Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhiều ký ức đã khoả lấp, nhưng ký ức tình đồng đội, những ngày khói lửa ấy vẫn như nguyên vẹn trong tâm trí của những người trải qua dẫu nay đã ở tuổi 60, nhiều người đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm”.
Với phương châm “Viết về ta, viết cho ta, viết vì ta”, cuốn sách Hồi ức thời hoa lửa đã khắc họa chân thật, sinh động hình ảnh về cuộc chiến đấu ngoan cường, quả cảm và sự anh dũng hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tại chảo lửa Quảng Trị trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với hơn 500 trang viết, cuốn sách gần 150 tác phẩm thể hiện các nội dung sau:
1. Hoạt động tác chiến của Trung đoàn trên các địa bàn tỉnh Quảng Trị;
2. Hồi ức của cán bộ, chiến sĩ về những trận chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sinh hoạt của bộ đội; tình quân dân trên chiến trường và những kỷ niệm sâu sắc của người lính về một thời đạn bom, một thời hòa bình;
3. Những chuyến đi thăm chiến trường xưa, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi bà con nhân dân Quảng Trị, những người đã nhường cơm sẻ áo, cưu mang che chở bộ đội trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh;
4. Hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”, “Uống nước nhớ nguồn” của Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn, hoạt động xây Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn tại thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Lùi thời gian, ngày 01 tháng 5 năm 1972, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, quân và dân ta đã làm chủ chiến trường. Bị đòn đánh bất ngờ, Mỹ - ngụy mất Quảng Trị, mất hệ thống phòng thủ điện tử Mac Namara mạnh nhất mà chúng thường huênh hoang là “bất khả chiến bại”. Hòng lấy lại thể diện và để đặt điều kiện với ta ở Hội nghị Pari, Mỹ - ngụy đã tập trung các sư đoàn, thiết đoàn thiện chiến nhất dưới sự hỗ trợ đắc lực nhất của “pháo đài bay B52”, bom, pháo hạm, pháo dàn… liên tục mở các cuộc hành quân hòng tái chiếm Quảng Trị, biến mảnh đất này thành nơi đọ sức ác liệt nhất, quyết liệt nhất trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, kéo dài từ ngày 28 tháng 6 năm 1972 đến ngày 31 tháng 01 năm 1973.
Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B được Bộ Tổng Tư lệnh điều động vào chiến trường, trực tiếp chiến đấu trên mặt trận Cánh Đông (địa bàn huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong) và chi viện đắc lực cho các đơn vị chiến đấu trong Thành cổ - thị xã Quảng Trị. Với truyền thống “Trung đoàn quyết thắng, dũng cảm đánh hăng”, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích kiên cường bám trụ, phản kích táo bạo, chốt chặt, luồn sâu, đánh mạnh sau lưng địch, phá thế vây ép, chia lửa với các đơn vị bảo vệ Thành cổ. Với khu vực tác chiến trải rộng gần 200km2, dưới hỏa lực mạnh, hiện đại của không quân, hải quân Mỹ, pháo mặt đất của địch, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 đã chịu đựng hàng trăm nghìn tấn bom, đạn của địch, kiên cường dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Hơn 700 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã vĩnh viễn nằm lại, gần 2000 đồng chí bị thương, góp phần làm nên những trang sử hào hùng, khắc sâu vào tâm thức của hàng triệu triệu người dân Việt Nam và bè bạn quốc tế. Mỗi khi nói về mảnh đất Quảng Trị anh hùng, những cựu chiến binh một thời hoa lửa bồi hồi nhớ lại những ngày tháng khốc liệt, những đồng đội mãi mãi nằm lại trên mảnh đất linh thiêng đầy bi tráng này. Nhớ lại những ngày mưa bom, bão đạn, những trận chiến đấu táo bạo, mưu trí, đầy hiểm nguy, những đồng đội hôm nay ngỡ ngàng tự hỏi dưới làn đạn dày đặc như thế làm sao vẫn sống, vẫn vượt qua để chiến thắng?! Trong sâu thẳm mỗi người, những hình ảnh cao đẹp của tình đồng chí đồng đội, tinh thần chiến đấu anh dũng, sức chịu đựng vô hạn và sự hy sinh oanh liệt vì độc lập tự do của Tổ quốc đã được những người trở về khắc họa cụ thể, chi tiết bằng những bài viết, vần thơ, lời ca để nhớ, để thương, để tôn vinh những chiến công một thời lửa đạn, để con cháu mai sau mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ thế hệ cha anh.
Cuộc chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, trí nhớ của người viết, đa số là không chuyên và đều ở tuổi 60, 70, 80 và đã bắt đầu “nhớ nhớ, quên quên”, nên có thể có những sự kiện, tình tiết cụ thể chưa thật chính xác hoặc có sai sót, rất mong được đồng chí, đồng đội và những người quan tâm rộng lòng coi đó là “tư liệu hồi ức”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhiều ký ức đã nhạt nhoà, nhiều nỗi nhớ đã nguôi ngoai. Song, nỗi nhớ và ký ức về những đồng đội đã anh dũng ngã xuống vẫn luôn cháy bỏng trong tâm trí những người lính một thời xông pha lửa đạn. Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách Hồi ức thời hoa lửa!