

     Khu di tích khảo cổ học đó cùng với trục trung tâm thành cổ Hà Nội tạo thành Khu di tích trung tâm Hoàng thành – Hà Nội mang tính đại diện và tiêu biểu rất đặc trưng của lịch sử và văn hoá Thăng Long – Hà Nội trong 13 thế kỷ liên tục từ thời Đại La qua thời Thăng Long đến thời Hà Nội hiện nay. Trong khu thành cổ Hà Nội, ngoài một số di tích của Cấm thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, còn có di tích thành Hà Nội thế kỷ XIX như Cửa Bắc, Kỳ Đài, di tích kiến trúc của quân đội Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và di tích Đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc 1954-1975. Trong 13 thế kỷ đó, khu di tích này luôn luôn giữ vai trò trung tâm quyền lực trọng yếu, trong đó có hơn 8 thế kỷ là trung tâm chính trị quốc gia của nước Đại Việt thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII và của nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Đó cũng là khu di tích xuyên suốt 10 thế kỷ của lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Trên toàn bộ địa bàn Hà Nội và trên cả nước, đây là khu di tích duy nhất có bề dày lịch sử văn hoá dài và liên tục như vậy với vai trò trung tâm quyền lực và kinh đô quốc gia. Trong thủ đô các nước trên thế giới hiện nay, cũng hiếm có một thủ đô nào có một khu di tích nằm vị trí trung tâm mang của bề dày lịch sử trên 10 thế kỷ liên tục như vậy. Đặc điểm hầu như có một không hai này của khu di tích được tạo nên do vị trí của Cấm thành Thăng Long gần như không thay đổi qua các thời kỳ lịch sử và Cấm thành lại được xây dựng trên cơ sở thành Đại La, thành Hà Nội cũng xây dựng trên cơ sở mở rộng Cấm thành mà trục trung tâm không dịch chuyển bao nhiêu. Tâm điểm của Cấm thành là núi Nùng hay Long Đỗ (Rốn Rồng) được coi là nơi hội tụ khí thiêng của non sông.

     Khu di tích có một diện tích rất khiêm nhường, chỉ có 18,395 ha nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hoá rất lớn lao. Chính bề dày lịch sử và vai trò trung tâm kinh đô đã tạo nên độ quy tụ và lắng đọng sâu sắc, kết tinh các giá trị của văn hoá dân tộc. Cũng chính vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá quốc gia và vị trí đầu mối giao thông trong nước và quốc tế, khu di tích biểu thị đậm nét quan hệ giao thoa văn hoá với các nước trong khu vực và trên thế giới, dẫn đến sự tiếp biến văn hoá, tiếp nhận và dung hòa nhiều tư tưởng và giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây. Tính truyền thống và sự tiếp biến văn hoá tạo nên những nét đặc sắc và sáng tạo, những giá trị đa dạng trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch đô thị, kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc của khu vực Cấm thành Thăng Long. Cũng chính từ trung tâm chính trị quốc gia này, khu di tích đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước mang ý nghĩa quốc tế như chiến công đánh bại đế chế Mông Nguyên thế kỷ XIII, thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc của một nước thuộc địa giành lại độc lập và thống nhất như lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Những giá trị phi vật thể này tô điểm thêm giá trị khu di sản mang những giá trị có ý nghĩa toàn cầu. Về mặt nghiên cứu, khu di tích là một không gian hội tụ đầy đủ nhất ba cơ sở sử liệu về nhận thức Thăng Long – Hà Nội: tư liệu thư tịch, di tích trên mặt đất và di tích khảo cổ học trong lòng đất.

     Từ những giá trị trên, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2007, Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009 và năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

     Cuốn sách “Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản văn hoá thế giới” do Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội biên soạn và phát hành nhằm cung cấp một tư liệu có hệ thống mang tính phổ cập cho khách tham quan và những ai muốn tìm hiểu về di sản quý giá này của Hà Nội, của đất nước và của nhân loại. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở hồ sơ đề cử di sản văn hoá thế giới nhưng viết gọn lược hơn và bổ sung một số phát hiện gần đây.

     Cuốn sách sẽ góp phần quảng bá giá trị của khu di sản và đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của khách du lịch, bạn đọc trong nước và quốc tế. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, di sản văn hoá thế giới” với bạn đọc.

 

Sách cùng chuyên mục

Nhà xuất bản và tôi

Hà Nội vẫn đang trong những ngày cuối thu đẹp xao xuyến. Dư âm không khí tưng bừng náo nhiệt kỷ niệm 60 năm Thủ đô hoàn toàn giải phóng vẫn còn ngập tràn trên khắp các đường phố. Bên cạnh niềm vui chung đó, tất cả cán bộ, biên tập viên, công nhân viên của Nhà xuất bản Hà Nội còn có niềm vui riêng giản dị nhưng vô cùng lắng đọng và sâu sắc: Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Nhà xuất bản.

Nhà xuất bản Hà Nội
Nhà xuất bản Hà Nội
2014
276 trang
15 x 22 cm

Hà Nội cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại

Lâu nay tên tuổi nhà báo Hồ Quang Lợi đã trở nên quen thuộc, đầy sức nặng dưới nhan đề các bài báo chính luận, bình luận những sự kiện thời sự nóng bỏng trong nước và quốc tế. Nói đến ông, người ta nghĩ đến một nhà báo xông xáo, lịch lãm với tư duy nhạy bén, mẫn cảm tinh tế để cảm nhận và đánh giá sự kiện mang tầm dự báo. Là người chứng kiến thủ đô Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính trên cương vị Tổng Biên tập báo Hànộimới - rồi sau đó là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nhà báo Hồ Quang Lợi luôn theo sát từng bước chuyển mình này của Thủ đô và ông coi đó là “Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại”.

Hồ Quang Lợi
Nhà xuất bản Hà Nội
2014
444 trang
14,5 x 20,5 cm

Văn hóa giao thông

Chính phủ đã chọn năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát động Thông điệp: “Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta” nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân. Hưởng ứng thông điệp đó, Cuốn sách “Văn hóa giao thông” do TS. Phạm Ngọc Trung chủ biên được xuất bản sẽ là một tài liệu giúp bạn đọc hiểu hơn về Văn hóa giao thông ở nước ta.
TS. Phạm Ngọc Trung
Nhà Xuất bản Hà Nội
2012
360 trang
13 x 19 cm

Khu phố Tây Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua Tư liệu địa chính

 Cuốn sách Khu phố Tây Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính là cuốn sách thứ hai của PGS.TS Phan Phương Thảo va cộng sự trong con đường khai phá các tư liệu địa chính về các khu phố cổ, khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp với Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam ấn hành quý I năm 2017.

PGS.TS Phan Phương Thảo
Nhà xuất bản Hà Nội
2017
420
15x24cm

179 món chay bổ dưỡng

“179 món chay bổ dưỡng” là cuốn sách thuộc Tủ sách nấu ăn do tác giả Nguyễn Viên Chi biên soạn. Cuốn sách là cẩm nang trang bị kiến thức nấu các món chay bổ dưỡng. Ðây là những món chay thông dụng, nguyên liệu dễ mua, theo mùa, dùng trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình, đặc biệt cho những người ăn chay trường.

Nguyễn Viên Chi
Nhà xuất bản Hà Nội
2015
200 trang
13 x 20.5 cm
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)